(QNO) - Hôm nay 13/2 (tức mùng 4 tết), tại làng Hạ Nông, xã Điện Phước (Điện Bàn) diễn ra lễ hội đua ghe thuyền truyền thống.
Từ sáng sớm, các bậc cao niên áo dài khăn đóng cùng các tay đua mà người làng thường gọi là "con bơi" đã có mặt tại bến Hoán trước khi hạ thủy để thực hiện nghi lễ cúng bà Thủy như một sự gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh đã có từ lâu đời. Việc tổ chức lễ hội đua ghe mang ý nghĩa khơi thông sông rạch, cầu mong trời đất thuận hòa, dân làng bình an.
Người dân trong làng quan niệm, những ghe của làng nào khi tham gia lễ hội mà giành chiến thắng thì cả năm làng đó sẽ phát đạt. Ban đầu, lễ hội đua ghe chỉ là một hoạt động tự phát, về sau trở thành ngày hội với sự tham gia tranh tài không chỉ ghe đua trong làng mà còn có sự tham gia của các ghe đua ở làng khác.
Cụ Đinh Văn Lược - người dân làng Hạ Nông kể, thời Pháp thuộc làng đã tổ chức đua ghe. Địa điểm xuất phát từ bến Hoán đua đến cầu Trọng. Cụ vẫn còn nhớ lời kể của cha mình, những lần lũ lụt tràn về, xung quanh bốn bề nước dâng cao. Là vùng thấp lụt nên hầu như nhà nào có đàn ông cũng đều sắm một chiếc ghe, thường là ghe bụng to để chở người và đồ dùng khi cần di chuyển đến nhà khác cao ráo hơn.
Sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc, làng xóm tiêu điều, dân làng không còn đua ghe nữa nhưng chua bao giờ quên nét đẹp văn hóa này. Cho đến thời kỳ 1954 – 1964, làng tổ chức đua ghe lại và sau năm 1975, làng chọn ngày mùng 4 tết tổ chức đua ghe để con cháu quanh năm đi làm ăn xa có dịp về xem để nhớ quê cha đất tổ.
Theo ông Lược, để giành chiến thắng, gần vào mùa đua ghe, các đội chăm chút chiếc ghe của mình rất kỹ lưỡng. Quy định được đặt ra ngay từ khi chưa vào giải đấu là phải đoàn kết và quan trọng nhất để giành chiến thắng là qua tiêu hợp lý. Khi qua tiêu người bơi mũi phải thật nhanh nhẹn, khéo léo, áp sát tiêu nhưng không được phạm luật chèn ép đội bạn.
Những chiếc ghe lướt nhanh trong tiếng trống hội rộn rã. Trên bờ sông, hàng trăm người reo hò, khuấy động cả một vùng sông nước. Và kết quả cuộc đua phụ thuộc vào sức mạnh đoàn kết của cả đội, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng tạo nên sự đều tay, chất lượng của ghe đua, sự khéo léo của người bơi lái và bơi mũi.
Sau này ông Lược phải duyên với người con gái cùng làng. Cứ mỗi lần nước lụt, cha vợ của ông lấy trống lịnh ra gõ vang hồi là lập tức các ghe trong làng bơi tới và bắt đầu cuộc đua. Hồi đó, tiếng tăm bay xa phải kể đến ghe của ông Nguyễn Đình Sự, về sau là ghe của ông Nguyễn Đức Hoán bởi thi đâu thắng đó.
Về lái ghe có hai người nổi tiếng, ngày xưa là cụ Đinh Nhi và sau năm 1975 là cụ Đinh Cúc. Giờ đây cả hai cụ đã trở thành người thiên cổ. Con trai cụ Cúc là anh Đinh Châu và con trai cụ Lược là anh Đinh Tấn đã nối nghiệp ông cha trở thành những con bơi kỳ cựu.
Khi các cụ cao niên chủ xướng đua ghe, tất cả thanh niên trai tráng đều nghe theo răm rắp. Thời trẻ, cụ Đinh Văn Lượt đã từng lặn lội đạp xe qua Duy Xuyên đặt ghe, yêu cầu thợ phải làm mũi và đuôi ghe bằng gỗ mít lâu năm.
Các con bơi không ngại đường xa ra tận Huế mời thợ vào đóng ghe. Điều đặc biệt là hầu hết người dân trong làng tinh thần thi đấu rất cao, đã đua thì ghe nào cũng mong chiến thắng nhưng ghe nào hay thì dân làng cổ cũ hết mình và các con bơi dù thua cuộc vẫn vui vẻ và thân thiện.
Xa làng Hạ Nông đã lâu nhưng mỗi khi quê nhà tổ chức đua ghe, ông Đinh Văn Mười vẫn háo hức đến cổ vũ và mừng tuổi cho các con bơi. Ông mong muốn địa phương gìn giữ nét đẹp văn hoá này mỗi khi tết đến xuân về.
Ông Trần Công Khoa - Chủ tịch UBND xã Điện Phước khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục duy trì lễ hội đua ghe vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, không chỉ hướng người dân đến những hoạt động văn hóa thể thao lành mạnh mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của làng, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.