Từ ngày 1/8/2025 sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Đề án số 2517 ngày 26/4/2025 của UBND TP.Đà Nẵng trình Bộ Nội vụ. Xây dựng chính sách hỗ trợ cho đối tượng này khi nghỉ việc là vấn đề đang được Quảng Nam quan tâm.
Lắng nghe từ cơ sở
Theo Đề án 2517, sau khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng để thành lập đơn vị hành chính (ĐVHC) TP.Đà Nẵng, có tổng cộng 3.289 người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở cấp xã.
Đề án giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người HĐKCT ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Theo quy định hiện hành, người HĐKCT ở cấp xã tại các ĐVHC sắp xếp không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 178 ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67 ngày 15/3/2025 của Chính phủ) như đối tượng cán bộ, công chức, viên chức mà chỉ được hưởng chính sách quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 29 ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.
Tính đến ngày 31/3/2025, Quảng Nam có 2.620 người HĐKCT cấp xã. Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam trước Kỳ họp thứ 9 (Quốc hội khóa XV), nhiều ý kiến cử tri là người HĐKCT của tỉnh chia sẻ tâm tư và kiến nghị Trung ương, tỉnh xem xét, có chế độ hỗ trợ khi nghỉ việc do thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Là người HĐKCT ở cấp xã, được phụ trách tham mưu công tác đảng kiêm tổ chức, kiểm tra (Văn phòng Đảng ủy xã Tiên Mỹ, Tiên Phước), bà Lê Thị Hoàng Hiệp chia sẻ, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được phân công thì người HĐKCT cấp xã làm nhiệm vụ chuyên môn như cán bộ công chức, thời gian như nhau.
Hằng năm, người HĐKCT cấp xã cũng được đánh giá về năng lực, trách nhiệm với công việc như đối với công chức. Hầu hết họ đều có trình độ đại học và đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ hiện nay.
“Đến ngày 1/8/2025 sẽ kết thúc việc sử dụng người HĐKCT ở cấp xã, như vậy sẽ rất tiếc cho những người HĐKCT cấp xã có tài, có tâm và trách nhiệm với phong trào cơ sở. Nếu được thì bố trí người HĐKCT có trình độ, năng lực tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc có chế độ hỗ trợ khi nghỉ việc do thực hiện sắp xếp ĐVHC” - bà Hiệp bày tỏ.
Ngoài kiến nghị UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho người HĐKCT cấp xã, theo ông Cao Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, trong đề án giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người HĐKCT ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố.
Theo đó, cần sớm có hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, sử dụng người HĐKCT cấp xã. Bởi cái khó là trong thực tế hiện nay, ở thôn, tổ dân phố đã đại hội bầu bí thư chi bộ, bầu trưởng thôn thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở.
Tạm dừng, chờ Trung ương
Ngày 14/4/2025, Sở Nội vụ có Công văn số 611 gửi Sở Tài chính đề nghị cho ý kiến đối với việc xây dựng Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với người HĐKCT trách cấp xã nghỉ công tác do sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Phân tích các căn cứ pháp lý liên quan, trong đó có Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Sở Nội vụ cho rằng, việc tính mốc thời gian kết thúc lộ trình sắp xếp là ngày 1/7/2025 để tính mức hỗ trợ cho người HĐKCT cấp xã theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP sẽ gây thiệt thòi cho họ.
Để đảm bảo tương quan với chính sách hỗ trợ của Trung ương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã theo Nghị định số 178/2024/NĐCP và để kịp thời động viên người HĐKCT cấp xã nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp, tinh giản biên chế thì việc ban hành nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với người HĐKCT cấp xã nghỉ công tác do sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Trên cơ sở ngân sách của tỉnh và vận dụng theo Nghị quyết số 37 ngày 29/12/2023 của HĐND tỉnh; ngoài các chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế (nếu có), Sở Nội vụ đề xuất áp dụng mức hỗ trợ một lần cho người HĐKCT cấp xã theo 2 phương án.
Trong đó, Sở Nội vụ cũng đề xuất lựa chọn phương án 1, cụ thể, đối với người HĐKCT cấp xã có thời gian công tác 5 năm: hỗ trợ 60 triệu đồng/người; có thời gian công tác từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm thì hỗ trợ 80 triệu đồng/người và có thời gian công tác từ đủ 10 năm trở lên thì hỗ trợ 100 triệu đồng/người.
Ông Trình Minh Đức - Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, trước đây sở có văn bản xin ý kiến để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người HĐKCT cấp xã. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Nội vụ đang hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người HĐKCT cấp xã nghỉ việc nên tạm dừng để chờ Trung ương.
Tỉnh cần xem xét có thêm cơ chế phù hợp quy định
Theo bà Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, trong những năm qua, ngoài các chính sách chế độ chung, HĐND tỉnh luôn có sự quan tâm đối với người HĐKCT bằng các quyết sách như tăng mức phụ cấp hằng tháng, chế độ hỗ trợ khi tham gia học tập chính trị, chuyên môn (từ ngân sách tỉnh). Năm 2023, HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ thêm ngoài quy định của Trung ương khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 (Nghị quyết số 37/2023/NQ-HĐND). Mức hỗ trợ được tính theo thời gian công tác. Cụ thể, dưới 5 năm: 30 triệu đồng/trường hợp; từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm: 40 triệu đồng/trường hợp; từ đủ 10 năm trở lên: 50 triệu đồng/trường hợp.
Tuy nhiên, nội dung chính sách, điều kiện hỗ trợ, thời điểm thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết số 37 đã phát sinh bất cập. Mặt khác, ngày 18/4/2025, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 1497 đề nghị địa phương đề xuất chính sách khi kết thúc sử dụng người HĐKCT cấp xã. Đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đề xuất chính sách phù hợp theo yêu cầu của Bộ Nội vụ. Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo quyền lợi cho người HĐKCT cấp xã khi chính sách, quy định của Trung ương chưa đảm bảo thì việc nghiên cứu, có thêm chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng cần được xem xét.