Văn hóa - Văn nghệ

Lan man "góc khuất" mùa thi

HỨA XUYÊN HUỲNH 07/07/2024 10:40

Mùa thi vừa khép lại, không còn cảnh vác thang leo lên mái dỡ ngói ném “phao” xuống mà đã là thời của công nghệ cao. Từ lâu, Tú Xương từng xếp chuyện thi hỏng là “đệ nhất buồn”. Mà muốn không hỏng thi, nhiều chiêu trò gian lận có thể lại nảy nòi…

Một kiểu giơ bảng hỗ trợ từng xuất hiện trong các kỳ thi trước (ảnh: INTERNET)
Một kiểu giơ bảng hỗ trợ từng xuất hiện trong các kỳ thi trước (ảnh: INTERNET)

Lỗi thời những tấm bảng

“Xuân Quỳnh là nữ, Xuân Diệu là nam”, tấm bảng phân loại rõ giới tính của 2 nhà thơ từng xuất hiện ở những mùa thi trước, nay không còn nữa. Phần vì đề thi môn Văn năm nay không trích tác phẩm của 2 nhà thơ ấy, phần vì chiêu trò giơ bảng đã lỗi thời.

Lỗi thời, nhưng “đọng” lại rất lâu vì tính hài hước. Có người còn chịu khó liệt kê “những lưu ý trước kỳ thi”, kiểu như tác giả Nguyễn Khoa Điềm “vẫn còn sống”, Quang Trung - Nguyễn Huệ “là cùng một người”, Ấn Độ “không ở châu Phi”…

Hồi đầu thế kỷ 20, lính canh thường soát rất kỹ vật dụng trước khi sĩ tử vào trường thi. Họ giở áo tơi, cuốn áo lều, nhòm kỹ 4 chân chõng, để mắt đến ống đựng quyển và quả bầu be đựng nước, lần dải lưng và vuốt gấu áo gấu quần, lục soát tráp sơn… Chuyện này được mô tả chi tiết trong “Lều chõng” của nhà văn Ngô Tất Tố.

Nhưng không chỉ có chừng ấy. Lính canh (truyện viết là lính thể sát) thi thoảng còn phát hiện bộ đồ hút thuốc phiện. Bị vặn hỏi, sĩ tử trả lời tỉnh bơ: “Có hút, văn mới hay! Nếu không hút thì sao ra văn?”.

Cá biệt có người mang theo cả chiếc dầm đào cỏ. “Sao lại đem cái này vào trường?”, lính hỏi. Sĩ tử giải thích rằng mình mắc bệnh kiết lỵ, khi làm văn lỡ mắc đại tiện thì còn có công cụ để… đào nền lều mà tương xuống, rồi lấp đất lại. “Trong trường, chỗ nào cũng có lều của học trò, “đi” vào đâu được?”, giọng sĩ tử đầy tâm trạng.

Mấy thứ lỉnh kỉnh ấy trở nên xa lạ trong danh sách “hàng xách tay” của thí sinh ngày nay. Những tấm bảng nhắc hay dỡ ngói thả “phao” xuống phòng thi cũng sớm nhường chỗ cho công nghệ.

Mùa thi tốt nghiệp THPT năm nay, các hội đồng thi được lưu ý phải đảm bảo khoảng cách 25 mét, tính từ chỗ thí sinh ngồi làm bài đến nơi bảo quản đồ. Nhưng cũng chỉ phòng ngừa chung vậy thôi, chứ nếu muốn, thí sinh vẫn có thể giắt thiết bị định tuyến ngay ở đế giày.

Biết thế, nên ngay từ đầu tháng 6, thấy có hẳn hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh vào lớp 10 để cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ và ngoại tuyến của công an “mổ xẻ” chiêu trò gian lận thi cử.

Tiếp đến là các đợt tập huấn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi chiêu trò ngày càng tinh vi, thiết bị ngày càng tân tiến. Nào là tai nghe siêu nhỏ cho đến thiết bị chụp ảnh, thu âm đề thi gửi ra ngoài “đội lốt” kính mắt, bút viết, đồng hồ thông minh, cúc áo, vòng đeo tay…

“Một trăm quan sáu cô”

Giữa đầu tháng 6 năm nay, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức ở thành phố San Francisco (bang California, Mỹ). Nơi đây đang thực thi sắc lệnh phải dịch thuật toàn bộ nội dung thông báo của chính quyền thành phố sang ngôn ngữ của cộng đồng có 6.000 người dân sử dụng.

Sự kiện liên quan đến tiếng Việt ở thành phố San Francisco gợi nhắc từng có một “San Francisco” xuất hiện trong kỳ thi ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, trong tác phẩm “Tuấn, chàng trai nước Việt” của nhà văn Nguyễn Vỹ.

Cơ sự xảy ra với Tuấn (Tuấn Em, em trai của thông phán Trần Anh Tuấn) trong giờ thi vấn đáp môn địa dư của ông thầy Paul Rivière người Pháp. Đoạn kể về kỳ thi lấy bằng Primaires (tiểu học) cuối niên khóa 1923-1924 tại Quảng Ngãi, trước khi Tuấn nhập học trường Collège Complémentaire (cao đẳng tiểu học) tại Quy Nhơn.

Lúc đó, giám khảo yêu cầu kể tên 5 thành phố lớn nhất của Mỹ. Dù đã học thuộc lòng nhưng Tuấn chỉ kể được 4, quên mất tên thành phố San Francisco. Bất ngờ, ngoài sân có tiếng la lớn: “Một trăm quan tiền, sáu cô mày ơi!”. Như chết đuối vớ phải cọc, Tuấn trả lời ngay tên thành phố San Francisco, và được giám thị khen giỏi, cho 10 điểm.

Hóa ra, tất cả bắt đầu bằng cái giọng ồ ồ của giám khảo Pháp. Ông hỏi học trò câu nào, người ở bên ngoài đều nghe rõ. Người nghe lỏm lại là một thầy trợ giáo trong trường, vốn có cảm tình với Tuấn.

Biết Tuấn đang “bí”, thầy trợ giáo liền bảo một đứa học trò lớp 3 hét to lên một câu tưởng chừng rất tối nghĩa. Nhưng Tuấn biết ngay có người đang nhắc khéo về “San Francisco”. Bởi theo tiếng Pháp, “San Francisco” có thể phiên âm là “cent franc six cô”, dịch sang tiếng Việt là… 100 quan 6 cô.

Khi nghe tôi kể chuyện này, một người hàng xóm nhớ ngay đến kiểu “nhắc bài” hét to như thế từng xảy ra ở xứ Quảng. Hồi đó, ông thi lên lớp đệ thất (lớp 6) tại Trường trung học Trần Quý Cáp năm học 1972-1973, nay là Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An.

Lần ấy, thí sinh ở Quảng Nam và Quảng Tín cũ cùng tập trung về đây. Đứa trẻ rụt rè của Trường tiểu học Cẩm Kim như ông chỉ lo cắm cúi làm bài. Thế rồi, đề thi vẫn được ai đó tuồn ra.

Nhóm người bên ngoài giải xong thì bắc loa gọi vào, mặc kệ lực lượng cảnh sát của chính quyền cũ đang canh gác nghiêm ngặt. “Chuẩn bị chép nghe! Câu số 1… Câu số 2… Câu số 3…”, tiếng loa từ xa oang oang vọng tới. Không thể bỏ lỡ cơ hội từ trên trời rơi xuống, thí sinh theo tiếng loa mà chép hoặc dò lại bài thi.

Năm 1939, khi viết “Lều chõng”, nhà văn Ngô Tất Tố từng phi lộ ngay đầu chương 1 rằng có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ khi nghe nhắc đến “lều”, “chõng”, vì những từ ấy “từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay”.

Nhưng trước khi mất tích, hai từ ấy cũng kịp đi vào thơ Tú Xương, để rồi nâng câu chuyện hỏng thi lên tầm bi kịch: “Bụng buồn còn muốn nói năng chi,/ Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”.

Muốn không hỏng thi, các chiêu trò gian lận lại có “đất sống”, từ vặt vãnh khôi hài đến liều lĩnh bất chấp và ngày càng tinh vi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan man "góc khuất" mùa thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO