Lê Văn Cảnh - người truyền cảm hứng sáng tạo

HOÀNG NGỌC 22/01/2023 08:00

(Xuân Quý Mão) - Trong mắt bạn bè thuở hoa niên, “Cảnh lớp trưởng” là người vui vẻ, chăm chỉ và thông minh. Điều này như trở thành căn tính và được rèn giũa qua thời gian. Có lẽ tất cả đã tạo nên một Lê Văn Cảnh thành công trên con đường chinh phục tri thức.

GS-TS. Lê Văn Cảnh. Ảnh: NVCC
GS-TS. Lê Văn Cảnh. Ảnh: NVCC

Nỗ lực không ngừng nghỉ

TS. Lê Văn Cảnh (sinh ngày 11/11/1979, quê xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) là một trong 34 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2022, cũng là giáo sư trẻ tuổi nhất trong đợt này. Đây là thành công tiếp theo, khi trước đó là giải thưởng Quả cầu vàng năm 2014 hay nhiều danh hiệu khác.

Tất nhiên, danh hiệu hay phần thưởng là thành quả của nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ để định vị bản thân. Quan trọng hơn, đó là kiểu người đam mê giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng - điều mà tôi nhìn thấy ở Lê Văn Cảnh. Anh bảo, việc nghiên cứu và giảng dạy của anh trước và sau khi được công nhận giáo sư, tất nhiên vẫn được duy trì nhưng trọng trách sẽ lớn hơn.

“Đây cũng là cơ hội để tôi đóng góp nhiều hơn trong công tác nghiên cứu và đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học để xây dựng đội ngũ nhà khoa học tương lai” - Lê Văn Cảnh nói.

Khi theo học chương trình Cao học Việt - Bỉ, ngành cơ học, do GS. Nguyễn Đăng Hưng khởi xướng, Lê Văn Cảnh và các bạn trong lớp đã đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe của các giáo sư đến từ châu Âu. Phần lớn họ hoàn thành luận văn tiến sĩ chỉ thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, trong số đó có nhiều người trở thành nhà khoa học thành danh trong nước và quốc tế.

GS. Nguyễn Đăng Hưng nói: “Trong quá trình nghiên cứu sinh, chúng tôi đưa đề tài rất khó nhưng anh ấy hoàn thành xuất sắc trong thời gian ngắn. Rồi Cảnh nhận học bổng toàn phần để học tiến sĩ tại Trường Đại học Sheffield (Anh) và được Đại học Sheffield giữ lại để nghiên cứu sau tiến sĩ.

Điều quan trọng hơn, Cảnh có năng khiếu trong nghiên cứu khoa học, đeo đuổi đến cùng và biết cách truyền cảm hứng nghiên cứu cho sinh viên. Tôi ấn tượng với những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao của anh ấy”.

 Tôi hay nhủ mình “No pain no gain” - Thành công chỉ đến sau nỗ lực bền bỉ, có sự kiên trì thì tự thân sẽ tìm được con đường đến đích.

(GS-TS. Lê Văn Cảnh)

Lê Văn Cảnh tham dự rất nhiều hội nghị quốc tế, đã có hàng chục bài báo đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín (thuộc danh mục SCI), đã xuất bản sách khoa học về lĩnh vực tính toán cơ xây dựng.

Với chất giọng Quảng còn khá... rin, kiểu nói chuyện hiền lành trong phong thái chuẩn mực của một nhà giáo, ở Lê Văn Cảnh toát lên nguồn nội lực khiến người đối diện tin cậy về cả phẩm cách lẫn học vấn.

Những chia sẻ của anh cho tôi thấy rằng, khi đam mê, sẽ không có gì ngăn được bước chân bạn. Và khi bạn xây dựng lịch làm việc khoa học nữa, kết quả sẽ khiến bạn thỏa mãn. Khi tận hiến, thì trên từng chặng đường, bạn sẽ cảm nhận dư vị ngọt ngào cho đến cuối hành trình.

Lê Văn Cảnh bảo, anh nhớ ai đó nói rằng “con đường dẫn đến thành công thì có 99% là nước mắt”, nói như vậy để thấy rằng khi đã xác định mục tiêu thì cần nỗ lực không ngừng để thực hiện và kiên trì cho đến khi đạt được.

GS-TS. Lê Văn Cảnh (người đeo cà vạt đỏ) trong một sự kiện tại Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: NVCC
GS-TS. Lê Văn Cảnh (người đeo cà vạt đỏ) trong một sự kiện tại Trường Đại học Quốc tế. Ảnh: NVCC

Theo đuổi giáo dục khai phóng

Câu chuyện của chúng tôi, rốt cuộc lại xoay quanh quan niệm về giáo dục khai phóng. Trong thời gian ở nước ngoài, cơ hội là rất nhiều, nhưng tâm thế của Lê Văn Cảnh là quay về nước, để có thể góp được chút gì cho giáo dục Việt Nam.

Các nghiên cứu của Lê Văn Cảnh chủ yếu về phương án kết cấu công trình, nền móng ở trạng thái giới hạn nhằm tính toán tối đa năng lực của vật liệu, từ đó giảm chi phí cho công trình. Nghiên cứu của anh luôn hướng đến ứng dụng phương pháp tính toán mới để giúp Việt Nam bắt kịp xu thế xây dựng của thế giới hiện nay. Ví như đề tài “Công nghệ tính toán ứng dụng vào kỹ thuật xây dựng” đã giúp Trung tâm Thương mại siêu thị ô tô Trường Hải tiết kiệm 5 tỷ đồng tiền làm nền móng...

Triết lý giáo dục của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) - nơi Lê Văn Cảnh công tác là “Toàn diện, Khai phóng, Tiên phong và Hội nhập”.

Anh nhất quán rằng, giáo dục khai phóng là một trong những xu hướng đào tạo đại học đã được phát triển mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu, cũng là xu hướng mới của giáo dục đại học ở Việt Nam. Người học sẽ được trao cơ hội tự do để lựa chọn những ngành nghề phù hợp trên tinh thần tự do trong tư duy - suy nghĩ và lựa chọn.

Chương trình giáo dục khai phóng định hướng người học không chú trọng vào lĩnh vực chuyên môn duy nhất mà mở ra nhiều cơ hội để sinh viên khám phá thêm các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp đại học khai phóng có khả năng thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi và có tư duy sáng tạo nổi trội.

Quay lại câu chuyện truyền cảm hứng cho sinh viên, như lời nhận xét của GS. Nguyễn Đăng Hưng, không chỉ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Lê Văn Cảnh cũng theo đuổi việc truyền cảm hứng hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên.

Lê Văn Cảnh cho rằng, hiện nay, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trở thành một trong các hoạt động trọng tâm của trường đại học trong nước và quốc tế. Thông qua ngày hội cộng đồng kết nối nhà khoa học trẻ, sinh viên, chuyên gia và doanh nghiệp, không gian và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện tạo nền tảng cho các ý tưởng sáng tạo có môi trường đâm chồi và phát triển.

Lấy ví dụ ở hoạt động trải nghiệm thực tế thông qua các dự án cụ thể với sự góp ý sâu từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Ở đó những người đưa ra ý tưởng sáng tạo phải tự thân tìm tòi, kiên trì theo đuổi các giải pháp hoàn thiện, có như vậy thì ý tưởng sáng tạo mới đi đến đích cuối cùng.

“Trường đại học cũng là nơi sinh viên được thực hiện quá trình “thử sai” (trial-error) để giảm thiểu sai lầm khi triển khai trong thực tiễn cuộc sống. Cho nên lời khuyên của tôi là các em nên tận dụng những cơ hội quý giá này khi còn ngồi ở giảng đường” - Lê Văn Cảnh nói.

“Gần đây, tôi được biết các bạn trẻ Quảng Nam có những giải thưởng cao trong các cuộc thi đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia. Trường Đại học Quốc tế đã và đang hỗ trợ các địa phương trong các hoạt động này. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Quảng Nam để tạo làn gió mới về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” - Lê Văn Cảnh cho biết thêm.

Hơn 20 năm sau ngày ra trường, những kết nối của GS-TS. Lê Văn Cảnh với quê nhà, với các thế hệ của Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ (Đại Lộc) để giúp học trò nghèo hay những học sinh giỏi đã bắt đầu.

Ở tỉnh lẻ và làng quê, học trò ít có cơ hội thụ hưởng môi trường học tập tốt như thành phố. Lớn lên ở làng, anh hiểu rõ điều đó. Vậy nên quan trọng hơn chuyện trao học bổng, anh hy vọng với các chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, sẽ giúp học trò quê hương tiếp cận và phát triển kỹ năng sớm, gợi mở những cơ hội học tập trải nghiệp các môn ở bậc đại học cũng như cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học.

Chân trời luôn rộng mở cho những ai biết chinh phục ước mơ và hiện thực hóa khát vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lê Văn Cảnh - người truyền cảm hứng sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO