Bà Lê Thị Xuyến là phụ nữ đầu tiên ở đất Quảng nhận bằng “Diplome”- văn bằng danh giá lúc bấy giờ. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội khóa I và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt), đồng thời là nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.
KỶ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lê Thị Xuyến (9/12/1909 - 9/12/2024), nhiều câu chuyện về bà được nhắc nhớ.
Chuyện tình người nổi tiếng
Một cuộc cầu hôn rất mới, rất “Tây” được thuật lại trong cuốn hồi ký “Nhớ cha tôi - Phan Khôi” của tác giả Phan Thị Mỹ Khanh (con gái nhà báo Phan Khôi).
Lần đầu tiên ở làng quê Thạch Bộ, tổng Mỹ Hòa, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, một người phụ nữ đã tự mình quyết định hôn nhân mà không phải lệ thuộc “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Đây quả là chuyện hy hữu khi mà nông thôn bấy giờ còn nặng lễ giáo phong kiến.
Theo bài viết “Chuyện tình của người nổi tiếng Lê Thị Xuyến” sau này, bà Lê Thị Xuyến tâm sự với người cháu Phan Thị Mỹ Khanh: “Tuy thím học ở Huế nhưng nhát lắm. Chú Phan Thanh đến dạy học cho các cháu trong nhà. Thím đứng ở nhà ngang – nhà ngang cách nhà trên xa - nhìn lên loáng thoáng thấy bóng dáng chú chứ không dám đến gần nói chuyện.
Nhưng thím nghĩ, khi người ta không may bị mất việc, mình lại từ hôn thì trái với đạo lý làm người. Như vậy thật nhẫn tâm. Thím không làm theo lời chú bác, tự mình quyết định việc hôn nhân. Chú bác muốn từ hôn vì sợ cháu mình vất vả do chồng không có việc làm ổn định, chứ không phải chê nghèo”.
Trong thời gian hai vợ chồng ở Hà Nội, ông Thanh dạy học ở trường Thăng Long, còn bà Xuyến dạy trường Hoài Đức. Hai người sống hạnh phúc ở số nhà 165A đường Henri d’ Orléans (nay là đường Phùng Hưng). Đây cũng là trụ sở hoạt động cách mạng. Con trai út của ông bà là Phan Diễn, ra đời ở ngôi nhà này. Những năm 1936 - 1939, bà Xuyến đã giúp đỡ ông Thanh nhiều trong phong trào Mặt trận bình dân. Thời gian này, cùng với các đồng chí Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp vận động thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ.
Bảo vệ quyền lợi phụ nữ
Bà Hà Giang, người từng có thời gian công tác cùng bà Lê Thị Xuyến ở cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương cho hay: Bà Xuyến rất quan tâm đến công tác cán bộ nữ. Từ Thủ đô Hà Nội, bà thường xuyên đi xuống cơ sở ở các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phú, Thái Nguyên... đồng thời đến một số ngành có đông lao động nữ mà mình am hiểu nhiều như ngành y tế, giáo dục...
Bà họp với chị em cán bộ để tìm hiểu về trình độ, năng lực đời sống gia đình, những khó khăn của chị em. Cùng với đó, mạnh dạn đề xuất ý kiến với cấp ủy địa phương, ngành y tế về chủ trương tăng cường bồi dưỡng, đào tạo chị em, đấu tranh chống tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ, không đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ nữ.
Bà coi trọng những ưu điểm của cán bộ trẻ như thông minh, hăng hái trong công tác, dám nghĩ, dám làm. Bà thông cảm, không thành kiến đối với nhược điểm của chị em trẻ như bồng bột, thiếu chín chắn, thiếu kinh nghiệm.
Trong kháng chiến chống Pháp, biết trong cơ quan có vài chị em học sinh vốn là người thành phố thoát ly, khi gặp gian khổ tỏ ra buồn nản, bà Xuyến đã gần gũi, động viên: “Đi kháng chiến, chúng ta còn được ăn no, còn đủ nước uống, chúng ta còn sướng hơn anh em bộ đội nhiều. Có nhiều ngày anh em cơm ăn không no, nước uống không đủ, thế mà vẫn vững tay súng, đối mặt với quân thù, chiến đấu rất dũng cảm, tin tưởng vào thắng lợi”. Chính sự gần gũi, giúp đỡ động viên kịp thời đã giúp chị em yên tâm, phấn khởi, cố gắng phấn đấu trở thành những cán bộ giỏi.
Giải phóng phụ nữ
Ấn tượng sâu sắc về vị tiền nhiệm, bà Hà Thị Quế, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kể: Vốn thiết tha đến đời sống phụ nữ và nhi đồng, bà Lê Thị Xuyên dành hết sức lực, tâm huyết cho việc lãnh đạo xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho các thôn xóm, các xí nghiệp, công nông nghiệp.
Bà Xuyến cho rằng có quan tâm đến nhóm trẻ, mẫu giáo mới thiết thực giải phóng sức lao động của phụ nữ kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ nhi đồng, nhằm góp phần đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm lương thực chi viện cho tiền tuyến.
Năm 1960, khi được giao trách nhiệm chủ trì biên soạn Luật Hôn nhân và gia đình, bà Lê Thị Xuyến cùng Luật sư Bùi Thị Cẩm tập hợp đội ngũ luật sư có trình độ, tâm huyết soạn thảo. Đạo luật có tác dụng như là một cuộc cách mạng, góp phần giải phóng phụ nữ, chống tàn dư tư tưởng phong kiến, bảo vệ quyền lợi thiết thân cho phụ nữ Việt Nam. Khi đạo luật được ban hành, bà Xuyến là người hăng hái phổ biến đạo luật xuống cơ sở.
Bà Hà Thị Quế còn cho biết: Trong phong trào “Ba đảm đang”, nhận thấy trình độ phụ nữ cơ sở còn non kém, bà Xuyến cùng cán bộ sang bàn bạc với Bộ Giáo dục soạn thảo kế hoạch tổ chức các lớp bổ túc văn hóa và các kiến thức quản lý hành chính, quản lý kinh tế, bảo đảm công tác hậu phương cho chị em.
Sau quá trình được tỉnh, huyện, xã bồi dưỡng, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều cá nhân nữ lãnh đạo xuất sắc, bảo đảm tốt công tác hậu phương, động viên đông đảo hội viên phụ nữ hăng hái, nhiệt tình, tham gia sản xuất, phục vụ chiến đấu chi viện cho miền Nam...