Tết gần về ngang cửa. Thị trường sẽ “nóng” lên với những chuyến xe hàng đến và đi, người bán người mua đều lo tết. Có chuyện xả hàng tồn kho, rồi nháo nhào trộn hàng cũ, hàng mới để bán. Và thực phẩm, rượu, mứt, bánh kẹo… có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng khó kiểm soát, chen vào hàng giả hàng thật. Lại có mặt hàng hút khách rục rịch tăng giá, hoặc kìm hàng giữ giá chờ phút chót mới bung ra, vậy nên có năm vào gần tết tự nhiên bia không ai bán, đến giao thừa lên gần ba trăm ngàn đồng một thùng bia Larue.
Để bình ổn thị trường, cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái trong kiểm tra, thanh tra về chất lượng, giá cả. Ở Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra chỉ thị cho các ngành liên quan, nhấn mạnh việc phải tăng cường kiểm soát thị trường, đồng thời UBND tỉnh đã phân bổ định mức vốn 40 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay mua hàng tạm trữ (mức hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với hàng hóa phục vụ tại khu vực miền núi, 50% lãi suất tiền vay đối với hàng hóa phục vụ tại khu vực đồng bằng; thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng giải ngân cho doanh nghiệp đến ngày 20.2. 2014). Ngành Công thương cũng cho biết tổng giá trị hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp gần vài trăm tỷ đồng, phục vụ tại 39 điểm bán hàng ở các huyện trên địa bàn tỉnh và TP Tam Kỳ. Các mặt hàng chủ yếu dự trữ ban đầu gồm: gạo, nếp 4.369 tấn, đường kính 310 tấn; dầu ăn, nước mắm 97.000 lít, mì chính 173 tấn, bánh kẹo, mứt, hạt dưa các loại 532 tấn, thịt gia súc, gia cầm 22 tấn, rau củ quả 135 tấn...
Giữ cán cân cung - cầu quân bình, đó chỉ là một phía của việc bình ổn thị trường. Trong thị trường, một khi nguồn cung vượt quá sức mua, người bán hàng sẽ phải hạ giá nếu muốn tiêu thụ được. Ngược lại nguồn cung hạn hẹp thì xuất hiện nguy cơ đẩy giá lên. Bình ổn thị trường, vì vậy luôn cần việc kiểm soát giá cả hàng hóa trong dịp tết, hội hè, lễ lạt… Tuy nhiên, một phía khác đáng suy ngẫm là những biện pháp kích cầu tiêu dùng cho đợt nghỉ tết dài ngày, nhắm vào nông dân và một phần công nhân, cán bộ công chức thu nhập thấp thì e còn khó khăn. Bà con nông dân có bán được cái gì thì mới mua sắm chút ít cho tết, trong khi qua mấy cơn bão lụt vừa rồi rau màu hư hại, nhà cửa cũng phải sửa sang. Với công nhân thu nhập thấp, chờ đồng tiền thưởng cuối năm nhưng cho đến giờ nhiều doanh nghiệp còn lùng bùng, im hơi lặng tiếng. Công chức, viên chức nghèo cũng chờ mấy đồng cho tết từ đơn vị có tiết kiệm chi, quỹ phúc lợi nhưng khoản này cũng cắt, giảm nhiều. Nhìn vậy để nghĩ đến cái khó chung của kinh tế thời buổi eo ngặt, cần phải khuyến cáo “tết tùng tiệm”. Song, đứng về mặt tìm kiếm động lực phát triển, chỉ kích cầu tăng thì cung mới tăng, sản xuất hàng hóa mới dồi dào. Bài toán cung - cầu, ngẫm ra chỉ có thể giải được một khi tăng trưởng kinh tế, dịch vụ, đi kèm cải thiện được thu nhập của những đối tượng vừa nêu. Có thu nhập khá thì người ta mới mua sắm nhiều, sản xuất hàng hóa và dịch vụ cung ứng mới có cơ hội phát triển.
ĐĂNG QUANG