Canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng: Cần chấn chỉnh những biện pháp không phù hợp

LÊ MUỘN 02/12/2022 07:44

Chủ trương của Nhà nước khi cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh luôn kèm theo những nguyên tắc để không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên. Tuy nhiên, một số người trồng sâm đang có những biện pháp canh tác không phù hợp; các cơ quan chức năng cần sớm có hướng điều chỉnh để bảo đảm sinh thái rừng.

Cây sâm Ngọc Linh sẽ có chất lượng tốt khi sống trong môi trường tự nhiên. Ảnh: T.S
Cây sâm Ngọc Linh sẽ có chất lượng tốt khi sống trong môi trường tự nhiên. Ảnh: T.S

Chủ trương đúng đắn

Chủ trương cho thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và phát triển du lịch của Quảng Nam rất đúng đắn, tạo sinh kế cho cư dân sống ven rừng, mở hướng cho đầu tư phát triển miền núi.

Từ chủ trương đó, trồng cây dược liệu được kỳ vọng là sinh kế để thoát nghèo cho đồng bào miền núi. Trong đó, loài đặc hữu sâm Ngọc Linh (SNL) quý hiếm đang được Trạm Dược liệu SNL (thuộc Trung tâm Phát triển SNL và dược liệu Quảng Nam) và một số doanh nghiệp, hộ dân tại xã Trà Linh (Nam Trà My) gây trồng dưới tán rừng.

Những năm gần đây giá bán SNL tăng cao, trở thành cây làm giàu, giúp đổi đời nhanh chóng cho những hộ có trồng sâm. Người dân Trà Linh thông qua phương thức chủ vườn trả công bằng cây giống SNL cho các hộ được thuê chăm sóc, bảo vệ vườn sâm, bên cạnh tạo sinh kế còn góp phần mở rộng dần diện tích sâm. Cùng với cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, diện tích trồng SNL được mở rộng.

Cần nhắc lại, chủ trương cho thuê môi trường rừng luôn kèm theo những nguyên tắc để không làm suy thoái môi trường rừng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Cụ thể, Nghị quyết số 42 ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam về cho thuê môi trường rừng để trồng cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và kinh doanh du lịch sinh thái đã quy định rất rõ: bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên và dưới đất rừng; bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động thực vật hoang dã; hạn chế xói mòn, đảm bảo tính năng phòng hộ của rừng; căn cứ đặc điểm sinh vật học, hướng dẫn kỹ thuật trồng đối với từng loài cây cụ thể để xác định diện tích đất sử dụng và chỉ được phép sử dụng tối đa 30% diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ (Điều 3. Nguyên tắc cho thuê).

Sở NN&PTNT đã sớm ban hành hướng dẫn tạm thời (ngày 29/6/2016) về kỹ thuật trồng và chăm sóc SNL; chắc chắn, ngành chuyên môn sẽ cập nhật, bổ sung để ban hành chính thức các quy chuẩn, nhưng về cơ bản, những hướng dẫn về canh tác SNL dưới tán rừng đã ban hành là phù hợp.

Đừng vì lợi ích trước mắt

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những hạn chế trong canh tác SNL dưới tán rừng. Một số người trồng SNL đang tác động bằng các biện pháp không phù hợp, cần sớm được chấn chỉnh để không làm suy thoái môi trường rừng, ảnh hưởng đến phát triển bền vững SNL.

Có thể hiểu được, do giá trị quá lớn nên người trồng SNL tìm mọi biện pháp để tăng năng suất, sản lượng SNL, giảm chi phí rào giữ, bảo vệ. Tuy nhiên, những biện pháp tự phát này ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái rừng, cần tuyên truyền, hướng dẫn và nghiêm cấm.

Cây SNL tự nhiên mọc xen lẫn trong thảm thực vật rừng, vẫn sinh trưởng phát triển tốt; do vậy, chỉ cần dọn thực bì cục bộ. Hiện nay, nhiều chủ trồng SNL đã phát dọn trắng thực bì, tức là dọn sạch thực bì mặt đất, chặt bỏ dây leo và cây gỗ nhỏ tái sinh trên một khu vực rộng, không tuân thủ phát dọn hạn chế theo băng trồng/băng chừa và cục bộ theo hàng trồng.

Người trồng hiểu còn rừng thì mới có thể trồng SNL, nhưng chỉ nghĩ không chặt phá cây gỗ lớn là đã bảo vệ rừng. Nhưng họ không hiểu rằng, hệ sinh thái rừng tự nhiên bao gồm sinh vật rừng (các loài cây gỗ, cây bụi, thảm tươi, hệ động vật và vi sinh vật rừng) và môi trường vật lý của chúng (khí hậu, đất), có quan hệ, tác động lẫn nhau.

Không sớm ngăn chặn tình trạng này, không chỉ môi trường rừng bị xâm hại, suy giảm đa dạng sinh học, mất tầng cây thấp, gió bão sẽ làm gãy đổ những cây gỗ lớn, đất bị xói mòn… mà các chu kỳ sau trồng SNL sẽ sinh trưởng kém, thậm chí không thể trồng vì đất bị xói mòn nghiêm trọng, độ tàn che của rừng bị suy giảm.

Sử dụng các vật liệu nhựa để trồng sâm, cách làm này có thể giúp SNL cho năng suất cao nhờ lượng mùn núi dồi dào chứa trong khay/rổ nhựa so với trồng trên đất đã bị giảm lượng mùn. Một tác động khác là đào dọn sạch cây nhỏ và rễ cây sau đó dùng bạt nhựa để lót và lấp lại đất để trồng sâm (mục đích để ngăn chặn rễ cây tranh chấp dinh dưỡng).

Cả hai biện pháp này, ngoài việc sẽ để lại những chất thải nhựa làm ảnh hưởng môi trường rừng, còn trái với yêu cầu canh tác SNL thuận tự nhiên, bởi các loài cây cỏ, nhất là cây thuốc sẽ có chất lượng tốt khi sống trong môi trường tự nhiên. Ngoài ra, lót bạt sẽ làm sâm dễ bị úng khi mưa, khu hệ vi sinh vật đất bị ảnh hưởng, là điều kiện để các loại nấm bệnh phát sinh gây hại sâm.

Một vài đề xuất

Những biện pháp canh tác không phù hợp vừa nêu còn được một số facebook của những chủ vườn sâm làm clip để phổ biến; cơ quan hữu trách cần yêu cầu gỡ bỏ. Đồng thời bên cạnh tổ chức tập huấn trực tiếp, truyền thông qua báo đài, để tăng cơ hội tiếp cận và tương tác thông tin, các cơ quan chuyên môn cần sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo…) để thường xuyên truyền thông về các mô hình trồng SNL đúng yêu cầu kỹ thuật, chỉ rõ những điều không được thực hiện và các nội dung cần thiết khác.

Ngoài ra, việc thu gom mùn núi để bón bổ sung cho SNL đang được áp dụng phổ biến là cần thiết nhưng cũng không phải là giải pháp bền vững, lượng mùn tự nhiên rồi sẽ cạn kiệt, làm suy giảm chất lượng tầng đất mặt, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của SNL khi được mở rộng dần trong vùng quy hoạch sau này.

Để sớm ngăn ngừa, cần khuyến cáo và theo dõi, quản lý chặt chẽ việc đưa các loại phân bón bên ngoài vào bón cho SNL. Kiên quyết cấm sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, cũng không dùng các loại phân hữu cơ vi sinh chưa được kiểm soát về ảnh hưởng của vi sinh vật ngoại lai đến vi sinh vật bản địa và các mối nguy ô nhiễm khác như do không xử lý tốt trong quá trình sản xuất, bảo quản, phân nhiễm các loại mầm bệnh, một số phân hữu cơ vi sinh có phối trộn phân vô cơ.

Đã có một số nghiên cứu ứng dụng sản xuất phân hữu cơ vi sinh với các chủng vi sinh vật bản địa, cần khuyến khích doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu hữu cơ phù hợp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chuyên dùng cho SNL.

Trước mắt, các chủ trồng SNL có thể tận dụng thân lá cây bị rụng tại chỗ và nguyên liệu từ phát dọn thực bì để phối trộn với các chế phẩm sinh học (tốt nhất là các chế phẩm sử dụng các chủng vi sinh vật bản địa, phân lập tại vùng trồng SNL) để ủ hoai mục bón cho SNL.

Không bê tông hóa mà tận dụng các vật liệu tại chỗ như dùng đá, cây gỗ bị gãy đổ để xếp bậc các lối đi lại trong vườn sâm. Việc sử dụng lưới B40 để rào các vườn SNL cũng sẽ ảnh hưởng đến di chuyển của các loài động vật rừng.

Tuy nhiên, do giá trị SNL quá lớn và tình trạng mất cắp vẫn thường xảy ra nên buộc người trồng phải rào và lắp đặt các công cụ/ thiết bị bảo vệ. Tạm thời chưa thể cấm; cần hướng dẫn các chủ vườn sâm thường xuyên theo dõi, kịp thời thu dọn những đoạn lưới thép bị hoen rỉ, hư hỏng và đưa ra khỏi rừng.

Để phát triển, tăng sản lượng hàng hóa SNL, đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến, cần một hệ thống những giải pháp từ công tác giống, canh tác, đến chế biến, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc SNL canh tác thuận tự nhiên dưới tán rừng tại vùng xuất xứ (điều này rất quan trọng để giữ vững giá trị sâm núi Ngọc Linh, khi sau này SNL được di thực mở rộng ở các địa phương khác và trồng SNL ứng dụng công nghệ cao), phát triển thị trường SNL...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng: Cần chấn chỉnh những biện pháp không phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO