Người Quảng Nam

Làng ta ở tại lòng ta

NGUYỄN ĐIỆN NAM 03/06/2024 12:50

(VHQN) - Mượn ý của câu thơ như thế để nói về làng, về thuở xa xưa cha ông mở đất lập làng, rồi “gánh theo tên xã, tên làng trên mỗi chuyến di dân” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)...

dau-nguon-song-que.jpg
Đầu nguồn sông quê. Ảnh: M.Đ

Lịch sử di dân của người Việt vào đất Quảng sớm nhất là khi nào? Thật khó minh xác! Nhưng có thể điểm lại những cuộc dịch chuyển lớn gắn với tầm nhìn mở nước sau đám cưới Huyền Trân công chúa (1306). Sự kiện đó kéo theo việc sáp nhập hai châu Ô, Lý vào Đại Việt với danh nghĩa là đất sính lễ của vua Chàm với nhà Trần.

Rồi thời nhà Hồ (1402), tiến chiếm và lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Sau đó quy mô di dân mở rộng ở thời Lê trung hưng, dưới sự cai quản bài bản của Đô đốc Bùi Tá Hán (1496-1568).

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập Quảng Nam thừa tuyên, đạo thứ 13 của đất nước, xác lập tên gọi chính thức của vùng đất này trên bản đồ Tổ quốc.

Rầm rộ cuộc thiên di mở đất mở nước là từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613), khi vượt “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”, dần dần mở ra Đàng Trong phồn thịnh, hình thành thêm bao làng xã trên đất mở về phương Nam.

Nhắc lại một số cột mốc sự kiện ấy để hình dung về làng xã người Việt ra đời trên mỗi chuyến di dân, gắn với thăng trầm lịch sử khá dài lâu. Và khi vào đất mới, có thể những lưu dân mở đất lập làng ban sơ vẫn ở cạnh các làng cổ xưa của cư dân bản địa, là Chăm/Chiêm ở đồng bằng, hay các man/sách gần ngõ nguồn người Thượng, nay vẫn còn dấu tích.

Tìm hiểu những tên làng xưa xứ Quảng, các nhà nghiên cứu thường viện dẫn sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An (soạn năm 1553, ấn hành năm 1555), hay “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (hoàn thành khoảng năm 1776).

Nhưng có lẽ tài liệu sớm nhất là “Bắc địa tấu từ” (Lời tâu về đất Bắc), được soạn vào tháng 5/1455, mà nhóm nghiên cứu của TS. Huỳnh Công Bá đã phát hiện. Theo tài liệu ấy, ta thấy thời Lê sơ đã có 24 vị quan từ đất Bắc (gồm Cao Bằng, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh) vâng mệnh vua vào khai khẩn đất Điện Bàn của Quảng Nam.

Lời tâu cho biết những tên làng xã đã được hình thành sau công cuộc khai phá như Phong Đại, Phong Trung, Phong Niên, Khả Phong, Ngọc Hoa, Châu Minh… Cùng trong vùng có các địa danh: Hạ Nông, Câu An, Câu Nhơn, Mỹ Á, Đại Cuộc, Đông Phổ, Quảng Hậu, Quảng Sa, Quảng Ninh, La Đức, Liên Giang, Quảng Tuế (?)v.v.

dsc07511_phuong-thao.jpg
Bình yên góc làng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trải qua biến thiên lịch sử, nhiều tên làng xã đã đổi thay. Thời vua Minh Mạng (1820-1840), vào tháng 2/1824, có cuộc biến đổi rất lớn địa danh làng xã, bởi triều đình xét thấy các tên cũ có âm Nôm không hay (“cựu xưng danh tự gian hữu quốc âm tịnh bất nhã đẳng tự”) nên phải đổi dùng các tên đẹp đặng mãi mãi lưu truyền (“dụng hoán gia danh, dĩ thùy vĩnh cửu”). Trong đợt này, Quảng Nam là tỉnh có nhiều làng xã thay đổi tên gọi (100/500 làng xã cả nước).

Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu từ “Minh Mạng tấu nghị”, những cái tên nôm na ở xứ Quảng như Ba Chinh, Bàu Ấu, Hàm Rồng, Nồi Rang, Bàu Tre, Bến Ván, Đá Ngang, Chợ Quán, Bà Bồi, Bà Mã, Bãi Ổ, Cây Duối, Sông Tiên, Bàu Toán, Bãi Ngao, Bến Cỏ, Cây Sơn, Cây Mít, Hà Tre, Bàu Đán... đã được đổi qua tên chữ như Hữu Trinh, Phương Trì, Long Châu, Nhơn Chưng, Trúc Bào, An Tân, Thạch Bích, An Quán, Nhơn Bồi, Mã Châu, Phụng Châu, Kim Đới, Tiên Giang, Hạc Toán, Ngao Tân, Phương Tân, Tất Viên, La Mật, Trúc Hà, Hoa Đán...

Chỉ trừ khi thiên tai, giặc giã làm cho làng điêu linh tuyệt tích, còn sót lại qua dâu bể đời người, làng sẽ mãi là chiếc tao nôi ru lòng ta về khúc ca nguồn cội.

Như tìm lại “Quảng Nam tỉnh phú” lại vang vang bài ca địa chí ghi nhiều tên làng xã, mà nhớ những câu:
Làng La Qua là nơi tỉnh lỵ, dinh thự nguy nga.
Xã Thanh Chiêm ấy chốn học đường, cửa nhà đồ sộ.
(…)
Thương thì buôn bán Bắc Nam, phố Minh Hương, Hội An, thuyền Trà Nhiêu, Bàn Thạch.

Công thì giữ nghề tổ phụ, lò rèn Phước Kiều, Phú Xuân, xưởng mộc Kim Bồng, chợ Phố.
(…)
Sóng phế hưng bao phen dội vào làng xã. Thêm các cuộc chiến chinh, li tán, tách nhập, nên chừng một thế kỷ đi qua, nhiều tên đất, tên làng xưa cũ hoặc biến mất, hoặc đổi thành địa danh mới.

Nhưng may thay, xứ Quảng vẫn còn đó nhiều ngôi làng mang theo ký ức lịch sử từ thời xa xưa của Chiêm Thành và đặc biệt khi cha ông đi mở nước đến nay. Mỗi dịp bày ra cuộc xuân kỳ, thu tế, hay lễ hội, lại dội vang tâm thức người Quảng nhớ về làng.

Nếu lòng ta vẫn giữ tên làng thì làng sẽ in vào tâm trí. Nếu lòng ta vẫn ký thác ở bến bờ quê thì “xưa tôi sống trong làng, giờ làng sống trong tôi” (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh). Vì thế, nhiều người Quảng xa quê vẫn dựng lại các ngôi làng mang dấu vết tên gọi gợi nhớ xứ Quảng, điển hình như một số làng ở Tây Nguyên và miền Nam.

Vậy nên, chỉ mong ai đó khi có chuyện sáp nhập mà đổi tên làng xã cần biết “dụng hoán gia danh, dĩ thùy vĩnh cửu”, để mãi lưu truyền nét đẹp hồn xưa.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng ta ở tại lòng ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO