Giảm áp lực tác động rừng tự nhiên

TRẦN HỮU 12/11/2021 06:22

Việc xác định “điểm nóng” phá rừng để xử lý dứt điểm, sử dụng và phát triển lâm sản bền vững là những giải pháp trọng tâm được ngành lâm nghiệp đặt ra nhằm giảm sức ép phá rừng tự nhiên.

Phá rừng mở rộng đất trồng keo diễn ra dai dẳng ở khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển, thuộc xã Bình Trị (Thăng Bình). Ảnh: H.P
Phá rừng mở rộng đất trồng keo diễn ra dai dẳng ở khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển, thuộc xã Bình Trị (Thăng Bình). Ảnh: H.P

Chuyển hóa địa bàn phức tạp

Thời gian gần đây, rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My tái diễn tình trạng phá rừng tự nhiên.

Có trường hợp người dân khai thác rừng trái phép tại xã Trà Bui (Bắc Trà My) để lấy gỗ làm nhà và không vì mục đích thương mại. Song, phổ biến nhất là việc người dân lấn chiếm đất rừng tự nhiên để mở rộng diện tích trồng keo nguyên liệu hay lấy đất làm nương rẫy.

Tại khu vực rừng phòng hộ Đông Tiển, xã Bình Trị (Thăng Bình), hơn 10 năm nay chính quyền và cơ quan kiểm lâm gần như bất lực trước nạn khai thác lén lút rừng phòng hộ đầu nguồn.

Do sự nhập nhằng khó xác định diện tích quy hoạch rừng phòng hộ và sản xuất nên khu vực giáp ranh giữa xã Bình Trị, Bình Lãnh (Thăng Bình) và xã Tiên Sơn (Tiên Phước) mạnh ai nấy lấn chiếm đất trồng keo, gừng, nghệ.

Ông Nguyễn Trường Hải - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho rằng, giai đoạn 2011 - 2020, tổng diện tích rừng tự nhiên của Thăng Bình hơn 808ha, chủ yếu nằm ở 3 xã Bình Trị, Bình Phú và Bình Lãnh. Thế nhưng, bây giờ vẫn chưa thể xác định được hiện trạng thực tế rừng tự nhiên, bởi chúng ta quy hoạch chức năng rừng phòng hộ nhưng có rừng trồng.

Vì vậy, huyện Thăng Bình vừa có kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn năm 2021 - 2022. Trong đó, tại xã Bình Trị, địa bàn trọng điểm cần chuyển hóa được xác định là Tiểu khu 484 với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật, đối tượng là hộ ông Đoàn Minh Phước (xã Bình Trị). Xã Bình Lãnh có Tiểu khu 483; vùng trọng điểm cháy rừng ở các xã vùng đông của huyện như Bình Trung, Bình Dương, Bình Sa, Bình Minh và Bình Nam.

Những năm gần đây, cơ quan kiểm lâm xác định một số địa bàn phá rừng phức tạp nằm giáp ranh giữa xã Phước Xuân (Phước Sơn) với xã Cà Dy (Nam Giang); khu vực giáp ranh xã Ba (Đông Giang) và xã Đại Hưng (Đại Lộc); giáp ranh huyện Đông Giang với Hòa Vang (TP.Đà Nẵng); rừng phòng hộ Phú Ninh địa bàn xã Tam Xuân 2, Tam Trà (Núi Thành).

Tháo gỡ vướng mắc về đất rừng

Đề xuất giải pháp hạn chế phụ thuộc vào rừng tự nhiên, chính quyền các huyện Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn cho rằng, Sở NN&PTNT cần sớm xây dựng phương án, xác định lộ trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp đối với đất làm rẫy của người dân trong các khu vực thuộc quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất).

Phá rừng mở rộng đất trồng keo diễn ra dai dẳng ở khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển, thuộc xã Bình Trị (Thăng Bình). Ảnh: H.P
Phá rừng mở rộng đất trồng keo diễn ra dai dẳng ở khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đông Tiển, thuộc xã Bình Trị (Thăng Bình). Ảnh: H.P

Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến từng chủ rừng. Nhiều năm qua, ngành lâm nghiệp ưu tiên thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Trần Văn Thu cho rằng, việc khoanh vùng, chuyển hóa địa bàn phá rừng trọng điểm sẽ giúp các địa phương có phương án chủ động xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất rừng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, xác định các “điểm nóng” khai thác, vận chuyển, sản xuất kinh doanh lâm sản trái pháp luật, có kế hoạch xử lý triệt để. Nhưng mấu chốt các chính sách của Nhà nước cần giải quyết sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng” - ông Thu nói.

Giải quyết căn cơ câu chuyện người dân bản địa sống phụ thuộc quá nhiều vào rừng tự nhiên, trong nghị quyết gần đây, Tỉnh ủy cũng xác định, sẽ từng bước chuyển đổi diện tích nương rẫy sang trồng rừng sản xuất đa mục tiêu để phục vụ công nghiệp chế biến, lấy gỗ làm nhà và các công trình văn hóa trên địa bàn miền núi.

Để khuyến khích người dân khai thác gỗ hợp pháp làm nhà, ngành nông nghiệp xây dựng cơ chế hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho người dân các huyện trung du, miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp của tỉnh lâu nay gần như tập trung vào rừng có chức năng phòng hộ và mục đích kinh tế, trong khi đó gỗ rừng trồng phục vụ cho nhu cầu làm nhà chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, việc hỗ trợ cây giống cho người dân, các chủ rừng trồng rừng lấy gỗ làm nhà là một chủ trương rất “hợp lòng dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm áp lực tác động rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO