Cùng với hoạt động sôi nổi tại nghị trường, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri Quảng Nam đến diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh luôn lắng nghe, giám sát, khảo sát đơn công dân; từ đó yêu cầu cơ quan thẩm quyền giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
“Chuyển động” sau khảo sát
Phản ánh của công dân Huỳnh Minh Vũ trú thôn 5, xã Tiên Thọ (Tiên Phước) về việc ông Nguyễn Văn Luật (trú thôn 3, xã Tiên Thọ) làm nhà trái phép trên đất hành lang giao thông đường bộ được xử lý dứt điểm sau khi Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh giám sát đơn và có văn bản đề nghị UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo giải quyết. Cụ thể, đến ngày 29/8/2023, ông Luật đã tháo dỡ toàn bộ nhà kho xây dựng trái phép trên đất hành lang giao thông và trả lại hiện trạng ban đầu.
Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 11 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Thực hiện 5 cuộc giám sát chuyên đề, ban hành các báo cáo kết quả giám sát với 78 nội dung kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan. Tham gia 9 nội dung chất vấn trực tiếp; 4 lượt tranh luận đối với các bộ trưởng và gửi 3 văn bản chất vấn.
Liên quan đến vụ việc này, UBND huyện Tiên Phước cho biết, đã phê bình Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ, chỉ đạo UBND xã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, lãnh đạo, giải quyết các nội dung công việc thuộc thẩm quyền phụ trách.
Cùng với đó, tăng cường công tác nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện sớm, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn quản lý; tuyệt đối không để dây dưa, kéo dài, dẫn đến phức tạp.
Một vụ việc khác, trong quá trình TP.Hội An giải quyết đơn do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến, công dân Mai Thị Thọ (trú số 73 Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ) là người đại diện của ông Hồ Mua (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) và bà Đỗ Thị Thể (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) tiếp tục gửi đơn phản ánh chính quyền địa phương thi hành không đúng nội dung bản án đã tuyên.
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh tiến hành khảo sát. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị UBND TP.Hội An thi hành nghiêm các bản án theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của công dân.
Tại Báo cáo số 397 ngày 19/12/2023, UBND TP.Hội An cho biết, đã thi hành dứt điểm các bản án hành chính đối với ông Hồ Mua và bà Đỗ Thị Thể.
Ngày 13/11/2023, Chi cục Thuế TP.Hội An có Báo cáo số 10011 về việc thi hành các hồ sơ công nhận đất ở theo phiếu chuyển thông tin từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Hội An chuyển đến. Trường hợp của công dân Đỗ Thị Thể, Hồ Mua đã xác định xong nghĩa vụ tài chính và trả kết quả về cho chi nhánh. Hiện nay, công dân đã nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Trách nhiệm trước cử tri
Tham gia đầy đủ, nghiêm túc các kỳ họp diễn ra trong năm 2023, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực thảo luận, tranh luận với 82 lượt phát biểu tại nghị trường Quốc hội và tại tổ. Bên cạnh đó, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh là thành viên các Ủy ban của Quốc hội tích cực tham gia đóng góp ý kiến thẩm tra các dự án luật, nghị quyết, các nội dung trình Quốc hội xem xét quyết định.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu sôi nổi tại các kỳ họp, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, những vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật.
Nhất là những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm kiến nghị như: Nhà nước cần có trách nhiệm đo đạc, chỉnh lý và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất trong các trường hợp người dân tự nguyện hiến đất, công trình... để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đô thị. Hay góp ý các quy định về quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giá đất; việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng…
Ông Phước cho biết, nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH đoàn Quảng Nam đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, như: sớm ban hành văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Sớm có chính sách ưu tiên, đãi ngộ và chế độ tiền lương tương xứng đối với giáo viên, trước mắt là giáo viên miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Cần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, ưu đãi lãi suất đối với từng trường hợp cụ thể; có cơ chế phù hợp để xử lý đối với các tàu hoạt động không hiệu quả, chủ tàu không đủ năng lực tổ chức hoạt động sản xuất phải chuyển nhượng…
“Các ý kiến, vấn đề chất vấn của ĐBQH tỉnh đi vào trọng tâm, bức xúc từ thực tiễn, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ; các bộ, ngành quan tâm trả lời, giải quyết. Từ đó, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương, củng cố niềm tin của cử tri” - ông Phước nói.