Thanh thiếu niên

Lắng nghe thanh thiếu nhi

VĨNH LỘC 24/05/2024 16:18

(QNO) – Gần 140 học sinh đến từ 20 trường THCS và 5 trường THPT trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã bày tỏ suy nghĩ, phản ánh ý kiến của mình đến lãnh đạo địa phương tại Hội nghị “Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị xã với thanh, thiếu nhi” vừa diễn ra sáng nay 24/5.

tr.jpg
Nhiều ý kiến trẻ em bày tỏ về các vấn đề đạo đức, xã hội. Ảnh: V.L

Trẻ em mong muốn được quan tâm

Em Đỗ Nguyễn Hoàng Linh – học sinh lớp 8C, Trường THCS Trần Quý Cáp (xã Điện Phước) phản ánh, hiện nay đang xuất hiện các hành vi dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi; dụ dỗ trẻ em vi phạm pháp luật… mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, xử lý, nhưng biện pháp ngăn ngừa hầu như chưa thấy nhiều. “Làm thế nào để trẻ em không bị lôi kéo dưới mọi hình thức, mong các cô bác hướng dẫn cho chúng cháu biết để phòng ngừa?” - học sinh Hoàng Linh đặt câu hỏi.


Em Trần Vũ Quỳnh Như – học lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Du (phường Điện Phương) cho biết, do diện tích sân trường hạn hẹp học sinh không có sân học thể dục, không hồ bơi, sân đa năng… dẫn đến suốt kỳ nghỉ hè hầu như không tới trường, khiến học sinh có thể tiếp xúc với thanh niên bên ngoài, nguy cơ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội cao. Cạnh đó, tình trạng trẻ em, học sinh đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng vô tình làm cho những học sinh cá biệt bắt chước, vi phạm pháp luật, do đó các cơ quan cần có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời…

Một số vấn đề tệ nạn xã hội len vào trường học khiến trẻ lo lắng. Ảnj: V.
Một số tệ nạn xã hội tấn công trường học khiến trẻ lo lắng. Ảnh: V.L

Nhiều nhóm vấn đề cũng được các em phản ánh như tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử, cờ bạc, đi xe máy, nghiện game, dùng ma túy tổng hợp, xâm hại tình dục, tệ nạn xã hội len lỏi vào trường học…


Theo em Bùi Huỳnh Bảo Châu – học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Đức An (phường Điện Nam Bắc), thanh thiếu niên hiện chiếm hơn 1/3 dân số Việt Nam, đây được xem là đối tượng dễ bị bên ngoài lôi kéo, nhất là trong thời đại internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

“Tâm lý một số bạn nghĩ mình đã trưởng thành có thể làm chủ được mọi thông tin từ mạng xã hội, nhưng do nhận thức chưa đầy đủ về các vấn đề chính trị xã hội nên thường thiếu cảnh giác, dễ bị đầu độc bởi các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội… Mong các cơ quan, tổ chức, nhất là các cấp đoàn, đội tuyên truyền hơn nữa nhằm định hướng việc sử dụng mạng xã hội an toàn, kể cả xem đây là một chương trình học chính trong trường học để nâng cao hơn nữa kiến thức” - em Bảo Châu kiến nghị.

Tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em

Tính đến năm 2024, thị xã Điện Bàn có hơn 34.000 thiếu niên, nhi đồng theo học ở các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Hội nghị chính là diễn đàn bổ ích để các em thiếu niên, nhi đồng nói lên những suy nghĩ, nguyện vọng của mình, giúp lãnh đạo UBND thị xã, các ban ngành liên quan trao đổi, định hướng và đưa ra những giải pháp, góp phần đảm bảo thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em và các quyền lợi liên quan cho trẻ em.

Lãnh đạo thị xã Điện Bàn giải đáp tất cả những thắc mắc của thanh thiếu nhi. Ảnh: V.
Lãnh đạo thị xã Điện Bàn giải đáp tất cả những thắc mắc của thanh thiếu nhi. Ảnh: V.L

Theo bà Trần Thị Thanh Vân – Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn, những năm qua đơn vị cũng như Ban Giám hiệu các trường đã chỉ đạo quyết liệt công tác chăm lo giáo dục đạo đức lối sống thanh thiếu nhi như đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền Luật An toàn giao thông, tác hại của thuốc lá điện tử, ma túy học đường; hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường… từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các em để có thể phòng ngừa và tự bảo vệ mình.

Hội đồng đội thị xã đã chỉ đạo các Liên đội triển khai mô hình hộp thư “Điều em muốn nói”, tạo điều kiện cho trẻ em viết ra những câu chuyện khó nói của mình trong học tập, sinh hoạt… Giáo viên Tổng phụ trách Đội sẽ là người trực tiếp đọc những câu chuyện ấy để gặp gỡ, chia sẻ, đưa ra những lời khuyên, giúp các em tự tin hơn với những vấn đề khó nói. Định hướng, nâng cao nhận thức trong việc tự bảo vệ mình trước những cám dỗ từ xã hội...


“Các nguyên nhân ảnh hưởng đến đạo đức học sinh gồm ảnh hưởng của xã hội và công nghệ thông tin. Thứ hai, ảnh hưởng từ hoàn cảnh gia đình và cuối cùng có trách nhiệm từ phía nhà trường” - bà Vân phân tích.

Tại Hội nghị nhiều suất quà cũng được trao cho trẻ em. Ảnh: V.
Tại hội nghị nhiều suất quà cũng được trao cho trẻ em. Ảnh: V.L

Các khảo sát cho thấy, tệ nạn xã hội trong học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng tại Điện Bàn, đã xuất hiện tình trạng học sinh nghiện game online, gây rối trật tự công cộng, nghiện bài bạc, thuốc lá điện tử, chất kích thích, trộm cắp tài sản, không ít thanh thiếu niên đã phải vướng vào vòng lao lý khi tuổi đời còn rất nhỏ.

Ông Phan Minh Dũng – Bí thư Thị ủy Điện Bàn khẳng định, công tác chăm lo trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm. Vì vậy, việc tổ chức hội nghị hôm nay chính là dịp để lãnh đạo thị xã gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với thiếu nhi Điện Bàn, đồng thời giải đáp những vướng mắc của trẻ em, tạo điều kiện cho tuổi trẻ toàn thị xã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kể cả đề xuất giải pháp…

tr4.jpg
Trao quà cho trẻ em, hoc sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.L

“Về quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo thị xã, quan tâm đến thanh thiếu nhi cũng chính là quan tâm đến tương lại của quê hương, đất nước. Lắng nghe những điều trẻ em muốn nói để biết các em cần gì muốn gì, từ đó định hướng cho các em. Vì vậy, bảo vệ trẻ em cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên các cấp chính quyền phải triển khai mạnh mẽ nhiệm vụ này” - ông Dũng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe thanh thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO