(QNO) - Thông tin từ Sở VH-TT&DL, sáng nay 15/11 (giờ Việt Nam), làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) đã được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất năm 2024".
Lễ công bố giải thưởng diễn ra hôm nay tại Cartagena de Indias, Colombia. Làng rau Trà Quế là đại diện duy nhất của Việt Nam đoạt giải này trong năm 2024.
Sau khi đánh giá hơn 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UN Tourism đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam), cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.
Được hình thành từ thế kỷ XVI và nằm cách Khu phố cổ Hội An 3km về hướng đông bắc, làng rau Trà Quế mang tính đặc thù của một đảo sông gần biển, được bao bọc bởi sông Cổ Cò và đầm Trà Quế mang đến khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tươi tốt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây sáng tạo và phát triển nghề trồng rau theo phương thức hữu cơ lâu đời.
Tháng 4/2022, nghề trồng rau tại Trà Quế cũng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.
Đến nay, UN Tourism đã trao giải thưởng cho 130 làng trên toàn thế giới, trong đó có 3 làng của Việt Nam được công nhận lần lượt vào các năm 2022, 2023, 2024, gồm có: làng Thái Hải (Thái Nguyên), làng Tân Hóa (Quảng Bình) và làng rau Trà Quế (Quảng Nam).
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL thông tin, UN Tourism sẽ trao chứng nhận này cho tỉnh Quảng Nam tại phiên họp thường niên Mạng lưới làng du lịch tốt nhất lần thứ 2 của UN Tourism trong khuôn khổ “Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn” được tổ chức tại Quảng Nam từ ngày 7 – 12/12/2024.
Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của UN Tourism dành cho làng rau Trà Quế là sự ghi nhận những nỗ lực trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa; nghề thủ công truyền thống; nếp sống, nếp sinh hoạt lâu đời; sự sáng tạo và chú trọng phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ mang tính cộng đồng, bền vững; thể hiện sự thuần hậu, hiếu khách của người dân địa phương.