Đời sống

Kỷ vật của Ama

ALĂNG NGƯỚC (alangnguoc@gmail.com) 31/03/2025 13:11

(VHQN) - Một năm sau ngày ba mất, mẹ tôi cất toàn bộ kỷ vật của ông vào chiếc hộp cũ, đặt ngay ngắn trong phòng riêng của mình. Nhưng vài tháng sau, đột nhiên bà mở chiếc hộp ra, giao trọn kỷ vật cho đứa con út, rồi dặn dò sắp xếp cẩn thận bên trong chiếc tủ kính của gia đình…

7c90e8a1d47e65203c6f.jpg

Hồi ức chiến tranh

Mẹ tôi kể, những kỷ vật này đều được Ama (ba) mang về từ chiến trường. Sau giải phóng, đang làm Huyện đội phó Đông Giang, ba tôi xin phục viên về quê theo nguyện vọng cá nhân.

Món quà theo ông, ngoài khẩu súng AK-47 được Tư lệnh Quân khu 5 tặng sau thời điểm ông bắn hạ máy bay địch, là những hộp tiếp đạn, sổ tay quân ngũ, huân - huy chương các loại, cuốn album ảnh chân dung đồng đội được chụp từ những năm 1970…

Thời gian khiến mọi thứ ngả màu, chỉ duy nhất mặt đồng các tấm huân chương vẫn sáng bóng. Một lần, mẹ lấy từ trong tủ những kỷ vật để lau chùi bụi bẩn. Cầm chiếc ăng gô trên tay, bà dừng rất lâu ngắm nghía.

Bà nói, chiếc ăng gô này, sau khi được ba mang về từ chiến trường, trở thành dụng cụ nấu cơm đầu tiên bằng kim loại của gia đình. “Hồi đó, người Cơ Tu ở vùng này không có nồi niêu như bây giờ. Để nấu cơm, nhiều gia đình phải nặn, nung đất sét tạo ra những chiếc nồi đất nhưng rất dễ vỡ” - mẹ tôi nhớ lại.

Năm 1970, ba tôi ra Bắc an dưỡng, sau khi ông bị thương trong một lần bị địch phục kích. Ra Bắc, ông được cử theo học tại Trường Sĩ quan lục quân II (đóng tại huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ - nay là TP.Hà Nội).

img_0109.jpeg
Những kỷ vật của Ama còn sót lại, được gia đình tôi cất giữ cẩn thận như “báu vật” mang giá trị lịch sử của ông và đồng đội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong số những kỷ vật mẹ tôi cất giữ, có cả chiếc hộp được làm bằng nhôm, bên trong đựng rất nhiều cây kim tiêm bé xíu nhưng rất dày. Mẹ nói, hồi ra Bắc an dưỡng, ngoài học tập về chuyên môn quân đội, ba tôi còn được đào tạo căn bản về ngành y.

Sau giải phóng, ông vẫn thành thục kỹ năng tiêm điều trị sốt rét cho cộng đồng. Sau này, khi không còn hành nghề nữa, ông đã cất lại kim tiêm trong chiếc hộp nhôm, thỉnh thoảng lấy ra lau chùi.

Hồi ba tôi còn sống, chiếc thắt lưng bằng da cứng, túi đựng hộp tiếp đạn và cây dao găm có khắc tên được ông cất giấu cẩn thận. Đó là “những người bạn” đồng hành ông “vào sinh ra tử” trong các trận đánh tại chiến trường miền tây Quảng Đà. Nhiệm vụ bộ đội chủ lực của tỉnh, ông gần như có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt. Và ông có 3 lần bắn rơi máy bay địch bằng súng trường.

Những tấm Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương chiến công, Huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ… được trao tặng là minh chứng sau nhiều năm ông tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tất cả đã trở thành kỷ vật, được mẹ tôi xem đó như “báu vật” của gia đình.

Giá trị lịch sử cách mạng

Thật tiếc, sau vài lần chuyển dời chỗ ở, nhiều kỷ vật của ba dần mất đi. Những bức thư tay, cùng nhiều bài thơ được đồng đội của ba viết vội đề tặng ông nay không còn nữa. Cuốn album rách rời, cũng chỉ còn vài chục bức ảnh chân dung được chụp bằng công nghệ đen trắng.

img_0136.jpeg
Như một thói quen, thỉnh thoảng mẹ tôi thường mang các kỷ vật để lau chùi bụi bẩn, rồi lại cất giữ cẩn thận bên trong chiếc tủ kính của gia đình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hôm nọ, tôi ngược núi trở về nhà. Sau thời gian mưa ẩm, mẹ lại lấy ra lau chùi kỷ vật của gia đình. Tôi chú ý đến chiếc hộp màu trắng, còn nguyên nắp đậy. Mẹ tôi cho biết, đó là chiếc hộp đựng lưỡi câu ba sử dụng sau thời điểm giải phóng. Chiếc hộp ấy, ban đầu là hộp đựng thuốc được bộ đội sử dụng trong kháng chiến.

Sau này, ba tận dụng và thường mang theo để đựng lưỡi câu, câu cá dọc khe suối. Những bữa ăn tươi của gia đình thời đó cũng một phần nhờ những chiếc lưỡi câu đựng trong chiếc hộp màu trắng này.

Những năm 1996, sau thời gian lục lọi hộp đồ của ba, tôi lấy ra một chiếc bàn chải với ý định tái sử dụng. Chiếc bàn chải sau đó được ba khử trùng nhiều lần bằng nước sôi, trở thành vật đầu tiên tôi sử dụng để vệ sinh răng miệng.

Nhớ những năm học cấp 2, nhà khó khăn quá, ba bèn lấy ra từ trong hộp sắt một chiếc màn màu vàng nhạt, sau khi được giặt sạch đưa cho tôi mang theo để sử dụng. Chiếc màn này, cũng được ba mang về sau tháng năm ở quân ngũ. Lúc phục viên, ông mang theo bên mình và cất giấu cẩn thận. Bây giờ, một số kỷ vật ấy đã không còn, mỗi lần nhớ lại, tôi ngậm ngùi tiếc nuối.

Hơn 50 năm cất giữ, những kỷ vật của Ama dù không còn nguyên vẹn nhưng mỗi thứ đồ vật đều mang rất nhiều thông tin và giá trị lịch sử quý giá. Những ngày tháng 3 lịch sử, hồi ức về ba lại sống dậy trong câu chuyện của mẹ, với chất liệu được kể từ những kỷ vật chiến tranh để lại…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ vật của Ama
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO