(QNO) - Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, giúp nhiều người lao động tìm được việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
(QNO) - Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, giúp nhiều người lao động tìm được việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở khu vực miền núi của tỉnh đã được thực hiện bằng nhiều chương trình, dự án trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn phần lớn lao động (LĐ) khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chưa tham gia học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao thu nhập từ chính nghề nghiệp mà họ đang làm hàng ngày.
Đồng thời, nhiều chính sách được ban hành và thực hiện trong các chương trình mục tiêu quốc gia nhưng vẫn còn nhiều LĐ chưa qua đào tạo đang tham gia trong thị trường LĐ, sẽ khiến chất lượng LĐ không cao. Vì vậy, các buổi truyền thông chính sách đã được Sở LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức ở các huyện nghèo khu vực miền núi của tỉnh.
Các báo cáo viên đã tuyên truyền các chính sách cụ thể hỗ trợ cho người LĐ như được hỗ trợ chi phí học nghề, ăn, ở, đi lại; hỗ trợ phần chi phí đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; cung cấp thông tin thị trường LĐ, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho LĐ là người dân tộc thiểu số…
Ông Lê Thanh Việt - Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn) cho biết, LĐ khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm nhiều đến việc học nghề, không mạnh dạn từ bỏ thói quen, tư duy sản xuất truyền thống. Vì thế đời sống khó nâng cao do sản phẩm làm ra bị bó hẹp ở thị trường tiêu thụ.
Ông Việt nói: “Việc tỉnh, huyện truyền thông cụ thể, rõ ràng các chính sách hỗ trợ học nghề, đi làm việc ở trong và ngoài nước đối với LĐ ở miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giúp cho chi bộ, ban nhân dân thôn nắm chắc thông tin, truyền đạt tốt hơn đến với người LĐ của thôn. Hiện nay thôn vẫn còn nhiều LĐ rất trẻ nên đi học nghề, có việc làm để thoát nghèo là con đường về đích nhanh nhất”.
Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã xúc tiến đào tạo nghề tại các xã miền núi của tỉnh, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Tham gia lớp học nghề nấu ăn đang được Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam phối hợp với UBND xã Trà Nú (Bắc Trà My) tổ chức, chị Lê Thị Thanh (ở thôn 2) không bỏ sót bữa học nào.
Chị nói: “Được Hội LHPN xã tuyên truyền, giới thiệu, tôi đăng ký đi học nghề nấu ăn. Lúc đầu tôi cũng lo lắng vì không biết có thạo nghề sau khi kết thúc khóa học. Nhưng xã cam kết nếu học thành nghề sẽ hỗ trợ để chị em có tổ chức nấu ăn, phục vụ các đám tiệc tại địa phương thì tôi yên tâm”.
[VIDEO] - Đào tạo nghề nấu ăn cho lao động miền núi:
Cùng với khóa học nghề nấu ăn, khóa học nghề cơ khí gò hàn cũng được Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam tổ chức ở xã Trà Nú. Lớp nghề cơ khí có nam giới học là chính, chủ yếu là lao động phổ thông chưa được đào tạo, chưa có nghề ổn định. Ông Hồ Văn Bé (thôn 2) cho hay do không có điều kiện học tập lên cao đẳng nên sau khi học xong THPT thì ông ở nhà làm nông. Nay các con đã vào tuổi ăn học nên ông cũng mong muốn có được một nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND xã Trà Nú cho biết, địa phương luôn quan tâm nâng cao trình độ tay nghề cho LĐ ở xã, đặc biệt là LĐ người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng cách thức đào tạo phụ thuộc điều kiện của người LĐ, họ không thể đi xa học nghề vì còn nhiều ràng buộc. Vì thế, Trung tâm Đào tạo nghề thanh niên Quảng Nam về tận nơi đào tạo nghề giúp xã Trà Nú triển khai các nội dung đào tạo nghề trong các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai ở xã.
“Lao động ở miền núi như Trà Nú còn nhiều, nhưng chủ yếu làm nông, chưa được đào tạo nghề. Muốn phát triển kinh tế - xã hội, thoát nghèo bền vững thì người LĐ phải được đào tạo nghề để nâng cao thu nhập; thanh niên có thể đi ra ngoài làm việc trong các công trình, công ty, xí nghiệp... Chỉ khi LĐ chính có việc làm ổn định, tăng thu nhập mới có thể nuôi gia đình, cho con cái ăn học, thoát nghèo tốt hơn. Việc cơ sở đào tạo về tại chỗ đào tạo nghề cho LĐ miền núi rất thiết thực và thực chất”.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND xã Trà Nú:
Việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và giới thiệu việc làm thời gian qua đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng. Các trường dạy nghề đều có liên kết với doanh nghiệp trong việc phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành thực tập cho học sinh sinh viên (HSSV).
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế & thủy lợi miền Trung chú trọng gắn kết đào tạo với giải quyết việc làm cho HSSV ngay sau khi tốt nghiệp. Nhiều ngành nghề HSSV tốt nghiệp ra trường không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp như xây dựng công trình thủy, công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước, điện - nước, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng.
TS. Lê Ngọc Viên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế & thủy lợi miền Trung thông tin, trong năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh thường xuyên, đa dạng loại hình và phương thức đào tạo, phát triển quy mô đào tạo.
Nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là kỹ năng mềm cho HSSV.
Ông Viên cho biết, nhà trường đảm bảo điều kiện học tập, thực hành, thực tập tốt nhất cho HSSV. Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, thực hiện mục tiêu đưa doanh nghiệp tham gia cùng nhà trường trong công tác đào tạo theo phương châm “Tuyển sinh là tuyển dụng”, “Thực tập có lương”...
Hay như Trường Cao đẳng Quảng Nam phối hợp với các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, đối thoại về hoạt động khởi nghiệp trong HSSV một cách sinh động. Tổ chức các ngày hội việc làm cho HSSV, tạo cơ hội tiếp cận, lựa chọn và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, cũng như hình thành cho HSSV ý tưởng khởi nghiệp độc lập.
Trường Cao đẳng Quảng Nam đã hợp tác, liên kết đào tạo với các tổ chức, công ty đến từ Nhật Bản, Canada, Đài Loan, Lào, Philippines để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Giữa nhà trường và các đơn vị, doanh nghiệp như Hiệp hội Orient Human Design Inc, Tập đoàn chăn nuôi Friden, Công ty Yamazaky Industrial liên tục có sự trao đổi, hợp tác, đưa sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp Nhật Bản.
PGS-TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Trường cũng đã tham gia hội thảo quốc tế về hợp tác, liên kết đào tạo Canada - Việt Nam, gặp gỡ và làm việc với Trường Cao đẳng nghề Nova Scotia (Canada), giao lưu trao đổi kỹ năng nghề nghiệp với các giáo viên và SV của trường để bước đầu đặt nền móng cho sự hợp tác giữa các trường sau này. Nhà trường cũng đã làm việc với Trường Đại học Cần Ích (Đài Loan) để hợp tác tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu của cả hai phía. Ngoài ra, mở rộng tuyển sinh tại Lào, tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, thực hiện theo chương trình hợp tác giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông”.
Từ định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay Quảng Nam có 24 cơ sở GDNN cùng tham gia đào tạo nhân lực cho tỉnh và khu vực. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 1.513 nhà giáo GDNN, được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thường xuyên, góp phần nâng cao hơn chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN của tỉnh.
Các hội thi, hội giảng của tỉnh và của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, các nhà giáo GDNN của các cơ sở trong tỉnh tham gia năm nào cũng đạt nhiều thành tích, khẳng định chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong hệ thống GDNN quốc gia.
Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thi hành Luật GDNN, tỉnh có thêm nhiều điều kiện, chính sách hỗ trợ người LĐ học nghề, khuyến khích tinh thần học nghề của LĐ, đặc biệt là LĐ khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ cho LĐ như miễn giảm học phí, chính sách nội trú, tín dụng, cấp học bổng khuyến khích học tập.
“Tỉnh còn có các chính sách riêng cho từng giai đoạn như hỗ trợ HSSV học chính quy tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thuộc hộ đăng ký và đã thoát khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp bù 100% học phí và thực hiện cho đến khi hoàn thành khóa học. Hay hiện nay là hỗ trợ học phí, tiền đi lại, tiền ăn, học bổng cho người học nghề chính quy với các mức khác nhau tùy đối tượng... Các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhờ vậy mà sự gắn kết giữa đào tạo và việc làm càng hiệu quả hơn” - ông Quý cho biết thêm.
Các cơ sở GDNN đã xây dựng, ban hành 393 chương trình đào tạo ở các cấp trình độ và đào tạo dưới 3 tháng, theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến... Hằng năm, các cơ sở GDNN thực hiện tự đánh giá công tác kiểm định chất lượng đào tạo; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra cho các ngành học làm tiêu chí đánh giá công nhận tốt nghiệp cho người học.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Quí Quý – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh:
Thực hiện: DIỄM LỆ - HOÀNG ĐẠO
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN