Lao ruột được gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường được biết đến là nguyên nhân gây lao phổi. Đây là bệnh khó chẩn đoán vì hầu như không có xét nghiệm nào đặc hiệu, chủ yếu dựa vào các phán đoán về mặt lâm sàng.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam đã phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân H.V.V. (66 tuổi, ở xã Trà Linh, Nam Trà My). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói nhiều, bụng chướng căng hơn 10 ngày, bí trung đại tiện.
Qua thực hiện thăm khám và các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán tắc ruột do u hồi manh tràng. Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa BVĐK Quảng Nam đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật cấp cứu.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận 1 khối u lớn từ manh tràng lên đến đại tràng, thâm nhiễm xung quanh, gây tắc ruột hoàn toàn. Bác sĩ đã tiến hành cắt đại tràng phải, thực hiện tái lập lưu thông tiêu hóa 1 thì (thực hiện nối ruột sau cắt bỏ đoạn ruột tổn thương, không phải mang túi hậu môn ở thành bụng).
Quá trình chăm sóc sau mổ diễn ra thuận lợi, bệnh nhân được khởi động tiêu hóa đường miệng với nước đường, sữa vào ngày thứ 3, và ăn cháo ngay sau đó.
Xét nghiệm sau mổ cho thấy tổn thương phù hợp tổn thương của vi khuẩn lao (lao ruột). Sau thời kỳ hậu phẫu, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện chuyên khoa Phạm Ngọc Thạch để điều trị thuốc kháng lao.
Bác sĩ Nguyễn Đức Quang, Khoa Ngoại tiêu hóa, BVĐK Quảng Nam chia sẻ: Lao ruột được gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, thường được biết đến là nguyên nhân gây nên lao phổi.
Ngày nay, bệnh lao ruột không còn là bệnh quá mới mẻ. Bệnh này gặp ở khoảng 1-3% các bệnh về lao, gặp khoảng 16% các thể lao ngoài phổi, sau lao hạch, lao tiết niệu, lao xương khớp, lao kê, lao màng não.
Bệnh thường mắc phải sau khi nhiễm lao ở phổi, hầu họng sau đó theo đường máu hoặc các sản phẩm tiết chứa vi khuẩn bị nuốt vào dạ dày gây bệnh; cũng có thể mắc phải do vi khuẩn lao xâm nhập trực tiếp vào đường tiêu hóa như uống sữa động vật có chứa vi khuẩn lao, trẻ nhỏ bú sữa mẹ nhiễm lao…
Bệnh có thể gặp phải ở mọi vị trí trên ống tiêu hóa, tuy nhiên thường gặp nhất là vùng hồi manh tràng. Triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm đau bụng quanh rốn và hố chậu bên phải, buồn nôn, sụt cân, rối loạn đại tiện…
Theo thống kê, có khoảng 20-40% trường hợp bệnh nhân lao đường tiêu hóa nhập viện với tình trạng cấp tính và cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu.
“Đối với trường hợp nêu trên, chúng tôi chọn lựa phương án cắt đại tràng phải chứa tổn thương, đồng thời thực hiện tái lập lưu thông tiêu hóa 1 thì. Với giải pháp này, bệnh nhân sẽ tránh được rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng sau mổ vì mất nước, điện giải, chất dinh dưỡng qua lỗ mở thông ruột” - bác sĩ Nguyễn Đức Quang chia sẻ.
Lao ruột là bệnh khó chẩn đoán vì hầu như không có xét nghiệm nào đặc hiệu, chủ yếu dựa vào các phán đoán về mặt lâm sàng. Chính vì khó chẩn đoán nên bệnh dễ rơi vào các biến chứng nguy hiểm như thủng, tắc, lồng ruột gây hoại tử ruột, xuất huyết tiêu hóa…
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa lao ruột, bệnh nhân đang điều trị lao phổi cần tuân thủ phác đồ điều trị, người dân cần tránh uống sữa bò tươi chưa qua xử lý, ăn uống đảm bảo vệ sinh.
Những người thường xuyên sử dụng các thuốc điều trị bệnh lý tự miễn, các thuốc corticoid… cần kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu như đau bụng hoặc sôi ruột vùng hố chậu phải, sút cân không rõ nguyên nhân, sốt về chiều, rối loạn đại tiện với tiêu chảy có máu…