Chuyện đầu tuần

Kỳ họp đặc biệt

PHAN HOÀNG (hoangngocdiem80@gmail.com) 05/05/2025 07:30

Hôm nay 5/5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV khai mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 9 là một kỳ họp đặc biệt, không chỉ về quy mô thời gian và nội dung mà còn mang ý nghĩa chính trị - pháp lý rất lớn, đánh dấu một giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, thể chế và tư duy phát triển quốc gia.

Tại báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam về tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri và kết quả biểu quyết của HĐND các cấp về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan, tỷ lệ đồng ý rất cao. Người dân, về cơ bản đồng tình với chủ trương và thiểu số không đồng ý dù sao cũng đã biểu đạt được ý kiến và nguyện vọng của họ.

Đơn cử, kết quả lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Xã Đại Quang (huyện Đại Lộc) có 2.069 cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý (66,21%) và 1.056 không đồng ý (33,79%); xã Tam Tiến (Núi Thành) có 2.052 cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý (61,16%) và 1.303 không đồng ý (38,84%). Đây là hai xã có tỷ lệ không đồng ý cao nhất tỉnh.

Rất nhiều kiến nghị về phương án sắp xếp đơn vị hành chính; việc đánh giá tác động, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy chi tiêu công, chi tiêu cá nhân; xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính... đã được tổng hợp.

Chỉ riêng đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, khi tới đây không còn cấp huyện, cũng đã thấy nhiều bất cập. Hiện nay, các chế độ, chính sách theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không đề cập đến người hoạt động không chuyên trách cấp xã; trong khi các chế độ, chính sách được quy định tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế lại quá thấp. Vì vậy, cần sớm ban hành chế độ, chính sách riêng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính.

Khi triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cần giao cho địa phương căn cứ vào điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy chính quyền có thể bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của tỉnh cùng sáp nhập và tại trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới.

Kiến nghị này nhằm để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn của tỉnh cùng sáp nhập và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, doanh nghiệp trong giai đoạn đầu sáp nhập.

Khi mọi thứ được dự liệu để đi đến bước quyết định, thì kết quả lấy ý kiến cử tri liên quan về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã dù trái ngược và ít ỏi, lẻ loi, sẽ được Quốc hội - cơ quan đại diện quyền lực của dân lắng nghe theo cách nào?

Trong bảng tổng hợp kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, có kiến nghị ở tầm vĩ mô, có kiến nghị ở tầm vi mô. Nhưng dù trên phương diện lập pháp hay các phương diện khác tác động sâu sắc đến đời sống người dân, thì đây cũng sẽ là kỳ họp đặc biệt, bởi chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử và đầy thử thách: Đất nước với tầm nhìn phát triển 100 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ họp đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO