Phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) không chỉ tăng giá trị kinh tế rừng trồng mà còn đảm bảo các giá trị bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Quảng Nam đã và đang hiện thực hóa quyết tâm tăng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn, trao đổi kinh nghiệm nhân rộng việc cấp chứng chỉ FSC ở nhiều địa phương.
Rừng trồng và đất quy hoạch phát triển rừng trồng được nhận định là thế mạnh của Quảng Nam. Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đang tăng mạnh. Đây chính là điều kiện để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản trên thị trường quốc tế.
Tiềm năng lớn
Thống kê từ Sở NN&PTNT, Quảng Nam có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 724.000ha (chiếm 68,46% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Diện tích rừng trồng hơn 218.800ha. Đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng sản xuất là 16.490ha.
Hàng năm diện tích trồng rừng bình quân 17.632ha. Trong đó chủ yếu là rừng trồng lại sau khai thác 17.416ha, trồng mới trên đất chưa có rừng 216ha. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hằng năm đạt khoảng 1.650.000m3, năng suất rừng bình quân đạt 75 - 85m3/ha/chu kỳ 5 năm.
Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam thông tin, đến nay, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC là hơn 25.000 ha (diện tích còn hiệu lực 19.310ha).
Địa phương đã triển khai đánh giá và cấp chứng chỉ FSC gồm 9 huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh, Đại Lộc, Bắc Trà My, Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang.
Ông Từ Văn Khánh thông tin, kể từ hội thảo rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC tỉnh Quảng Nam (tháng 5/2022) đến nay, số đơn vị được cấp chứng chỉ rừng cũng như các địa phương triển khai đánh giá và cấp chứng chỉ FSC tăng lên. Theo đó, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cũng tăng đáng kể. Giai đoạn 2017 - 2020 mới chỉ có 3 đơn vị tham giá đánh giá và cấp chứng chỉ FSC. Đến giai đoạn 2022 - 2024, có thêm 8 đơn vị tham gia.
Trong năm 2022, có 5 huyện triển khai đánh giá và cấp chứng chỉ FSC. Hiện tại, đã có 9 huyện triển khai đánh giá và cấp chứng chỉ FSC. Diện tích rừng được đánh giá và cấp chứng chỉ FSC giai đoạn 2017 - 2020 mới ở mức gần 6.000ha đến nay đã tăng lên hơn 19.300ha.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay nhiều người dân vẫn còn chú trọng trồng rừng sản xuất dăm gỗ (chu kỳ khai thác khoảng 4 - 5 năm), chưa áp dụng các nguyên tắc của quản lý rừng bền vững nên chất lượng rừng trồng chưa đạt hiệu quả và khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm gỗ ra thị trường quốc tế.
Với diện tích rừng trồng hiện có và đất chưa có rừng quy hoạch cho phát trồng rừng sản xuất (16.490ha), tiềm năng phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC của tỉnh là rất lớn. Diện tích rừng trồng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt được kết quả rất khiêm tốn so với diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt khoảng 1,65 triệu mét khối, tuy nhiên phần lớn diện tích gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh chưa được cấp chứng chỉ FSC, nhiều diện tích đất rừng chưa đầy đủ tính pháp lý, nên không thể truy xuất được nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Ông Từ Văn Khánh
Tạo sự quan tâm từ người dân, doanh nghiệp
Quảng Nam hiện có nhiều đơn vị đã thực hiện đánh giá và được cấp chứng chỉ FSC gồm: Công ty Cổ phần Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (1.172,37ha); Công ty TNHH Khương Đài (2.254,20ha), Công ty Cổ phần Đầu tư và PTLN Quảng Nam QNAFOR (6.693,90ha); Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận (1.397,77ha); Hợp tác xã Lâm nghiệp Thuận Nhiên (1.018,36ha): Công ty Lâm nghiệp Thiện Hoàng (2.271,40ha) và Công ty TNHH Lâm sản Bình An Phú Dung Quất (3.562,28ha) Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Nam 650ha...
Trong những năm qua, công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều thành quả đáng kể. Người dân và các tổ chức, doanh nghiệp đã thực sự quan tâm và phát triển nghề rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất. Hằng năm, số lượng gỗ cung cấp cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu đạt 1,6 - 1,7 triệu mét khối, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, việc phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC vẫn còn nhiều rào cản. Diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững mới chỉ tập trung ở một số huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành, Đại Lộc, Bắc Trà My. Người dân chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng, còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ. Liên kết chuỗi chưa phổ biến, doanh nghiệp chưa hỗ trợ hiệu quả về vốn, kỹ thuật cho người dân. Cam kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo, hiệu quả thực thi chưa cao.
Đại diện ngành nông nghiệp cho biết, Quảng Nam đang xây dựng định hướng đưa ngành công nghiệp chế biến và thương mại gỗ phát triển mạnh mẽ, thiết lập được vị thế trên thị trường và định hướng đổi mới phương pháp, quy trình trồng cây theo cách cũ sang hướng trồng, quản lý và khai thác rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, hướng tới chấm dứt tình trạng khai thác gỗ từ việc phá rừng, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả.
Về giải pháp phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC, ông Trần Út cho hay, hiện nay việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức đang được chú trọng ở nhiều địa bàn, đặc biệt là các địa phương có tiềm năng lớn về trồng rừng.
Năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 15 về về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030 diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC) đạt 30.000ha.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Song song với tuyên truyền, các giải pháp về quản lý sử dụng đất, tổ chức, nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, quản lý giống, tăng cường vốn cũng được đặt ra.
Cùng với đó, Quảng Nam tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp liên doanh liên kết với các hộ gia đình để đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Việc cấp chứng chỉ rừng thực hiện theo phương thức doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Khi có sản phẩm khai thác sẽ hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn, hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường...
Rào cản lớn nhất trong việc phát triển rừng trồng gỗ lớn hiện nay đến từ tư duy “ăn xổi” của người dân.
DO chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng, lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ, liên kết chuỗi chưa phổ biến khiến nhiều người lựa chọn trồng keo với chu kỳ ngắn, chấp nhận hiệu quả kinh tế thấp thay vì làm ăn “dài hơi” với rừng gỗ lớn.
Người dân chưa mặn mà
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói, hiện nay định mức hỗ trợ thực hiện trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quy định hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với các xã biên giới và 8 triệu đồng/ha đối với các xã ngoài khu vực biên giới.
“Tại Nam Giang, đa số thực bì là lau lách, sim, mua, lan rừng, cấp thực bì là cấp 3. Với mức hỗ trợ trên, người dân địa phương không đủ kinh phí để tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Chi phí hỗ trợ thấp dẫn đến số lần chăm sóc hằng năm ít. Do đó, không đảm bảo chất lượng rừng trồng, dẫn đến hiệu quả thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn thấp” - ông Chương nêu thực trạng.
Chưa kể, các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn chỉ được hỗ trợ công tác khuyến lâm (định mức 500 nghìn đồng/ha/4 năm), chi phí quản lý hàng năm (10% tổng mức đầu tư), hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng (300 nghìn đồng/ha); hỗ trợ hoàn công và số hóa bản đồ (50 nghìn đồng/ha). Các chi phí này rất thấp dẫn đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện hiệu quả.
Về cấp chứng chỉ rừng FSC, nhu cầu thực tế trên địa bàn huyện Nam Giang rất lớn. Tuy nhiên, đa số diện tích trồng rừng của các hộ gia đình đều nhỏ lẻ, do đó, tỷ lệ được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC chưa nhiều...
Thực trạng trên cũng là “điểm chung” của nhiều địa phương trong toàn tỉnh khi muốn phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC. Theo phân tích của Sở NN&PTNT, trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn phải mất thời gian dài, cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, thị trường; ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Nhiều địa phương chưa tìm ra được loài cây khác để rút ngắn chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn.
Điểm sáng từ HTX Hiệp Thuận
Được thành lập từ tháng 3/2017, xác định kinh tế lâm nghiệp làm thế mạnh dựa trên những tiềm năng từ địa phương, HTX Hiệp Thuận (Hiệp Đức) trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong hợp tác, liên kết thúc đẩy chuỗi giá trị trồng rừng gỗ lớn gắn với thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Hữu Dương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận chia sẻ, sau khi dự án WB3 kết thúc (2017), HTX có 54 hộ tham gia với diện tích rừng có chứng chỉ FSC mới đạt 239ha. Giai đoạn đầu thành lập đến năm 2022, có 159 hộ tham gia HTX với diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC hơn 824ha. Đến nay, HTX đã mở rộng ra 249 hộ thành viên với diện tích rừng trồng gần 1.400ha.
Theo ông Dương, khi tham gia liên kết với HTX, người dân sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Cụ thể, thị trường tự nguyện trả giá cao cho sản phẩm quản lý rừng có trách nhiệm, nên đầu ra sản phẩm gỗ đạt chứng chỉ FSC có giá cạnh tranh.
Người dân được hỗ trợ vốn trồng rừng và 30% vốn chi phí duy trì kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng từ tuổi thứ 5, nhận cây giống chất lượng cao từ vườn ươm của HTX, tiền giống có thể được hỗ trợ trả sau hoặc hỗ trợ 100% không hoàn lại. Tham gia liên kết cùng HTX, người sản xuất được cam kết bao tiêu sản phẩm, hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ gỗ.
Các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý rừng bền vững cho diện tích rừng trồng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC, đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn và chuyển đổi rừng chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn chu kỳ dài sẽ được HTX hỗ trợ.
Ngoài ra, khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn thì người tham gia không phải hoàn trả chi phí mà HTX đã đầu tư. HTX xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro rừng trồng với mức tự nguyện tham gia từ 200-400 nghìn đồng/ha/năm khi xảy ra thiệt hại do thiên tai gây ra từ 30% trở lên được hỗ trợ gấp 10 lần khi tham gia.
“HTX đã tập trung xây vườn ươm giống có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng được cơ quan quản lý công nhận nhằm cung cấp cho hộ dân tham gia liên kết, hỗ trợ 100% cây giống; HTX còn cho mượn 30% giá trị lô rừng cho rừng có độ tuổi từ 5 tuổi trở lên nhằm kéo dài chu kỳ kinh doanh mà không tính lãi. Sau khai thác, HTX thu mua sản phẩm giá cao hơn giá thị trường từ 5-7%. Các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực từ nhiều dự án của chính quyền, các tổ chức giúp HTX ngày càng mở rộng về quy mô sản xuất cũng như số hộ và diện tích tham gia liên kết. HTX phấn đấu đến năm 2030 liên kết với người dân đạt từ 2.500 - 3.000ha rừng trồng có chứng chỉ FSC và đạt tối thiểu 50% diện tích chu kỳ kinh doanh tối thiểu là 6 năm trở lên” - ông Dương cho hay.
Được đánh giá là một trong những địa phương rất có tiềm năng và cơ hội thực hiện mua bán tín chỉ các bon từ rừng, bên cạnh tìm cách tháo gỡ những vướng mắc về khung pháp lý, Quảng Nam đã và đang nỗ lực xây dựng định chế nhằm thúc đẩy các dự án môi trường, với kỳ vọng có thêm “chìa khóa” mở cửa vào net zero.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn thứ hai cả nước, với nhiều tiềm năng thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng các bon từ rừng. Tuy nhiên, những năm qua, áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất, công tác quản lý còn bất cập, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế…
Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch lâm nghiệp, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển miền núi và nâng cao đời sống người dân dựa vào rừng. Đồng thời phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+) giai đoạn 2020 - 2030.
Theo ông Út, những kỳ vọng của Quảng Nam trong việc bán tín chỉ các bon từ rừng là có cơ sở. Chính phủ cũng đã thống nhất chủ trương cho phép Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng. “Quảng Nam cũng đã lập báo cáo đánh giá mức độ khả thi về cơ hội đầu tư vào thị trường các bon, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư có tiềm năng trong lĩnh vực này” - ông Út chia sẻ.
Giai đoạn 2005 - 2016, rừng Quảng Nam phát thải 4.233.930 tCO2e/năm và hấp thụ 3.295.389 tCO2e/năm; mức phát thải ròng trung bình hằng năm 938.541 tCO2e/năm. Giai đoạn 2019 - 2030, ước tính phát thải và hấp thụ hàng năm lần lượt là 3.789.589 tCO2e/năm và 4.476.445 tCO2e/năm, mức hấp thụ ròng trung bình hàng năm là 686.856 tCO2e/năm. Như vậy, tiềm năng giảm phát thải từ rừng của Quảng Nam là 444.341 tCO2e/năm và tiềm năng hấp thụ là 1.181.056 tCO2e/năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, khó khăn nhất của Quảng Nam hiện nay chính là tìm cách giải quyết các vướng mắc liên quan đến khung pháp lý nhằm hoàn thiện hồ sơ đề án thí điểm bán tín chỉ các bon từ rừng. Đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án của tỉnh hoặc tham gia các dự án các bon vùng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Điều này hướng đến mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững cho tương lai.
Trước mắt, Quảng Nam tiếp tục quyết tâm giữ rừng và quan tâm phát triển sinh kế của người dân dưới tán rừng. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tín chỉ các bon và công tác quản lý, bảo vệ rừng đến với người dân, cộng đồng; kêu gọi các địa phương, đơn vị, nhất là các chủ rừng tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả.
Trên cơ sở sớm ban hành hạn ngạch phát thải nhằm xây dựng các dự án kinh doanh các bon, Quảng Nam mong muốn Bộ NN&PTNT tham mưu ban hành các khung pháp lý liên quan đến việc kinh doanh tín chỉ các bon rừng; hướng dẫn, tạo điều kiện để Quảng Nam tham gia các dự án kinh doanh tín chỉ các bon vùng do Bộ chủ trì thực hiện.
“Để Quảng Nam thực hiện được dự án bán tín chỉ các bon rừng, chúng tôi rất mong các tổ chức nước ngoài cùng tham gia thị trường này, giúp địa phương có hướng đi phù hợp để triển khai trong thời gian đến, thu lại kinh phí phục vụ cho việc phát triển rừng” - ông Hồ Quang Bửu nói.
Không khó để nhìn thấy những triển vọng từ trồng rừng gỗ lớn và rừng được cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận để được cấp chứng chỉ FSC của nhiều địa phương, doanh nghiệp còn khó khăn, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm lẫn sự hỗ trợ từ các tổ chức chuyên môn.
Diện tích FSC còn khiêm tốn
Là một trong các doanh nghiệp tiên phong trong việc cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) trên địa bàn Quảng Nam, Công ty TNHH Hào Hưng (Tập đoàn Hào Hưng) nhận định, FSC đang mở ra rất nhiều cơ hội cho xuất khẩu sản phẩm lâm sản Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng.
Tập đoàn Hào Hưng thông tin, Chứng chỉ FSC hay PEFC đều là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng, đảm bảo tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).
Chứng chỉ rừng giúp dễ dàng đưa sản phẩm vào thị trường quốc tế có yêu cầu khắt khe về đảm bảo rừng bền vững. Hiện một số quốc gia và khu vực trên thế giới đang áp dụng luật từ chối nhập khẩu các sản phẩm gỗ sản xuất bất hợp pháp, không có nguồn gốc rõ ràng.
Khi sở hữu FSC, doanh nghiệp được sử dụng nhãn FSC chứng minh các sản phẩm rừng sản xuất từ nguyên liệu vùng trồng có sự quản lý bền vững và hợp pháp, giảm thiểu rủi ro về các vấn đề chất lượng sản phẩm từ rừng. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng doanh thu và nâng cao thương hiệu sản phẩm lâm sản.
Bà Ngô Thị Thanh Dung - đại diện Công ty TNHH Hào Hưng chia sẻ, diện tích rừng ở Quảng Nam lớn, khoảng 175.000ha rừng sản xuất đã có rừng nhưng diện tích rừng được cấp chứng chỉ không nhiều, khoảng 25.000ha. Hệ thống các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn còn ít, chủ yếu là các cơ sở chế biến và xuất khẩu dăm gỗ, viên nén.
“Tồn tại hiện nay là nhận thức của chính quyền địa phương và chủ rừng về quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng còn hạn chế. Diện tích rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân còn nhỏ lẻ, manh mún, chồng lấn khó triển khai. Chi phí thực hiện lớn và pháp lý khu rừng còn chưa hoàn thiện. Để tháo gỡ những tồn tại này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cơ chế chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ. Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường nhân lực, nguồn lực phối hợp với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai cấp chứng chỉ rừng tại địa phương” - bà Dung nói.
Không dễ tiếp cận FSC
Ông Đoàn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR, đóng tại xã Quế Thọ, Hiệp Đức), cho biết, việc liên kết trồng rừng FSC với các hộ dân thời gian qua đã giúp nâng cao sản lượng, chất lượng gỗ rừng trồng, tạo điều kiện ổn định cho doanh nghiệp trong sản xuất, nâng cao doanh thu lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho người dân trồng rừng.
Ban đầu, công ty QNAFOR dự tính thuê đất của người dân để trồng nhưng do diện tích đất nhỏ lẻ, “da beo”, nên đã chuyển hướng liên kết với người dân, hình thành nhóm hộ. Công ty QNAFOR cử nhóm quản lý tiếp cận các hộ dân, giúp họ nắm bắt kỹ thuật, các yếu tố làm chứng chỉ FSC để hỗ trợ nhóm hộ ở xã, thôn. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí cho quản lý nhóm ở thôn xã để tổ chức các cuộc họp, tập huấn cho người dân tham gia FSC.
“Nhận thức của nhân dân tham gia liên kết đã được nâng lên, tạo liên kết khắng khít giữa người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thấy một số khó khăn về giống cây trồng nên đã có chủ trương sản xuất giống nuôi cấy mô để cung ứng. Song việc này đang chậm do vướng thủ tục về cấp đất, chưa thể triển khai” - ông Hùng nói.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Hùng cho rằng những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến việc thu mua gỗ nguyên liệu giảm sút, ảnh hưởng chủ trương phát triển rừng gỗ lớn. Diện tích rừng trồng sản xuất hiện nay là đất đồi dốc, phân tán, chưa có sổ đỏ dẫn đến chưa đáp ứng tiêu chí làm rừng gỗ lớn FSC. Thêm vào đó, một bộ phận người dân vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
“Quá trình tiếp cận chính sách hỗ trợ phức tạp. Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư, nên người dân chờ lấy được tiền khá lâu. Ngoài ra phải chứng minh được nguồn gốc cây giống, đáp ứng kỹ thuật trồng và phải có sổ đỏ, nên người dân khó tiếp cận nguồn hỗ trợ. Doanh nghiệp phải vận dụng nguồn lực tài chính của công ty và các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài để hỗ trợ cho người dân trong làm chứng chỉ FSC. Hiện nay, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc hỗ trợ cho người dân cũng giảm đi. Công ty đã và đang nỗ lực duy trì, tìm mọi cách để giữ chiến lược phát triển rừng gỗ lớn FSC tăng trưởng theo hàng năm” - ông Hùng thông tin thêm.