Bảo tồn và phát triển cây quế Trà My

HÀN GIANG 15/06/2021 06:43

Bắc Trà My đang xây dựng đề án khuyến khích bảo tồn và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020 - 2025, nhằm huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước và nhân dân để bảo tồn, phát triển cây quế bản địa.

Hợp tác xã Quế Trà My - Minh Phúc đang đầu tư xây dựng hệ thống chiết xuất tinh dầu quế chuyển từ thủ công sang lò hơi. Ảnh: N.Đ
Hợp tác xã Quế Trà My - Minh Phúc đang đầu tư xây dựng hệ thống chiết xuất tinh dầu quế chuyển từ thủ công sang lò hơi. Ảnh: N.Đ

Tài sản lớn của vùng cao

Ngoài sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, cây quế Trà My còn là biểu tượng của cuộc sống tinh thần của đồng bào vùng cao; đặc biệt nó được coi là tài sản lớn trong gia đình của đồng bào dân tộc xứ núi Trà My. Việc trồng quế đã trở thành truyền thống trong mỗi dịp năm mới của đồng bào người Ca Dong, Co…

Một tín hiệu đáng mừng đối với người trồng quế Trà My là vào tháng 10.2011 Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm quế Trà My của Quảng Nam. Hiện sản phẩm OCOP tinh dầu quế Trà My của Hợp tác xã Quế Trà My - Minh Phúc đang làm thủ tục để “nâng hạng” từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, từ năm 2012 - 2019, các chương trình, dự án đã hỗ trợ giống cho nhân dân trồng mới, hoặc tự ươm giống và rừng tái sinh tự nhiên, đưa tổng diện tích quế của huyện lên hơn 1.000ha; tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao Trà Giác 337ha; Trà Giáp 462ha; Trà Ka 26ha; Trà Bui 185ha (không tính diện tích phân tán nhỏ lẻ của các xã khác trên địa bàn huyện).

Mỗi năm, diện tích khai thác ước khoảng 100ha (10%), sản lượng khoảng từ 70 - 100 tấn quế vỏ; các sản phẩm phụ như cành, nhánh và lá chưa tận dụng được do các vùng khai thác quế đi lại khó khăn.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho hay, cái khó của người trồng quế là không làm chủ được giá của sản phẩm mình làm ra, mà lại do tư thương quyết định. Khi có đầu ra và giá ổn định thì bà con “dễ thở”, ngược lại thì người trồng quế khốn đốn.

Song dù giá cả thế nào đi chăng nữa thì người dân xứ núi Trà My vẫn gắn bó với cây quế như một lẽ sống từ bao đời qua. Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây quế còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa, cây quế còn đóng góp vào công tác định canh - định cư, giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm cho đồng bào miền núi.

“Việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu quế sẽ tạo cơ hội phát triển sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số còn nghèo và khó khăn. Trồng quế, bảo vệ rừng quế, tạo sản phẩm từ cây quế được coi là giải pháp hiệu quả giúp người dân thoát nghèo bền vững và giữ được bản sắc vùng miền” - ông Thiệu nói.

Khuyến khích bảo tồn và phát triển

UBND huyện Bắc Trà My cho biết, sắp tới sẽ trình HĐND huyện xem xét, ban hành nghị quyết về khuyến khích bảo tồn và phát triển cây quế Trà My giai đoạn 2020 - 2025. Định hướng phát triển của huyện là tập trung chỉ đạo, hỗ trợ, huy động tối đa nguồn lực Nhà nước và nhân dân để bảo tồn, phát triển cây quế Trà My, sản xuất theo hướng hàng hóa, lấy tiêu chí hộ làm cơ sở, thực hiện các biện pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Đồng thời gắn kết trách nhiệm để tuyên truyền, vận động đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với vùng nguyên liệu, phục vụ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch của hộ, nhóm hộ, từ đó phục vụ đời sống nhân dân, như giao thông nông thôn, điện, đường, trường trạm…

Cạnh đó, tạo sự liên kết giữa người dân, các hộ, nhóm hộ, giữa các địa phương, doanh nghiệp với người dân; xây dựng, củng cố, bồi dưỡng đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ cây quế trên thị trường trong và ngoài nước...

Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, đề án sẽ xác định được vùng bảo tồn, vùng phát triển cây quế theo hướng hàng hóa. Trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ trồng mới 2.200ha quế, thực hiện công tác điều tra, khảo sát, xây dựng phương án bình tuyển cây trội, tỉa thưa, chăm sóc, bảo vệ và đề nghị công nhận rừng giống chuyển hóa từ 2 - 3ha.

Phấn đấu có 2 - 3 cơ sở chiết suất tinh dầu quế và 3 - 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quế như bột hương quế, tinh dầu quế, nước lau sàn hương quế, nước rửa chén hương quế… Đặc biệt, phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm từ quế được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn và phát triển cây quế Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO