Khởi nghiệp - OCOP

Làm giàu từ sản vật địa phương

MỸ LINH - THÚY HIỀN 01/02/2024 21:00

(QNO) - Tận dụng nguồn lợi thủy sản ở sông Trường Giang, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga (SN 1986, xã Bình Giang, Thăng Bình) đã khai thác, chế biến thành món ram tôm đạt OCOP 3 sao và món hến mang lại giá trị kinh tế cao.

ram-tom-minh-nga.png
Sản phẩm ram tôm Minh Nga đạt OCOP 3 sao. Ảnh: L.H

Dòng sông Trường Giang qua tổ 21 (thôn 4, xã Bình Giang) là nơi vợ chồng chị Nga lập nghiệp. Những năm 2013, phát hiện nguồn tôm đất ở sông này dồi dào nhưng chưa được khai thác hiệu quả, vợ chồng anh chị nghĩ đến món ram tôm đất.

Nghĩ là làm, anh chị học hỏi kinh nghiệm chế biến món ram này. Nhưng thời điểm đó, nguyên liệu bánh gói ram lại không đạt, ram làm ra không ngon, khách hàng không chuộng. Trong khi ram tôm đất Bình Định lại được thị trường yêu thích.

Thế là anh Minh - chồng chị Nga quyết tâm đi tìm kiếm công thức chế biến món ram này. Lặn lội vào tỉnh Bình Định nhiều tháng trời để học hỏi kinh nghiệm và sau gần 4 năm chuẩn bị, năm 2017, món ram tôm đất Minh Nga ra đời và được thị trường đón nhận.

Khác với ram tôm Bình Định hay Quảng Ngãi, ram tôm Minh Nga gói trọn hương vị Quảng Nam với bánh tráng, tôm đất và thịt heo. Tôm đất tươi ngọt nhập ngay bên mé sông được anh chị chọn lọc kỹ lưỡng. Thịt lợn lấy từ lò mổ được kiểm soát theo quy định. Tôm, thịt sau sơ chế cẩn thận đem đi xào với gia vị đậm đà.

Qua bàn tay khéo léo của các chị em phụ nữ, những chiếc ram được cuộn bắt mắt. Sau khi hút chân không, đóng gói, cấp đông, những gói ram tôm có thể bảo quản sử dụng đến 6 tháng. Mỗi gói trọng lượng 450gr có giá 75 nghìn đồng.

Những năm đầu, ram tôm Minh Nga có mặt thị trường nhiều nơi trong tỉnh và TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… với số lượng mỗi tháng sản xuất vài trăm kilogam. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, ảnh hưởng dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, sức mua giảm nhiều, chị Nga chỉ tập trung sản xuất vào dịp lễ tết và theo đơn đặt hàng của khách.

[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ về sản phẩm ram tôm:

Năm 2023, nhận thấy cần nâng cao giá trị cho sản phẩm này, vợ chồng chị Nga đăng ký tham gia chương trình OCOP và được công nhận đạt 3 sao OCOP.

“Tìm hiểu về chương trình OCOP, chúng tôi nhận thấy đây là bệ phóng cho sản phẩm nên quyết tâm tham gia. Đạt sao OCOP giúp sản phẩm khẳng định được chất lượng, là bước đệm tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó, sự quan tâm, hỗ trợ từ chương trình cũng giúp chúng tôi thêm động lực đầu tư, mở rộng cơ sở và nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm lao động địa phương” - chị Nga nói.

nguoi-dan-dia-phuong-tat-bat-lam-hen-tai-xuong-hen-minh-nga.jpg
Cơ sở ram hến Minh Nga sản xuất hàng trăm kilogam hến mỗi ngày. Ảnh: L.H

Bên cạnh làm ram tôm, năm 2019, vợ chồng anh chị Nga còn mở cơ sở thu mua và chế biến cạnh nhà. Hến được thu mua từ người dân địa phương, sau đó được luộc, đãi lấy ruột để bán cho các quán ăn. Món hến luộc có thể chế biến thành nhiều món ngon, giàu dinh dưỡng.

“Nguồn hến trên sông Trường Giang rất dồi dào, có ngày tôi thu mua vài tấn hến, sau khi chế biến được vài trăm ký hến ruột. Thời gian đầu bán lẻ nên không ổn định. Sau khi tìm kiếm được thị trường, giờ đây nguồn hến này có mặt tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh” - anh Minh cho biết.

Hiện tại, cơ sở sản xuất ram hến Minh Nga đang giải quyết việc làm cho nhiều nhân công. Chị Lương Thị Mến (xã Bình Giang) gắn bó với cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Minh, chị Nga từ ngày đầu nói: "Công việc chế biến ram không quá vất vả, khi có đơn hàng thì chị cùng 4-5 chị em ở địa phương cùng nhau làm, thu nhập đủ trang trải cuộc sống và cũng có thời gian làm việc nhà, chăm sóc con cái".

nhung-nguoi-dan-dia-phuong-goi-ram-tom-minh-nga.png
Nghề làm ram tôm giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương. Ảnh: L.H

Ông Nguyễn Phước Toàn (xã Bình Giang) hơn 4 năm nay làm nghề cào hến cung cấp cho cơ sở hến Minh Nga. Anh cho hay, nhờ xưởng hến Minh Nga thu mua tất cả lượng hến cào được, nên nguồn thu nhập của gia đình cũng khá ổn định.

Cung cấp hến cho cơ sở Minh Nga có khoảng 11 ghe chuyên hành nghề cào hến. Cơ sở Minh Nga giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 25 lao động địa phương.

Theo ông Võ Văn Chinh, người dân làng hến, chỉ trừ những ngày mưa bão còn lại quanh năm ông gắn bó với nghề cào hến. Nếu trước đây, gia đình ông chỉ làm nông, cuộc sống còn nhiều thiếu thốnnhưng từ ngày xưởng Minh Nga dựng lên, đầu ra cho con hến ổn định, nên nhiều ngư dân có đời sống khấm khá hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm giàu từ sản vật địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO