Lãi suất tiền gửi thấp, dòng tiền chảy vào đâu?

NGUYỄN QUANG 05/01/2024 08:30

Từ những tháng cuối năm 2023 đến nay, nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục. Trong bối cảnh đó, giới phân tích có những dự báo về “dòng chảy” đầu tư tài chính trong năm nay.

Mặc dù lãi suất thấp nhưng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng là kênh đầu tư an toàn. Ảnh: Q.VIỆT
Mặc dù lãi suất thấp nhưng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng là kênh đầu tư an toàn. Ảnh: Q.VIỆT

Chạm đáy

Vietcombank là ngân hàng quốc doanh đi đầu với 4 lần giảm lãi suất huy động và đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường. Tổ chức tín dụng này đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng thấp nhất lịch sử khi chỉ còn 1,9%/năm, 3 - 5 tháng chỉ còn 2,2%/năm, 6 - 11 tháng còn 3,2%/năm.

Đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, Vietcombank chi nhánh Quảng Nam vẫn giữ nguyên mức lãi suất 4,8%/năm. Ở BIDV Quảng Nam, lãi suất huy động cũng đang chạm đáy. Ở kỳ hạn 1 - 5 tháng là 2,2 - 2,5%/năm; kỳ hạn từ 6 - 11 tháng ở mức lãi suất 3,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng ở mức lãi suất 5%/năm.

Theo thống kê của Ngân hành Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 83.988 tỷ đồng (tăng 11,19% so với đầu năm; nguồn vốn nội tệ chiếm 97,91%, nguồn vốn ngoại tệ chiếm 2,09%).

Trong cơ cấu nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm 76,85%; tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 23,25%; tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu 0,96%.

Cơ cấu nguồn vốn vẫn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối năm 2023. Huy động có kỳ hạn trên 12 tháng chiếm tỷ trọng 30,12%; huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn đến 12 tháng chiếm tỷ trọng 69,88% tổng nguồn.

Kể từ đầu tháng 12/2023, ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh, nhiều ngân hàng tư nhân trên địa bàn tỉnh giảm lãi suất tiết kiệm xuống mức chạm đáy: dưới 6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng như HDBank, Techcombank, Eximbank, MB, NamA Bank... Cá biệt có nhóm ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận mức lãi suất thấp chưa từng có.

Cụ thể, ABBank chi nhánh Quảng Nam giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn còn lại xuống mức thấp kỷ lục. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 - 5 tháng giảm mạnh 0,5% chỉ còn 2,95%/năm đến 3,15%/năm.

Mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm kỷ lục nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn còn khá cao. Ngoài các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Agribank, BIDV giảm mạnh lãi suất cho vay trong thời gian qua; nhiều ngân hàng khối tư nhân vẫn duy trì lãi suất cho vay mức trên 10%/năm trung và dài hạn. Lãi suất cho vay cao là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm.

Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, mặc dù triển khai nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra do tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế, cầu tín dụng tại địa bàn tỉnh giảm mạnh. Nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng chững lại, việc giải ngân vốn đạt thấp.

Dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng

Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, năm 2024, bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Giá bất động sản khó có khả năng tăng trở lại và “đột phá” như giai đoạn 2015 - 2022.

Các nhà đầu tư cân nhắc, lựa chọn tìm kiếm sản phẩm bất động sản hợp lý, có khả năng thanh khoản tốt. Một nhà đầu tư đất đai ở phường Tân Thạnh, Tam Kỳ cho biết: “Khi khó có lợi nhuận đầu tư bất động sản, tôi gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng sẽ yên tâm hơn. Khi nào giá đất sốt trở lại mới cân nhắc đầu tư vào địa hạt này”.

Thông thường, vào dịp cuối năm, dòng tiền thường chảy ra khỏi ngân hàng vì doanh nghiệp, người dân rút tiền để sản xuất kinh doanh mùa cao điểm cũng như mua sắm chi tiêu dịp tết. Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế Quảng Nam hấp thụ vốn ít thì dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào ngân hàng.

Ông Phạm Trọng dự báo, những tháng đầu năm, tiền gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục duy trì như hiện nay. Kênh tiền gửi luôn được chuộng vì tính an toàn dù tỷ suất sinh lời không bằng các kênh đầu tư khác. Nhất là khi thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng và chứng khoán biến động mạnh, tiềm ẩn rủi ro khiến xu hướng đầu tư còn chảy vào ngân hàng qua tiền gửi tiết kiệm.

Lãi suất tiết kiệm sẽ khó còn dư địa giảm thêm và được dự báo tiếp tục được duy trì như mặt bằng hiện tại. Bởi lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống đáy, thấp hơn cả giai đoạn trước dịch COVID-19.

Cũng cần nói thêm, duy trì mức nền lãi suất huy động thấp chính là tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay để thực hiện khôi phục, phát triển kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, người gửi tiền vào ngân hàng cần “quen” với mức lãi suất thấp và đây là kênh đầu tư an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lãi suất tiền gửi thấp, dòng tiền chảy vào đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO