Thanh thiếu niên

Lắng nghe trẻ em nói

VINH ANH - MỸ LINH 14/09/2024 11:30

(QNO) - Ngày 13/9, Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh với trẻ em và đoàn đại biểu tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II - năm 2024.

z5826890611620_7ba36eb322c4d42a6e7f6772780137a6.jpg
Chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với trẻ em Quảng Nam. Ảnh: A.L

Các đồng chí Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đặng Thị Bảo Trinh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, thiếu nhi các địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành. Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương trong tỉnh.

Trẻ em... lên tiếng

Trong buổi gặp gỡ, các “cử tri” nhỏ tuổi mạnh dạn bày tỏ những mong muốn về một cuộc sống an toàn, đầy đủ và hạnh phúc. Các em không chỉ quan tâm đến việc học tập mà còn đề cập đến những nhu cầu cơ bản như có sân chơi, không gian sinh hoạt ngoài giờ học và một môi trường sống an toàn, không có bạo lực và xâm hại.

z5826890829136_201ff9c8be4399717c0f3a085796cc66.jpg
Đại biểu trẻ em đặt câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: A.L

Em Hoàng Trần Kiều Trang (TP.Tam Kỳ) đặt câu hỏi liên quan đến tình trạng dạy thêm, học thêm, học sinh không có đủ thời gian nghỉ ngơi và chịu những áp lực lớn. Em mong muốn về những giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, đồng thời đề xuất cần cải cách chương trình giảng dạy, bổ sung các môn học phát triển kỹ năng sống, sáng tạo để trẻ được học tập và phát triển toàn diện.

Hay em Thái Nguyễn Ngọc Ánh (TP.Tam Kỳ) quan tâm đến tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là đối với trường hợp ba mẹ, người giám hộ biết con bị xâm hại nhưng che giấu và những giải pháp để bảo vệ trẻ bị xâm hại, xử lý hành vi vi phạm.

[VIDEO] - Em Thái Nguyễn Ngọc Ánh chia sẻ vấn đề quan tâm đến lãnh đạo tỉnh:

Em Trần Thiên Thùy Anh (huyện Phú Ninh) lo lắng về tình trạng tai nạn thương tích, đuối nước vẫn xảy ra, nguy cơ mất an toàn với trẻ còn nhiều, cần có giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tình trạng này.

Các em học sinh các địa phương cũng quan tâm nhiều đến giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, hút thuốc lá điện tử, ma túy xâm nhập học đường, tham gia giao thông. Các em cũng đặt vấn đề về giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; trách nhiệm của các cấp, các ngành, xã hội trong việc quan tâm, tạo điều kiện, sân chơi trẻ em miền núi, trẻ em khó khăn, khuyết tật. Những giải pháp nâng cao nhận thức cho trẻ em trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…

Lãnh đạo tỉnh lắng nghe và giải đáp

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, lãnh đạo tỉnh, các sở ngành đồng cảm và thấy được những lo lắng thực tế mà các em đang đối mặt hàng ngày. Những câu hỏi, vấn đề quan tâm của học sinh được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành liên quan ghi nhận, chia sẻ và giải đáp cụ thể từng nội dung.

z5826890745390_9adf2bec7f7a0a3b8a97adb7e9540a11.jpg
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước trả lời nội dung trẻ em quan tâm. Ảnh: A.L

Liên quan đến việc dạy thêm học thêm, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn Phước cho rằng, dạy thêm học thêm đã có tư lâu trong nền giáo dục Việt Nam, việc phụ đạo sẽ giúp các em bổ sung kiến thức. Nhưng dần dà, vấn đề này biến tướng, tiêu cực.

“Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu chất vấn vấn đề này rất nhiều, Bộ GD-ĐT nhận thấy trách nhiệm, tiếp tục chấn chỉnh nhưng chưa giải quyết triệt để. Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến các cấp, ngành, nhân dân về việc dạy thêm, học thêm để tăng cường công tác quản lý, chống tiêu cực về vấn đề này trong thời gian tới” - ông Phước nói.

Về chương trình cải cách giáo dục, ông Phước cho rằng Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo sự chuyển biến toàn diện, căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định, chưa giảm được áp lực cho học sinh. Ông Phước ghi nhận và sẽ tiếp tục kiến nghị trong các phiên họp để giảm tải chương trình học cho học sinh, tăng cường sự sáng tạo, phát triển kỹ năng cho trẻ.

[VIDEO] - Đại diện Công an tỉnh trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em:

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lưu Thị Bích Ngọc nhấn mạnh rằng các chính sách bảo vệ quyền lợi của trẻ em, người khuyết tật (NKT) đã được luật hóa, nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc. Bà Ngọc cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 4.000 trẻ em khuyết tật được hỗ trợ chính sách hàng tháng và chính sách trợ giúp xã hội.

“Tuy nhiên, vấn đề dạy nghề cho NKT gặp khó khăn, do chưa có cơ sở dạy nghề chuyên biệt cho NKT, hơn nữa, NKT không thể tự di chuyển về một nơi để có thể tổ chức lớp học tập trung. Doanh nghiệp ở địa phương có thể tạo điều kiện hỗ trợ, dạy nghề, nhưng khó thanh toán theo quy định nhà nước và không được cấp giấy chứng nhận nghề cho người học. Đây là vấn đề rất bất cập đối với NKT nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng trong học nghề” - bà Ngọc chia sẻ.

z5826890092676_898083e012d109cf30a2c7383c7161f9.jpg
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lưu Thị Bích Ngọc giải đáp thắc mắc của trẻ em tại chương trình. Ảnh: A.L

Bà Ngọc cũng cho rằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở dạy cho trẻ khuyết tật như khiếm thính, phục hồi chức năng, tự kỷ… nhưng đa số là của tổ chức phi chính phủ hỗ trợ hoặc của tư thục, ngoài công lập. Do đó, đề nghị HĐND tỉnh có sự chỉ đạo để các ngành lao động, giáo dục có nghiên cứu tham mưu cho tỉnh thí điểm thành lập một số điểm giáo dục chuyên biệt dành cho một số dạng khuyết tật. Cần khuyến khích xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ học tập đối với trẻ khuyết tật, giúp các em hòa nhập tốt.

Về tình trạng trẻ em đuối nước, theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, từ phía trẻ cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho chính bản thân để tự bảo vệ mình. Đồng thời, các cấp, các ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quản lý chặt chẽ để có các biện pháp cảnh báo, giúp bảo vệ trẻ trước những khu vực nguy hiểm.

“Với các vấn đề trẻ bị xâm hại hoặc gặp những khó khăn không chia sẻ được với ba mẹ, thầy cô, bạn bè thì hãy liên hệ đến tổng đài 111 để được hỗ trợ tư vấn tâm lý hoặc chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng để có sự can thiệp kịp thời” - bà Ngọc nhắn nhủ đến các em học sinh.

z5827282863003_f70877ed9e19229f8a46ebdf2e11adee.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: A.L

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần mạnh dạn tham gia, chia sẻ những vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình học tập, sinh hoạt, phát triển của các em.

Đồng chí Nguyễn Công Thanh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của trẻ em, từ việc tạo điều kiện sống an toàn, cải thiện môi trường học tập, cho đến hỗ trợ trẻ em khuyết tật và vùng khó khăn. Đồng thời rà soát, xây dựng chương trình phù hợp, ưu tiên bố trí ngân sách, huy động mọi nguồn lực để góp phần làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Hội đồng Đội tỉnh tặng quà cho 6 em thiếu nhi đại diện cho thiếu nhi Quảng Nam tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024 do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức dự kiến diễn ra vào giữa tháng 9/2024 tại Hà Nội.

z5827280576421_8f00ea9ff1f01ced8eebbdd1255823ac.jpg
Lãnh đạo tỉnh tặng quà cho 6 em thiếu nhi tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II/2024. Ảnh: A.L
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe trẻ em nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO