Sâm Ngọc Linh thức giấc

PHÚ THIỆN 22/04/2022 10:30

Những ngày mưa trái mùa, người trồng sâm trên núi Ngọc Linh lại chật vật với việc giữ cho cây sâm qua được ải thời tiết cực đoan giữa lúc loài cây này đang ở giai đoạn đâm chồi nảy lộc sau kỳ ngủ đông dài…

Vườn sâm ông Bên phát triển xanh tốt, nhiều cây đã cho hoa đầu mùa. Ảnh: P.THIỆN
Vườn sâm ông Bên phát triển xanh tốt, nhiều cây đã cho hoa đầu mùa. Ảnh: P.THIỆN

Đương ngày oi ả nắng, cơn mưa lớn bất chợt trút xuống rừng già, núi Ngọc Linh bao phủ một màu đen kịt. Tiếng mưa lộp bộp bên trên chòi canh sâm, rơi thưa thớt từng giọt rồi nặng dần, át cả tiếng gọi nhau của những người gác sâm.

“Nhanh tay anh em ơi, kéo hết bạt ra” – ông Hồ Văn Bên (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) dục người làm. Từng cuốn bạt được mang đến các luống sâm còn đang say nắng, khung giàn đã được dựng sẵn, chỉ việc trải bạt lên bên trên để che mưa lớn.

“Mưa trên đỉnh Ngọc Linh thất thường lắm, không phải mưa dông không có sấm sét, rừng thì rậm rạp, chẳng thấy gì trên trời, chỉ khi thấy nước trút xuống thì mới biết là trời mưa” – ông Bên nói.

Đối với người trồng sâm mà nói, mưa vừa lợi vừa hại. Có mưa, không khí dịu mát hẳn, có mưa cây cối mới phát triển, rừng tốt thì cây sâm cũng “hưởng lợi” theo. Mặt khác, mưa là nguyên nhân chính dẫn đến ngập luống, úng củ, gãy cây…

Chưa kể mưa đá, rất dễ gây thiệt hại cho cây sâm. Vườn sâm nhà ông Bên, hỏi gia chủ diện tích bao nhiêu, ông chỉ tay lên tuốt đỉnh rừng rồi lại ngược về chân núi, để mô tả khu vườn rộng lớn của mình.

Nhiều năm trước, gia đình ông Bên khai phá núi này để trồng dược liệu. Ngoài những người trong gia đình, ông Bên còn thuê thêm khoảng 20 người làm vườn, và như nhiều người khác, ông trả công họ bằng sâm. Nguyễn Duy Lập (làng Măng Lùng, thôn 2, Trà Linh) cho biết, công việc chính của anh và những người làm khác là canh chừng sâm khỏi trộm và chuột, lên luống, gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch sâm.

“Những ngày tháng ba, tháng tư thường nhiều việc hơn vì đây là lúc sâm lên tuổi mới, mình thường kiểm tra, nhổ bỏ cây bị bệnh vàng lá, làm cỏ và trực mưa như hôm nay, có mưa lớn phải chạy ra kiểm tra sâm ngay” - Lập nói.

Những người trồng sâm vườn ông Bên chia sẻ, sâm thường ngủ đông từ khoảng đầu tháng Mười đến hết tháng Giêng năm sau. Thường các chủ vườn sẽ cắt lá đem bán sau khi thu hoạch hạt – như ông Bên, có chủ vườn lại để vậy cho lá sâm tự rụi đi nên mới gọi là sâm ngủ đông. Nắng lên, rừng vững vàng trở lại sau dông bão cũng là lúc sâm Ngọc Linh thức giấc.

Những năm thời tiết thuận lợi, nắng vừa, mưa ít, cây sâm sẽ phát triển đều và ổn định số lượng, tỷ lệ sống cao hơn, ngoại trừ những năm có mưa trái mùa như năm nay, nếu không xử lý kịp, sâm sẽ bị rụng hoa, gãy ngọn.

Với kinh nghiệm của người dân địa phương, những người làm vườn sẽ dùng keo dính quấn một vòng chỗ bị gãy (chưa lìa hẳn), cố định vào cọc nứa nhỏ cắm sát với thân cây, nhờ vậy chỗ gãy sẽ liền trở lại và sâm vẫn sẽ trổ hạt.

Tay nâng niu những nụ sâm đầu mùa, ông Bên nhớ lại mùa sâm năm ngoái, riêng số hạt bán ra đã trên trăm lon, đem về cho ông hơn 10 tỷ đồng, chưa kể hạt để dành ươm và trả công những người làm vườn. Năm nay, từ những luống sâm im thít thít, chồi non dần vươn khỏi mặt đất, và một cách thần kỳ nào đó đã phủ xanh những luống dài chỉ trong vòng 1 tháng.

Khu vườn của ông Bên độ này khoác một màu mơn mởn của lá sâm, nhiều cây có củ hàng chục năm tuổi thậm chí đã cho hoa sớm, hứa hẹn một mùa sâm bội thu. “Sắp tới lễ hội sâm ở huyện, mình sẽ chọn những cây lớn tuổi, đẹp nhất, sáng nhất, sai hạt nhất để mang về giới thiệu với du khách” – ông Bên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sâm Ngọc Linh thức giấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO