(QNO) - Sáng 5/4, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tổ chức Chương trình khách mời trường quay với chủ đề “Sản phẩm OCOP - Lan tỏa và kết nối”.
Khách mời trường quay có bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh; bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh, huyện Duy Xuyên.
Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng đại diện hội viên hội nông dân và chủ thể OCOP của 17 huyện, thị xã, thành phố.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại Quảng Nam từ năm 2018 đến nay. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, những năm qua các cấp, ngành, địa phương của Quảng Nam vào cuộc mạnh mẽ, có những quyết sách kịp thời, phù hợp, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, định hướng phát triển sản phẩm OCOP.
Qua đó, giúp các chủ thể OCOP mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá… Từ đó góp phần làm nên sự thành công của chương trình, giúp sản phẩm OCOP Quảng Nam vươn tầm không chỉ trong nước mà còn ra thế giới.
Với vai trò “đỡ đầu” của hội nông dân, bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, những năm qua hội nông dân các cấp luôn chủ động đồng hành với nông dân, chủ thể OCOP.
Theo bà Tâm, ngoài việc tuyên truyền, vận động, hằng năm hội tổ chức các hội chợ nhằm xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP. Từ năm 2019 đến nay hội đã tổ chức 5 phiên hội chợ; qua mỗi lần tổ chức thì quy mô, doanh thu ngày càng tăng lên và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chủ thể OCOP.
“Chương trình OCOP đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi. Người nông dân từng bước thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Họ đã biết làm giàu từ sản phẩm nông nghiệp, biết khai thác dư địa, biết kết nối tìm kiếm thị trường, tạo ra câu chuyện sản phẩm để lan tỏa, quảng bá đến người tiêu dùng” - bà Tâm nói.
Chia sẻ với khán giả trường quay, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho biết, song hành với chương trình OCOP, nhiều năm qua Quảng Nam cũng tổ chức rất nhiều diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, việc hình thành các sản phẩm OCOP để tham gia vào các diễn đàn này luôn được người nông dân trên địa bàn tỉnh chú trọng.
“Với vai trò kết nối, lan tỏa ý tưởng khởi nghiệp từ những sản phẩm OCOP, từ đó tạo ra cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân, Ban Điều hành hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp tỉnh đã và đang triển khai rất nhiều diễn đàn, sân chơi cho các chủ thể OCOP” - ông Sinh chia sẻ.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 17/17 địa phương đã triển khai chương trình OCOP. Qua 7 năm triển khai, có 479 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó 419 sản phẩm 3 sao và 60 sản phẩm 4 sao.
Ngày 17/1/2025, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP cấp quốc gia năm 2024 (đợt 3). Trong đó, lần đầu tiên Quảng Nam có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Saphraton (Nam Trà My) và Bánh bừa nướng Quý Thu (Quế Sơn).