Đời sống

Làm sao đo lường được thiên nhiên?

LÊ QUÂN 14/09/2024 10:08

Những cơn lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn gây ám ảnh. Có lẽ phải sau vài năm nữa, phố thị ở các địa phương này mới dựng lại được hình ảnh đặc thù đã có của mình.

Quốc lộ 40B đoạn qua Nam Trà My bị sạt lở vào tháng 11/2023. Ảnh: C.T
Quốc lộ 40B đoạn qua Nam Trà My bị sạt lở vào tháng 11/2023. Ảnh: C.T

Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh... Hàng loạt địa phương gồng mình với cơn bão số 3 kéo theo mưa lũ của năm 2024.

Nhiều người đưa nhận định quy luật về câu chuyện chu kỳ của một vòng hoa giáp, rằng Giáp Thìn 1904 - Nam Kỳ ngập trong biển nước; Giáp Thìn 1964 - miền Trung oằn mình với mất mát, thương vong. Và bây giờ, Giáp Thìn 2024, là miền Bắc với dòng nước đục ngầu cuồn cuộn.

Không gian của đô thị ở miền núi

Thiên nhiên luôn là một ẩn số. Không ai đủ tự tin để nói mình hiểu quy luật của đất trời. Cũng có lẽ không ai cuồng si nghĩ mình đối đầu hay chống lại được thiên nhiên.

Chỉ có cách nương tựa tự nhiên để sinh tồn, như con tựa vào vai mẹ. Đó là điều mà những ngôi làng dựng lại sau thiên tai ở miền núi tuân theo.

Người Quảng Nam vẫn nhớ về câu chuyện Khe Chữ (năm 2017), hay ngôi làng Trà Leng (năm 2020). Mỗi mùa mưa bão về, người miền núi xứ Quảng lại đau đáu nghĩ cách đối diện với nạn sạt lở núi.

Và những đô thị ở miền núi, luôn phải tính toán để dung hòa giữa bảo tồn sinh thái và khai thác tài nguyên. PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng - Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhận định, đô thị vùng miền núi của Quảng Nam do địa hình phức tạp, quỹ đất phát triển đô thị hạn chế nên hình thái phát triển đô thị chủ yếu dựa vào các tuyến giao thông chính như đường Hồ Chí Minh, ĐT611...

Quảng Nam dù lập đầy đủ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh từ khá sớm, tuy nhiên, việc phát triển đô thị ở các vùng núi phía tây được nhận định còn ít ỏi.

Trong năm 2024, từ Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang đều công bố các bản quy hoạch chung về những đô thị trung tâm.

Tại Nam Trà My, đô thị được xác định là Tắk Pỏ - vốn dĩ khởi nguyên là một ngôi làng của người Ca Dong. Nam Trà My xác định hướng phát triển đô thị trung tâm sẽ nối kết với vệt không gian ven sông Tranh (xã Trà Tập) cũng như sẽ hình thành các khu đô thị phát triển mới theo các trục không gian dọc theo những tuyến quốc lộ 40B, tuyến ĐH10, ĐH11... khai thác và kết nối với những tài nguyên cảnh quan, kinh tế từ dọc các tuyến này.

Trong khi đó, điểm đáng chú ý là đô thị huyện lỵ của Đông Giang, Phước Sơn và cả Nam Giang đều có đường Hồ Chí Minh đi qua. Tuyến đường nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây này là đầu mối giao thông thuận lợi, kết nối thông suốt với các tỉnh Tây Nguyên, qua nước bạn Lào.

Kiến thiết đô thị phải dựa vào tự nhiên

Kiến thiết đô thị trên những độ cao, độ dốc, với xa xa là những cánh rừng ngọn núi, không chỉ đòi hỏi hiểu biết về quy hoạch, xây dựng, mà phải có tri kiến về quy luật thiên nhiên.

dscf6177.jpg
Khu dân cư Bằng La - Trà Leng, nơi ở mới của những người dân bị sạt lở ở làng Ông Đề hồi năm 2020. Ảnh: XUÂN HIỀN

Trong một bài nghiên cứu của mình, KTS Trần Trung Chính - Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, việc xây dựng các loại hạ tầng, công trình trên núi đương nhiên khó khăn hơn đồng bằng nhiều. Nhận thức không gian miền núi được cho rằng độ thẳng đứng là chìa khóa để hiểu về núi, là đặc điểm sinh thái nổi bật nhất.

Cần thiết phải phân tích dữ liệu không gian địa lý để từ đây có những quyết định cho thiết kế, tạo lập môi trường xây dựng trên địa hình dốc, liên tục thay đổi cao độ, và có cách quản lý quá trình phát triển đô thị bền vững đặt ra.

Đô thị miền núi, với các mối liên kết được cho rằng cần phải sắp xếp theo chiều dọc, như một trục xương sống nương vào những ngọn núi hay cánh rừng. Và tất nhiên, mọi câu chuyện phát triển đều cần có ngưỡng để dừng lại. Với miền núi, sức chịu tải của thiên nhiên chính là ngưỡng báo động đỏ buộc các mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng phải tính toán và dung hòa hợp lý.

Cũng có thể quá trình đô thị hóa ở miền núi với những quy hoạch hạ tầng và phát triển đã không tuân theo quy luật thiên nhiên, khiến họa từ núi ngày càng hung hiểm hơn. Miền núi đã ngày càng trở nên chông chênh hơn trước thiên tai.

Riêng Quảng Nam, sạt lở đã nối dài và ngày càng rộng hơn. Ứng phó với thiên tai là điều tất yếu cần sự chủ động. Nhưng ngay trước hành động ứng phó, lẽ dĩ nhiên cần xem lại những quy hoạch đô thị, khu dân cư miền núi, liệu đã tuân theo tinh thần nương theo tự nhiên?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm sao đo lường được thiên nhiên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO