Làn gió mới của doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 02/06/2019 09:27

Những diễn ngôn, cam kết, hứa hẹn về sự chấn hưng doanh nghiệp Quảng Nam đang được Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam (HHDN) thực hiện. Cộng đồng địa phương không chỉ muốn nhìn thấy sự thay đổi mà còn hy vọng hơn về một làn sóng mới để tạo và định vị sản phẩm, thương hiệu Quảng Nam.

 

TRUYỀN LỬA CHO DOANH NGHIỆP

Kết nối tri thức, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao khả năng quản trị DN để vượt qua sức ép cạnh tranh… là một trong những cách truyền lửa cho DN “đĩnh đạc” hội nhập.

Từ tọa đàm…

Không phải diễn giải bằng những lý thuyết khô cứng, cách truyền dẫn đến DN của hai diễn giả TS.Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS.Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia về “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” thông qua tư duy kinh tế của Israel hay câu chuyện hướng về công nghiệp hay dịch vụ du lịch cho vùng đất “đặc biệt” này đã hấp dẫn 200 chủ DN, đại diện cho 7.000 DN đang hoạt động tại Quảng Nam.

Những kiến giải, nhận định về cơ hội, thời cơ lẫn thách thức của “dư chấn toàn cầu” này đã giúp DN nhỏ bé Quảng Nam hiểu họ cần phải làm gì? Điều quan trọng là họ đã nhận ra phải biết vượt qua nỗi sợ hãi để chọn cho mình một hướng đi trước sự cạnh tranh thương trường ngày càng khốc liệt hơn.

Họ hiểu chính DN sẽ quyết định sự thành bại của thị trường, hiểu được điểm yếu của việc thiếu một chiến lược hay hành động thực sự rõ ràng nào trong việc thúc đẩy những sản phẩm du lịch đẳng cấp, nông nghiệp công nghệ cao hoặc phát triển công nghiệp hay dịch vụ đều phải dựa vào “mặt tiền” Biển Đông.

Giới DN thức nhận được là không còn là chuyện sản xuất hay kinh doanh chỉ đơn thuần dựa vào kinh nghiệm mà hoạt động giữa bối cảnh này phải biết dựa trên nền tảng tri thức.

DN Quảng Nam cần xây dựng sản phẩm đặc trưng, thích ứng với thương chiến.Ảnh: T.D
DN Quảng Nam cần xây dựng sản phẩm đặc trưng, thích ứng với thương chiến.Ảnh: T.D

Khá nhiều chủ DN cho biết đã từng nghe về cuộc chiến thương mại hay những thay đổi của thị trường từ cuộc cách mạng 4.0 trên báo chí, truyền thông… Có người cho rằng không phải ai cũng hiểu biết cụ thể về tác động của cuộc thương chiến này. Nếu như DN có thờ ơ, không “bình chân như vại” thì cũng chẳng biết làm thế nào để thoát khỏi ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu hay của quốc gia. Nhưng tại cuộc tọa đàm (duy nhất cho đến giờ) do HHDN tổ chức mới là lần đầu tiên họ hiểu sâu hơn về những nan đề đang được bàn luận.

Ông Trần Phước Thành – chủ DN xuất khẩu gỗ tại Hội An cho biết xưa nay vẫn chỉ đi lên nhờ vào nghề và kinh nghiệm. Không am hiểu về tài chính, khó kiểm soát tiền bạc, không biết tối đa hóa lợi nhuận. Ông chủ này cũng đã giao việc cho kế toán. Nhưng kế toán cũng chỉ làm được sổ sách thu chi, không thể xử lý nội dung tài chính chuyên sâu. Như tiền phân bổ ở đâu, tối ưu hóa lợi nhuận thế nào, dự báo xu hướng… thì họ không thể làm được. Chỉ đến khi tham dự những cuộc tọa đàm hay các lớp tập huấn về DN, ông chủ này đã hiểu phải tự mình thức nhận vị trí, năng lực để chọn con đường phát triển, thay đổi tư duy quản trị trên nền tảng tri thức, văn hóa DN.

Đến nâng cao kỹ năng doanh nghiệp

Thế giới không chỉ có thương chiến mà còn có những cuộc cách mạng khác bùng nổ. Không biết sẽ có bao nhiêu DN thực sự biết cách chọn con đường phát triển từ những thông tin hay nhận định, kiến giải được cung cấp. Nhưng không còn con đường nào khác, DN buộc phải thích nghi với những thay đổi để có thể xây dựng chuỗi giá trị khác biệt cho sản phẩm, lựa chọn phương thức sản xuất, kinh doanh, định vị rõ ràng cho sản phẩm bởi ranh giới vùng miền và kinh tế thế giới đã ngày càng phẳng hơn.

Ông Phạm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực HHDN Quảng Nam cho biết hiệp hội sẽ gắn kết mọi hoạt động của cộng đồng DN Quảng Nam, sẽ tạo đòn bẩy, động lực cho DN ngày càng lớn mạnh. “Sứ mệnh” lớn lao đó phải được bắt đầu từ việc nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì sự ổn định, phát triển bền vững!

Tọa đàm “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung” chỉ là khởi đầu cho hàng loạt sự kiện sẽ được tiếp nối. Theo HHDN Quảng Nam sẽ có 12 khóa tập huấn được mở trong suốt năm 2019. DN sẽ thu nhận tri thức từ việc phát triển năng lực quản trị một cách chọn lọc hệ thống nhằm quản lý doanh nghiệp, giúp học viên cập nhật kiến thức và những phương pháp mới trong quản trị DN nhằm tạo ra đột phá, giúp DN thích ứng hiệu quả với những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.

Không chỉ khơi dậy khả năng lãnh đạo và định hướng phát triển trong tương lai bằng những kiến thức sẽ được lồng ghép và sắp xếp từ nền tảng cơ bản đến đào tạo chuyên sâu, giới chủ DN sẽ còn được thêm kiến thức về  quản trị nhân sự, thương thảo hợp đồng thương mại, nghệ thuật, kỹ năng tiếp thị, đàm phán, chăm sóc khách hàng và bí quyết tạo động lực làm việc cho người lao động…

Theo ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, có thể DN không thiếu vốn, không thiếu tinh thần DN. Nhưng cái thiếu của họ chính là kiến thức để tạo nền tảng cho DN. Những cuộc tập huấn chính sách kế toán, thuế, những thông tin, kỹ năng quản lý, phân tích dự án, thị trường, thương thuyết, ký hợp đồng… là những điều mà một nhà quản trị cần biết. Chính quyền, cơ quan quản lý Quảng Nam đã “trình bày” một kế hoạch hỗ trợ, “truyền lửa” để phát triển thêm 1.000 DN mỗi năm. Số lượng DN gia tăng cũng cần thiết nhưng nuôi dưỡng, duy trì hay mở rộng sản xuất, kinh doanh của 97% DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tiềm lực yếu, thiếu kiến thức… vẫn là chuyện quan trọng, có tính quyết định hơn.

Đổi mới sáng tạo, kỹ năng quản trị, tài chính, nhân sự hay xử lý khủng hoảng truyền thông… không còn xa lạ nữa với thương giới. Cộng đồng DN Quảng Nam đã được tiếp sức bằng cách cập nhật kiến thức, tri thức, thay vì đầu cơ ngắn hạn đã thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững, dựa trên sự đổi mới năng lực công nghệ và tư duy quản trị... Đó chẳng phải là làn gió mới có thể hy vọng một ngày mai cho nền kinh tế Quảng Nam hay sao?

ĐỊNH VỊ HÀNG HÓA ĐỊA PHƯƠNG, BAO GIỜ?

Bao giờ định vị thương hiệu sản phẩm, tận lực đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng luôn là câu hỏi cần có câu trả lời trên thực tế! Đó mới chính là làn sóng mới của thương hội và cộng đồng DN thổi sức sống vào nền kinh tế Quảng Nam.

Công bố động lực mới từ HHDN mang theo hy vọng chấn hưng doanh nghiệp Quảng Nam.
Công bố động lực mới từ HHDN mang theo hy vọng chấn hưng doanh nghiệp Quảng Nam.

Thiếu sản phẩm nổi bật

Cung cấp kiến thức, phát triển năng lực quản trị, khơi dậy khả năng lãnh đạo, định hướng, có kênh hỗ trợ vốn…, giúp DN thích ứng hiệu quả với những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh là điều cần thiết. Nhưng điều đó có phải là điều thực sự quan trọng với cộng đồng DN Quảng Nam trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập khốc liệt?

Lịch sử kinh thương Quảng Nam đã từng “xuất hiện” một vài HHDN nhỏ lẻ khi Việt Nam gia nhập WTO (2007) với hy vọng sẽ đưa cộng đồng DN Quảng Nam thoát khỏi những “phi đội thuyền nan”. Nhưng đến giờ, không thể không “bùi ngùi” xác nhận nông sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đài Loan được cho là lợi thế của địa phương nhưng vẫn đang ở dạng thô, thương hiệu yếu, luôn bị động trước diễn biến của thị trường nên chưa thể định danh và hình thành được định hướng kinh doanh hiệu quả.

Ngay như Hội An, mỗi ngôi nhà mặt tiền ở phố là một cửa hàng, cửa hiệu và chiếm 24,3% hộ kinh doanh là hàng lưu niệm. Nhưng đốt đuốc cũng khó tìm ra sản phẩm lưu niệm đặc trưng du lịch Quảng Nam hay Hội An khi số lượng chỉ khoảng 10%. 75% hàng thủ công bày bán trên phố toàn là của nhập. Ngay cả như lồng đèn Hội An cũng chỉ là những cuộc trình diễn màu sắc chứ khung hay các vật liệu chế tác khác thì cũng nhập từ đâu về chứ không phải của riêng Hội An hay Quảng Nam tạo ra.

Kết quả khảo sát của QUO - tổ chức chuyên xây dựng thương hiệu cho các cơ quan du lịch hàng đầu thế giới và Crafl Link, UNESCO cho thấy chất lượng sản phẩm gốm Thanh Hà chỉ ở mức trung bình, không có những sản phẩm tinh xảo. Nghề truyền thống mộc Kim Bồng đang bị mai một dần, không còn nhiều nghệ nhân và gia đình duy trì sản xuất. Những mẫu mã tinh xảo từng được thể hiện trong các công trình kiến trúc ở Hội An thất truyền và sản phẩm hiện tại của làng không mang dấu ấn đặc trưng, nguồn nguyên liệu không ổn định và không rõ xuất xứ. Sản phẩm đèn lồng khung tre hay khung gỗ lại cồng kềnh, giá nguyên liệu cao, mất nhiều thời gian hoàn thành… nên giá thành sản phẩm khó cạnh tranh…

Khơi dậy tinh thần doanh nghiệp

Không có gì lạ khi HHDN Quảng Nam tái khởi động với những diễn ngôn, cam kết, quyết tâm sẽ mở ra một thời kỳ mới cho cộng đồng DN đã khiến nhiều người hy vọng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã kỳ vọng HHDN sẽ tạo đột phá, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN cùng phát triển. Hiệp hội sẽ là cầu nối thực sự giữa chính quyền – DN. Không chỉ vậy, HHDN nhiệm kỳ mới sống trong bầu không khí sôi động giữa những ngày kỷ niệm 10 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và Quảng Nam đã lên chương trình “mỗi xã một sản phẩm” với mong muốn định danh cho hàng hóa địa phương trong mắt người tiêu dùng.

Có thể khẳng định cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang tạo cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam. HHDN Quảng Nam đã vượt qua nhiều sức ép để định danh vị thế của mình với cộng đồng DN và chính quyền để góp phần tạo động lực đưa nền kinh tế Quảng Nam phát triển. Một khi đã liên kết thành lực lượng thống nhất, tiếng nói của mô hình hiệp hội mới không bó buộc cơ chế “hành chính hóa”, xa lạ với kiểu điều hành “mệnh lệnh hóa”, tối đa lợi ích DN sẽ tạo nên sức ảnh hướng lớn của HHDN trong việc kết nối chính quyền.

Những cuộc tọa đàm, tập huấn, kết nối tri thức, thông tin hay tài trợ vốn… là điều cần thiết nhưng đó chưa phải là mục tiêu tối thượng. Thực tế sản phẩm, hàng hóa ngoại đã xâm nhập mạnh thị trường. Không ít người tiêu dùng đã quay lưng lại với hàng sản xuất trong nước. Không hẳn tâm lý sính ngoại, mà do nhà sản xuất đã đánh mất lòng tin của họ vào sản phẩm của DN nội địa. Chắc chắn rằng việc ưu tiên chọn hàng Việt rõ ràng không đơn giản là một hành vi kinh tế mà ủng hộ hàng nội, bảo hộ sản xuất trong nước cũng thể hiện lòng yêu nước. Lòng yêu nước tuy không khó để khơi dậy nhưng không dễ để nuôi dưỡng. Không thể cổ động người dân yêu nước chỉ qua hành vi mua sắm mà còn phải thay đổi nhận thức về hàng hóa do DN Việt Nam sản xuất.

Trong một thị trường quốc tế không còn rào cản, hàng Việt, dịch vụ Việt phải tốt hơn Trung Quốc, đẹp hơn Hàn Quốc... mới có thể thuyết phục và khơi gợi niềm tự hào của người Việt Nam. Chính sự lựa chọn của người tiêu dùng, tự nó đòi hỏi các DN phải phấn đấu cạnh tranh. Trong cuộc đua mà người tiêu dùng là giám khảo thường xuyên đó, nhiều thương hiệu có đẳng cấp đã lớn mạnh, nhiều doanh nhân trưởng thành, góp phần giảm bớt tâm lý sính dùng hàng ngoại ở người tiêu dùng.

Muốn địa phương hùng cường không còn con đường nào khác là tự mình sản xuất, không phải chỉ gia công, không thể là thương mại hay dịch vụ và càng không thể là buôn bán bất động sản. Liệu HHDN hay cộng đồng DN Quảng Nam có thực hiện được ý tưởng này? Không ai khác ngoài DN. Bởi không thể có một nền kinh tế mạnh mẽ nếu thiếu tầng lớp doanh nhân đầy tâm huyết và trách nhiệm với vận mệnh địa phương. Xã hội rất cần những con người mang theo khát vọng đổi mới, góp phần xóa bỏ những “phi đội thuyền nan” để xây dựng nên một thương hiệu DN Quảng Nam bền vững. Trách nhiệm này không thuộc về cộng đồng DN thì thuộc ai? Đó mới chính là giá trị đích thực của thương hội hay cộng đồng DN Quảng Nam!

ÔNG TRẦN QUỐC BẢO – CHỦ TỊCH HHDN QUẢNG NAM: “NÂNG CAO NĂNG LỰC, CHẤN HƯNG CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP”

Tất cả chương trình, hoạt động của HHDN đều hướng về thực chất, không ngoài mục đích thúc đẩy, phát triển kinh tế cho hội viên, cho cộng đồng DN Quảng Nam.

Ông Trần Quốc Bảo.
Ông Trần Quốc Bảo.

PV: Những cam kết, hứa hẹn chấn hưng DN Quảng Nam chắc khó hiện thực, những hoạt động gần đây có vẻ chỉ là bề nổi, thưa ông?

Ông Trần Quốc Bảo: Quảng Nam tiên phong hướng đến ngôi nhà chung duy nhất là HHDN. Đây là một mô hình khá mới mẻ so với cả nước. HHDN đã đại hội nhiệm kỳ 2, nhưng thực chất hoạt động lại từ đầu. Kế hoạch sâu xa của hiệp hội không ngoài mục đích thúc đẩy, phát triển kinh tế cho hội viên DN là hàng đầu. Chương trình hoạt động của HHDN đưa ra từng vấn đề cụ thể. Tất cả hướng về thực chất. Không tô vẽ, đánh bóng hay chạy theo hình thức.

HHDN sẽ cùng lãnh đạo tỉnh tiếp xúc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN định kỳ. Trụ sở HHDN (28 Trần Phú, Tam Kỳ) chính thức mở cửa, sẽ trở thành đầu mối, là nơi tập trung giải quyết những tồn tại và ý kiến của DN. Điều này cũng là điểm khá mới mẻ.

HHDN cũng đã cụ thể hóa kế hoạch này bằng việc ra đời một ban pháp chế hiệp hội. Hiện 5 luật sư thuộc Tập đoàn VN Đà Thành tham gia trực tiếp và hiệp hội cũng có lời mời một số thành viên Đoàn Luật sư Quảng Nam tham gia tư vấn hỗ trợ kiến thức pháp luật cho DN. Ban pháp chế này sẽ tổng hợp, tư vấn những giải pháp cụ thể về khó khăn, vướng mắc của DN trong khuôn khổ pháp luật.

Hiện phạm vi hoạt động của hiệp hội trải quá rộng, các địa phương đi lại khó khăn. Nên hiệp hội đã phân thành 6 khu vực quan trọng. Những văn phòng đại diện sẽ được các DN đầu đàn Quảng Nam cầm chịch, điều hành. Cơ bản đã hoàn tất 90%. Sẽ công bố những giải pháp điều chuyển và khánh thành hàng loạt văn phòng này. Đó là văn phòng tại Hội An, bắc Quảng Nam (tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc) bao gồm Duy Xuyên, Điện Bàn và Đại Lộc. Khu vực Tam Kỳ, Thăng Bình một nhóm và văn phòng đầu não tại Tam Kỳ. Tại Khu KTM Chu Lai sẽ tập hợp DN khu vực này. Còn các huyện miền núi gom lại thành một văn phòng tập trung nhóm để có những chính sách, chuyên đề phù hợp từng DN. Sự có mặt của một văn phòng đại diện hiệp hội tại Đà Nẵng (khánh thành hồi tháng 4.2019) đầu mối đối ngoại, là một sự mới mẻ, khác biệt của HHDN Quảng Nam.

PV: Không tiền, không quyền, không cả cơ chế thì làm sao có thể tạo được vị thế cho hiệp hội?

Ông Trần Quốc Bảo: Sức mạnh của HHDN không nằm ở cá nhân. Nó là một tập thể. Một số HHDN tại Việt Nam có chung điểm hạn chế là kêu gọi DN tham gia bằng những giải pháp, bằng những chiêu trò đánh bóng hình thức và bảo vệ quyền lợi ích của một nhóm DN nhất định. Quảng Nam kiên quyết làm mới. Xây dựng từ chất lượng. DN sẽ đánh giá về vai trò của hiệp hội và số lượng gia nhập sẽ gia tăng. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Không cần bận tâm nhiều về số lượng hội viên ban đầu. Chỉ cần vài trăm DN hội viên làm nền móng rồi dần dần những cơ chế, chính sách, giải pháp hợp lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, từ bảo trợ, kết nối cung cầu, kết nối hợp tác đầu tư. Muốn hội viên đánh giá cao, hiệp hội phải có vị thế. Muốn có vị thế thì hiệp hội phải làm được rất nhiều việc cho hội viên có lợi ích thật sự thì người ta mới gắn bó với mình. Từ sự kết nối này chính quyền thấy được sự đoàn kết lớn mạnh của DN và hội viên nhìn thấy được quyền và lợi ích. Một khi hội viên DN phát triển được thì chắc chắn chính quyền sẽ ủng hộ. Chính vì vậy, hiệp hội cần làm những việc mang tính hiệu quả, thực sự có lợi ích cho DN. Đây là điều quan trọng nhất của HHDN Quảng Nam.

Hiện tại chi phí chủ yếu dựa vào tốp DN lớn. Gần như DN lớn đều có bộ khung pháp chế, quản lý nhân sự có tầm thì mọi ảnh hưởng của thương chiến hay cạnh tranh hội nhập đều có nhận thức riêng và tìm cách ứng phó chủ động, còn các DN nhỏ và vừa thường thiếu chú ý trong việc liên quan các thông tin đó. Hiệp hội sẽ có những chuyên đề cụ thể, tiến hành thường xuyên, thông qua những kiến thức của các chuyên gia hàng đầu. Sẽ có một số chương trình liên quan đến thu hút đầu tư. Tháng 11 tới sẽ có sự kiện lớn là xúc tiến đầu tư DN Hàn Quốc vào Quảng Nam. Đây là cơ hội cho DN có sự hợp tác, tiếp cận cũng như nhìn nhận thêm từ DN nước ngoài để có thêm những kiến thức để bổ trợ liên quan đến thương mại thế giới.

PV: Có cần một kênh truyền thông tương tác riêng cho hiệp hội và cộng đồng DN Quảng Nam?

Ông Trần Quốc Bảo: Hiệp hội sẽ có văn bản tham mưu cho tỉnh những giải pháp liên quan đến quy trình đầu tư cho địa phương. Hiệp hội chỉ có thể góp ý cho môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương và sẽ tham gia góp ý kiến trực tiếp cho Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam để tổng hợp, xử lý kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN. Tại trụ sở không chỉ giao lưu, sẽ niêm yết các liên quan đến chính sách, pháp luật. Hiệp hội sẽ tập hợp những ý kiến vướng mắc, khuất tất không giải quyết được của DN để sau đó ban pháp chế hiệp hội cùng với các DN lớn có kinh nghiệm trong hiệp hội sẽ tư vấn giúp người ta hiểu được vấn đề và sau đó gửi văn bản kiến nghị các UBND. Hiệp hội rất cần một kênh truyền thông. Chắc chắn sẽ hợp tác với thông tin đại chúng để có tiếng nói trong việc kiến nghị, giải quyết khó khăn những vướng mắc của DN cũng như tham gia đóng góp về ý kiến xây dựng chính sách.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làn gió mới của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO