(QNO) - Xã Ninh Phước (Quế Sơn) đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, từ chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu đến đầu tư hạ tầng cho khu vực sản xuất, tìm kiếm thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mở rộng vùng nguyên liệu
Từ nhiều năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Tưởng (thôn Phú Gia 1, Ninh Phước) đã gắn bó với nghề nấu đường thủ công truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, chỉ khi sản phẩm đường thẻ Phú Gia được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2023, cơ hội phát triển mới thực sự rộng mở. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô, việc có nguồn nguyên liệu mía ổn định ngay tại địa phương trở thành yếu tố then chốt.
Chị Tưởng cho biết, trước đây nguồn mía chủ yếu mua từ nơi khác, chi phí vận chuyển cao, chất lượng mía không đồng đều, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đường thành phẩm. Nhận thấy khó khăn này, UBND xã Ninh Phước đã phối hợp với các hộ dân khuyến khích phục hồi vùng trồng mía tại chỗ, từng bước tái tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ đó giúp chị Tưởng duy trì sản xuất ổn định, chủ động nguồn nguyên liệu, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Còn với những sản phẩm OCOP như bút trầm hương Phúc Vượng Lợi của anh Hồ Như Truyền (thôn Ninh Khánh), việc chủ động nguyên liệu càng được chú trọng hơn. Hiện anh Truyền đã mạnh dạn liên kết với 6 hộ dân trên địa bàn để hình thành chuỗi liên kết sản xuất trầm hương, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định với khoảng 1.000 gốc dó bầu từ 10 năm tuổi trở lên.
Nếu không có sự hỗ trợ, vận động của chính quyền xã, rất khó để người dân mạnh dạn đầu tư trồng dó quy mô lớn, vì đây là cây lâu năm, vốn đầu tư ban đầu cao mà thời gian thu hoạch kéo dài"
Anh Hồ Như Truyền
Theo ông Lê Anh Tuấn - Quyền Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, địa phương xác định việc mở rộng vùng nguyên liệu chính là một trong những giải pháp then chốt để phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định sẽ tạo nền tảng phát triển sản phẩm lâu dài, có tính cạnh tranh cao, gắn với các mục tiêu phát triển nông thôn mới nâng cao.
Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng
Ngoài khó khăn về nguyên liệu, nhiều chủ thể OCOP ở Ninh Phước còn đối mặt với thách thức lớn về hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hệ thống điện phục vụ vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất quy mô vừa và nhỏ.
Chị Trần Thị Kim Liên - chủ cơ sở trà rau sen Đại Bình cho biết, do khu vực nhà ở gần khu dân cư thường xuyên bị ngập lụt nên gia đình đã phải xây dựng xưởng sản xuất ở nhà ba mẹ tại khu vực cao ráo hơn, song khu vực này lại chưa có điện 3 pha .
Hiện nay tôi có 3 máy sao trà hoạt động bình thường, vừa đầu tư thêm máy sấy công nghệ mới gần 250 triệu đồng, nhưng do thiếu điện 3 pha nên máy chưa thể vận hành được, rất lãng phí nguồn đầu tư.
Chị Trần Thị Kim Liên
Không riêng gì cơ sở trà rau sen Đại Bình, cơ sở chế tác trầm hương Phúc Vượng Lợi của anh Hồ Như Truyền cũng đang “khát” nguồn điện 3 pha để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hiện tại xưởng đang sử dụng 3 máy tiện, 2 máy cắt, 5 máy khoan, đánh bóng và sắp tới sẽ đầu tư thêm máy CNC tự động để khắc chữ tinh xảo, bắt buộc phải có nguồn điện 3 pha ổn định mới vận hành được.
Thời gian qua, UBND xã Ninh Phước đã chủ động tham mưu, đề xuất, phối hợp với ngành điện lực để triển khai dự án kéo điện 3 pha về các khu sản xuất. Từ nguồn kinh phí chương trình nông thôn mới, xã đã đầu tư mở rộng mạng lưới điện với 3 tuyến dài khoảng 1,5km, kéo điện 3 pha đến các khu sản xuất, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng.
[VIDEO] - Ông Lê Anh Tuấn - Quyền Chủ tịch UBND xã Ninh Phước chia sẻ về những hỗ trợ của địa phương đối với các chủ thể OCOP trên địa bàn:
"Tuy nhiên, do địa bàn rộng, một số khu vực sản xuất xa khu dân cư, nguồn điện yếu. Chúng tôi xác định, hạ tầng điện không chỉ phục vụ các cơ sở OCOP hiện tại mà còn mở ra cơ hội thu hút thêm các mô hình sản xuất mới, góp phần xây dựng xã Ninh Phước thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với sản phẩm OCOP” - ông Tuấn nói.