Liên kết vùng, thúc đẩy phát triển công thương

NGUYỄN QUANG 05/11/2023 16:01

(QNO) - Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2023 vừa được Bộ Công Thương tổ chức ở tỉnh Đắk Nông nhằm tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2022, đánh giá thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023, qua đó định hướng mục tiêu, giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong 3 tháng cuối năm 2023. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: NGỌC SÁNG
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: NGỌC SÁNG

Đây cũng là điều kiện để các địa phương được trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả ngành công thương; nhất là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Đối lập thương mại - công nghiệp

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, trong 10 tháng đầu 2023, sản xuất công nghiệp giảm 28,75% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10 ước đạt 4.620 tỷ đồng (chiếm 76,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 25,8% so với cùng kỳ). 

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.VIỆT
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGỌC SÁNG

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 của 15 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên có quy mô tương đối, đóng góp chính vào ngành công nghiệp trong khu vực nhìn chung đều giảm sản lượng sản xuất, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu. Trái ngược với hoạt động công nghiệp giảm sút, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực miền Trung - Tây Nguyên 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769.455 tỷ đồng (tăng 12,9% so với cùng kỳ và đạt 73,9% kế hoạch năm 2023), hầu hết các tỉnh đều có tăng trưởng. 

Hoạt động thương mại tại Quảng Nam khá khởi sắc trong thời gian qua. Ảnh: Q.VIỆT
Hoạt động thương mại tại Quảng Nam khá khởi sắc trong thời gian qua. Ảnh: Q.VIỆT

Đánh giá cao hoạt động thương mại tăng trưởng tích cực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng cường tổ chức kết nối cung cầu, hội chợ, phiên chợ, thực hiện tốt các giải pháp nhằm kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, giải phóng hàng tồn kho. Các tỉnh, thành đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường trong từng địa phương và khu vực. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương tiếp tục được chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Đối lập với thương mại, hoạt động công nghiệp ở miền Trung - Tây Nguyên đáng lo ngại. Sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong khu vực còn hạn chế, chưa có nhiều dự án lớn được đầu tư với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tạo động lực phát triển của vùng. Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của vùng. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước.

Trái ngược với khởi sắc của hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp còn điểm nghẽn. Ảnh: Q.VIỆT
Trái ngược với khởi sắc của hoạt động thương mại, sản xuất công nghiệp còn điểm nghẽn. Ảnh: Q.VIỆT

Để giải quyết điểm nghẽn phát triển công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên  thời gian tới thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển theo chiều sâu, chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất từng phần và tiến tới toàn bộ để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thúc đẩy liên kết vùng

Hoạt động liên kết phát triển ngành công thương giữa 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã được chú trọng. Các tỉnh, thành đẩy nhanh hợp tác trên các lĩnh vực như chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, kết nối giao thương hàng hoá. Các tỉnh, thành phối hợp, đề xuất với Trung ương, bộ ngành về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, hoàn thiện thể chế phát triển và tăng cường liên kết vùng. Tập trung phát triển công thương nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học, công nghệ. 

Liên kết vùng miền Trung - Tây Nguyên đặt ra cấp thiết để phát triển mạnh ngành công thương 15 tỉnh, thành phố. Ảnh: NGỌC SÁNG
Liên kết vùng miền Trung - Tây Nguyên đặt ra cấp thiết để phát triển mạnh ngành công thương 15 tỉnh, thành phố. Ảnh: NGỌC SÁNG

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đi sâu phân tích một số điểm yếu về liên kết ngành công thương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã cho rằng, các địa phương chưa phối hợp đồng bộ để hình thành các trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển của toàn vùng. Chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù riêng đối với vùng nên chưa khuyến khích, phát huy được tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại. 

Giải pháp để tăng liên kết vùng ngành công thương các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên là cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, hợp tác phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. “Các tỉnh, thành cần thường xuyên trao đổi thông tin giữa các địa phương nhằm tạo cơ chế phối hợp, chú trọng hợp tác về đầu tư, liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong khu vực” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Tính đến tháng 9/2023, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có 11 khu kinh tế với tổng diện tích trên 304.383ha; với 726 dự án đăng ký đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện 1.715.030 tỷ đồng, tạo việc làm cho 99.962 lao động. Các tỉnh trong khu vực đã quy hoạch phát triển 75 khu công nghiệp.

Đến nay, có 240 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập với tổng diện tích 7.167ha; có 193 CCN với tổng diện tích 5.779ha đi vào hoạt động, thu hút 2.147 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký của các dự án là 51.791 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 90 nghìn lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết vùng, thúc đẩy phát triển công thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO