Lễ hội kết nối di sản

NAM KHA 15/06/2017 09:19

Chương trình nghệ thuật bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 tối qua (14.6), gói gọn trong hơn 90 phút mang khách trở về không gian huyền sử Quảng Nam. Có thể nói festival lần này tôn vinh nhân dân đã sáng tạo ra vô vàn những giá trị nhân văn đang ẩn tàng dưới lớp bụi thời gian.

  • Bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017: Tôn vinh và kết nối di sản
  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Chương trình nghệ thuật bế mạc Festival Di sản Quảng Nam 2017. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Chương trình nghệ thuật bế mạc Festival Di sản Quảng Nam 2017. Ảnh: TRỊNH DŨNG

1. Từ những cánh rừng đầy sâm và hương quế Ngọc Linh (Trà My), những con suối nhỏ đã khởi nguyên một dòng sông. Dòng suối nhỏ mang tên núi rừng hoang dã “Dak Di” âm thầm chảy qua bao thác ghềnh cheo leo gom nước về xuôi. Gặp sông Tiên, sông Tranh, suối đã thành sông, nhưng danh xưng Thu Bồn “mộng mị” phải chờ chảy qua địa phận Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên hòa cùng dòng Vu Gia từ phía bắc đổ về đất Đại Lộc, tạo tác phù sa đắp bồi Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc và Điện Bàn, trở thành dòng chảy văn hóa, sản sinh ra những địa danh mang giá trị nghệ thuật đến muôn đời, thức tỉnh giá trị tinh thần nhân loại trước khi ra đại dương bao la với những bãi biển hoang sơ đầy mê hoặc.
Dải lụa Thu Bồn vắt mình qua rẻo đất nhỏ Trà Linh, xuôi dòng qua Hòn Kẽm Đá Dừng nơi lòng sông hẹp đến bất ngờ, nhận mặt một thiên nhiên toàn bích. Hai bên vách núi dựng đứng. Trên vách núi cheo leo kia còn nguyên cổ tự Champa như mật ngữ thời gian chưa ai giải mã. Con nước trôi qua những mảnh đất dọc sông đầy cát trắng, đẹp như tranh vẽ bên nắng mưa vườn cây trái Đại Bình. Qua vùng tâm linh với một Dinh bà Thu Bồn trên đất Duy Tân, có thể nhìn thấy “nhan sắc Thu Bồn” với nụ cười thánh nữ trong những ngày lễ hội mùa xuân tưởng nhớ Mẹ Thu Bồn.

Hành trình về xuôi, sông đi qua những ngôi làng từng vang bóng về một bến đò tơ thời cực thịnh của Mã Châu, Đông Yên gắn với Bà Chúa tàm tang. Có thể tưởng tượng trên nền phế tích Mỹ Sơn hình ảnh ngày thánh lễ lấp lánh kiệu vàng. Vũ nữ apsara rực rỡ xiêm y trong điệu múa thần linh dưới chân tháp cổ… Sông chảy qua những làng nghề trăm năm tuổi, lướt qua làng An Phước xanh ắp lác đay, gai cói. Nghe tiếng reo của lửa ở làng nghề đúc đồng với nghệ thuật thẩm âm và “máu lửa” cồng chiêng trên bến Đông Khương của làng Phước Kiều. Phố ở cuối con sông chờ đợi với những ngôi nhà cổ hiện ra dưới ánh sáng đèn lồng. Âm thanh cổ nhạc lặn trên từng mái ngói, thấm sâu từng phiến đá, trên những rêu phong cổ kính bên trong những con hẻm dài hun hút gió…

2. Câu chuyện về huyền thoại sông Mẹ Thu Bồn được kể bằng một chương trình nghệ thuật ấn tượng “Thu Bồn - Dòng sông di sản”, kết nối xuyên suốt trên nền diễn xướng các làn điệu dân ca, ca khúc, tổ khúc, dân vũ và sân khấu hóa trong đêm bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI tại Hội An. Sân khấu bế mạc dựng giữa dòng sông chảy qua phố cũ. Không gian cách điệu bằng biểu tượng dãy núi hùng vĩ và dòng sông chảy quanh. Trên dòng sông mê hoặc ấy, có thuyền đánh cá, những trai gái hẹn hò, ngoạn du, tiếng cười nói của người chèo đò rớt trên dòng sóng nước… đẹp như tranh. “Dấu xưa xe ngựa” vẫn như còn đâu đây, rung động, lắng sâu trong tim du khách, để hình dung về một thời quá vãng vàng son và nét duyên trong hiện tại. Kỹ thuật âm thanh, ánh sáng ấn tượng, dễ dàng đưa người đắm chìm suy tưởng trên dòng sông di sản với những ca khúc về sông Mẹ, dòng chảy văn hóa từ vũ nữ apsara, chuyện tình Bà Chúa tàm tang, những điệu hò trên sông nước, sân khấu hóa dòng sông tâm linh hay lung linh Hội An. Và một dòng sông hội ngộ với âm thanh rộn rã của song tấu trống seojanggu - âm nhạc dân gian đồng quê của đoàn nhạc cụ dân tộc Nangye, tỉnh Chungcheongbukdo (Hàn Quốc) hay gặp những cô gái Phù Tang trên phố cổ qua điệu luân vũ “mùa hoa anh đào”…

Sự khác biệt của festival di sản Quảng Nam không chỉ dừng lại ở việc giảm bớt hình thức sân khấu hóa, không trùng lắp nội dung mà mỗi năm lại thêm nhiều sự kiện mới. Từ “hành trình trở về” cho các lễ hội đầu tiên, người Quảng mở rộng đến những bản giao hòa Đông Dương và độ hấp dẫn của lễ hội vốn đã định hình thương hiệu nay tiếp tục được gia tăng biên độ thông qua các cuộc giới thiệu từ Hội An, Điện Bàn, Mỹ Sơn, Tam Kỳ lên tới tận Tiên Phước, Nam Trà My, Tây Giang. Xã hội hóa tối đa trong việc dựng nên các lễ hội, không đổ hết kinh phí hay nguồn lực vào lễ hội để góp phần đỡ gánh nặng cho ngân sách nhà nước cũng đã là điều mới mẻ. Cuộc hành trình ấy cũng sẽ để lại những sản phẩm du lịch định hình để Quảng Nam có thêm sức hút du khách. Các sản phẩm mới đều có sự tự đầu tư của doanh nghiệp, nhưng lợi ích sẽ được chia đều cho cộng đồng và không đặt lợi nhuận trong một vài năm đầu cho các khoản đầu tư ấy. Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài - Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival nói, kết nối di sản, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, môi trường sinh thái, định hình chất lượng sản phẩm du lịch, nâng chất bảo tồn di sản, mở rộng biên độ phát triển du lịch về phía nam, lên miền núi là cách Quảng Nam chọn. Mỗi kỳ festival di sản là cơ hội lớn để Quảng Nam quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch mang đặc hiệu “văn hóa và di sản”. Điều này sẽ tạo tiền đề để Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước, phấn đấu tăng chỉ tiêu đón khách mỗi năm 20% và sẽ đón từ 4 - 6 triệu lượt khách mỗi năm.

NAM KHA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội kết nối di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO