Những năm qua, một số doanh nghiệp và HTX trên địa bàn Quảng Nam liên kết với nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Từ đó, tạo ra nguồn gạo có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng và là nguyên liệu chính phục vụ chế biến sản phẩm OCOP.
Hiệu quả từ chuỗi liên kết
Gần giữa tháng Chạp, trên các xứ đồng của xã Điện Trung (Điện Bàn), không khí lao động khá nhộn nhịp. Nông dân khẩn trương tỉa giặm những ruộng lúa non xanh, lo chuẩn bị đón tết.
Ông Huỳnh Văn Giỏi ở thôn Nam Hà cho biết, gia đình có 4 sào ruộng, từ năm 2021 đến nay, vụ đông xuân nào ông cũng liên kết với HTX Nông nghiệp Điện Trung sản xuất lúa chất lượng cao ST24 theo hướng hữu cơ.
“Mặc dù năng suất lúa ST24 tương đương với lúa Bắc Thịnh và Thiên ưu 8 nhưng nhờ HTX bao tiêu đầu ra sản phẩm với mức giá thu mua 9 nghìn đồng/kg nên thu nhập đạt 2,7 triệu đồng/sào, tăng 600 - 900 nghìn đồng/sào so với gieo sạ 2 loại giống lúa trên” - ông Giỏi chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hoằng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Trung cho hay, đầu vụ đông xuân 2021 – 2022, đơn vị liên kết với 50 hộ dân ở thôn Nam Hà sản xuất 5ha lúa ST24 trên xứ đồng Phủ.
Ngoài việc hỗ trợ toàn bộ lượng hạt giống gieo sạ, HTX còn chịu trách nhiệm cung ứng phân vi sinh và các loại vật tư thiết yếu đầu vào cho nông dân theo hình thức trả chậm.
“Trong vụ đầu tiên, hầu hết diện tích lúa ST24 của mô hình đều được mùa và HTX thu mua toàn bộ để chế biến thành sản phẩm gạo mang thương hiệu "Gò Nổi".
Tham gia mô hình, người dân không chỉ yên tâm về đầu ra sản phẩm mà thu nhập cũng tăng thêm 12 - 18 triệu đồng/ha/vụ so với gieo sạ các giống lúa khác.
Năm 2022 sản phẩm gạo "Gò Nổi" được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là động lực lớn giúp nông dân và HTX duy trì và phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất này” – ông Hoằng nói.
Trong 2 vụ đông xuân gần đây, HTX Nông nghiệp Điện Trung tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa chất lượng cao ST24 theo hướng hữu cơ lên 20ha, với sự tham gia của 160 hộ dân ở thôn Nam Hà và Tân Bình.
Sau mỗi vụ thu hoạch, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn gạo "Gò Nổi" với giá bán sỉ 20 nghìn đồng/kg. Hiện nay, HTX có hàng chục cửa hàng, đại lý phân phối sản phẩm tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tam Kỳ…
HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) cũng tạo dấu ấn trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển sản phẩm OCOP.
Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX cho hay, từ năm 2017 đến nay, bình quân hằng năm đơn vị liên kết với một số HTX khác trên địa bàn Đại Lộc tổ chức cho khoảng 1.200 hộ dân canh tác hơn 100ha lúa chất lượng cao TBR225 và HT5 theo hướng hữu cơ.
Yêu cầu cao trong sản xuất
Quảng Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm. Riêng năm 2023, các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân liên kết sản xuất 4.111ha lúa giống và 1.000ha lúa thương phẩm.
Mặc dù diện tích khá lớn nhưng thực tế cho thấy vẫn còn quá ít mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao theo hướng hữu cơ.
Ông Trương Cảm cho rằng, việc liên kết sản xuất lúa chất lượng cao của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa mới chỉ theo hướng hữu cơ chứ chưa áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ vốn dĩ rất nghiêm ngặt.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm gạo an toàn và bánh tráng nhúng đã đạt chuẩn OCOP 3 – 4 sao, thời gian tới đơn vị sẽ từng bước áp dụng bài bản quy trình sản xuất lúa hữu cơ.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Do vậy, Quảng Nam tạm thời áp dụng bộ tiêu chí sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Theo đó, yêu cầu đặt ra là đất không ô nhiễm, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang và các nguồn ô nhiễm khác.
Khu vực sản xuất phải có hệ thống kênh mương tốt, đủ nguồn nước để đảm bảo việc chủ động tưới tiêu cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và đặc biệt là không bị ô nhiễm do các tác nhân hóa học. Đồng thời sử dụng giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, do các đơn vị cung ứng giống uy tín phân phối, đảm bảo cấp giống theo QCVN01-54/2011 của Bộ NN&PTNT.