Giáo dục - Việc làm

Lan tỏa tình yêu quê hương trong học trò xứ Quảng

VĨNH LỘC 11/10/2024 12:12

Hàng nghìn lượt học sinh các cấp tại thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên đã được tổ chức tham quan các điểm du lịch làng nghề, bảo tàng lịch sử địa phương nhằm bồi đắp kiến thức, lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa, khơi dậy tình yêu quê hương xứ Quảng.

g1.jpg
Học sinh trải nghiệm điêu khắc gỗ tại Điểm du lịch văn hóa Âu Lạc. Ảnh: T.T

Trải nghiệm nghề truyền thống

Xuất phát từ ý tưởng giúp nhiều bạn trẻ tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương và trải nghiệm nghề điêu khắc gỗ truyền thống, cuối tháng 9 vừa qua, ông Trần Thu - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Nghệ thuật Âu Lạc (đơn vị quản lý điểm du lịch văn hóa Âu Lạc) chính thức tổ chức tour tham quan miễn phí cho học sinh các trường trên địa bàn thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên.

Với chủ đề “Sông Thu núi Ngọc”, điểm đến của các học sinh là Khu du lịch văn hóa Âu Lạc (thôn Cẩm Phú, xã Điện Phong, Điện Bàn). Tại đây, học sinh được tham quan “Phòng tượng hoạt hình”; ngôi nhà “Sông Thu núi Ngọc”; khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa địa phương qua bức phù điêu “Sông Thu núi Ngọc” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nghệ nhân Trần Thu.

Đặc biệt, học sinh được tham quan xưởng sản xuất Âu Lạc và trải nghiệm điêu khắc gỗ, nơi các em có thể tự chế tác cho mình tác phẩm yêu thích và mang về làm kỷ niệm…

g3.jpg
Học sinh tham quan Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên. Ảnh: B.T

Nằm bên bàu Trùm Ngô, một nhánh của dòng sông mẹ Thu Bồn, điểm du lịch văn hóa Âu Lạc có diện tích gần 17 nghìn mét vuông bao gồm khu nhà xưởng, bãi bồi, hồ nước…

Nơi đây không chỉ là không gian chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất được chuyển tải qua các bộ tác phẩm gỗ điêu khắc độc đáo như “Sông Thu núi Ngọc”, “Hồn thiêng sông núi”, “Thần Nông”… mà còn quyến rũ với cảnh vật sinh thái trong lành.

Ông Trần Thu chia sẻ, thông qua chương trình, doanh nghiệp mong muốn giúp các em học sinh hiểu hơn về lịch sử, văn hóa địa phương và những kỹ thuật điêu khắc gỗ truyền thống.

“Dự kiến, trong đợt 1 chúng tôi tặng tour tham quan cho đại diện học sinh 9 trường trên địa bàn gồm 3 trường THCS ở 3 xã Gò Nổi (Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong); 2 trường THPT là Phạm Phú Thứ và Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) cùng 4 trường THPT ở Duy Xuyên là Sào Nam, Nguyễn Hiền, Hồ Nghinh, Lê Hồng Phong. Số lượng mỗi trường 15 em và một giáo viên phụ trách” - ông Thu cho biết.

Hiểu văn hóa để thêm yêu quê xứ

Ngày 9/10, đoàn học sinh Trường Tiểu học Duy Phước (Duy Xuyên) có chuyến tham quan Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa; đời sống sản xuất nông nghiệp của cư dân bản địa…

g4.jpg
Thông qua các hoạt động tham quan, du lịch tại các bảo tàng, làng nghề sẽ giúp nâng cao lòng tự hào, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước cho những công dân tương lai sau này. Ảnh: B.T

Với khoảng 400 hiện vật được trưng bày (trong số 700 hiện vật lưu giữ tại đây), Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên trở thành nơi lưu giữ, giới thiệu những giá trị độc đáo về đời sống, văn hóa cư dân cổ đã từng hiện hữu, sinh sống trên vùng đất Duy Xuyên từ khoảng 2.000 - 2.500 năm trước.

Phần lớn hiện vật được khai quật, thu nhặt tại các di chỉ khảo cổ nổi tiếng trên địa bàn huyện như gò Mả Vôi, gò Dừa, thung lũng Chiêm Sơn… Nổi bật, có thể kể đến hệ thống mộ chum, trang sức mã não của người Sa Huỳnh; hiện vật kiến trúc Champa, sinh thực khí linga…, đặc biệt là dòng gốm dân dụng người Chăm xưa.

Từ nhiều năm trước, chương trình giáo dục di sản trong học đường đã được Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (đơn vị quản lý Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên) phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên triển khai khá hiệu quả thông qua việc tổ chức cho học sinh các trường trên địa bàn huyện đến tham quan, tìm hiểu Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, kết quả trên là cơ sở vững chắc để đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức cho học sinh đến tham quan Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên theo hướng quy mô, bài bản hơn trong năm học này. Đối tượng là học sinh các cấp tiểu học, THCS và THPT đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Tham dự tour, học sinh sẽ được giới thiệu về các giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử của những hiện vật kiến trúc, khảo cổ học, dân tộc học.

Đồng thời tham gia trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí sôi động, như nặn đất sét tượng thần, vũ nữ Chăm; vẽ tranh, tập làm hướng dẫn viên; tổ chức các trò chơi dân gian… Qua đó giúp các em hiểu biết, tự hào với truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương để yêu hơn quê hương, đất nước.

“Dự kiến, năm học 2024 - 2025 có khoảng 1.320 học sinh các trường trên địa bàn huyện sẽ được Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức đưa đón đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Qua đó giúp các em nâng cao ý thức, trách nhiệm về di sản, từ đó yêu quý và trân trọng hơn những giá trị di sản cha ông để lại” - ông Khiết nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan tỏa tình yêu quê hương trong học trò xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO