[LIVE] - Giao lưu trực tuyến về bảo hiểm xã hội tự nguyện

QNO 09/12/2020 08:05

(QNO) - Lúc 8h00 sáng nay 9.12.2020, tại phòng giao lưu trực tuyến Bảo hiểm xã hội Quảng Nam (số 108 Trần Quý Cáp, TP.Tam Kỳ) diễn ra cuộc giao lưu trực tuyến về các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong các chính sách an sinh xã hội mới của Đảng và Nhà nước ta, bắt đầu thực hiện từ ngày 1.1.2008 theo quy định của Luật BHXH năm 2006. Với mục tiêu từng bước thực hiện BHXH cho mọi người lao động, BHXH tự nguyện được coi là “tấm lưới” an sinh cho người lao động trong khu vực phi chính thức.

Quang cảnh buổi giao lưu.
Quang cảnh buổi giao lưu.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu, chưa thực sự tin tưởng vào giá trị của BHXH tự nguyện, cũng như vai trò của nó đối với cuộc sống của họ trong tương lai. Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, vẫn còn tới hơn 70% số người được hỏi là chưa biết tới chính sách BHXH.

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam phát biểu khai mạc buổi giao lưu.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam phát biểu khai mạc buổi giao lưu.

Tham gia buổi giao lưu có ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo các phòng ban, khách mời tham gia giải đáp các thắc mắc của người dân; nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam.

Khai mạc buổi giao lưu trực tuyến, nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam khẳng định, chính sách BHXH là một công cụ hữu hiệu, mang tính xã hội to lớn, mang tính nhân văn sâu sắc giúp con người vượt qua khó khăn, rủi ro phát sinh trong cuộc sống và trong quá trình lao động như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, già yếu, mất khả năng lao động… BHXH ngày càng trở thành nền tảng cơ bản cho an sinh xã hội của mỗi quốc gia, của mọi thể chế nhà nước và được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới.

 

Năm 2020 là năm nhiều biến cố xảy ra trên toàn cầu, trong đó đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới suy sụp, nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, số người chết vì đại dịch không ngừng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại một khi vắc xin đặc trị chưa thực sự được triển khai thành công.

Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng may mắn vẫn là nơi chưa hứng chịu hậu quả thảm khốc do Covid-19 nhờ chính sách phòng chống đúng đắn và nỗ lực tuyệt vời của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, tình hình thiên tai khắc nghiệt xảy ra khiến nhiều địa phương miền núi gánh chịu hậu quả nặng nề, mất mát nhiều nhân mạng, tài sản và hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, có thể mất nhiều tháng, nhiều năm mới có thể tái thiết ổn định…

 

“Tất cả những điều nói trên mang đến cho chúng ta nhận thức rằng, sự bất an, mất mát, tổn thương… là mối đe doạ thường nhật của loài người. Hơn bao giờ hết, mọi người trong xã hội cần sự nâng đỡ hữu hiệu từ “tấm lưới” an sinh của BHXH”.

"Làm sao để mọi người có được lương hưu khi về già; làm sao để mọi đối tượng trong xã hội dễ dàng tiếp cận và tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình để được chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình? Làm sao để những thông điệp hết sức ý nghĩa này thực sự đến được nhóm nông dân, lao động phi chính thức...?Vì những lý do trên, buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức với hy vọng sẽ giúp mọi người dân, người lao động tiếp cận được với chính sách BHXH tự nguyện, góp phần tăng diện bao phủ BHXH trong toàn tỉnh" - ông Nguyễn Hữu Đổng phát biểu tại buổi giao lưu.

 
Bạn đọc doanvan...@gmail.com hỏi: Con tôi năm nay đã 35 tuổi, cháu bị khuyết tật bẩm sinh, bị suy giảm khả năng lao động 61%. Gia đình muốn tham gia BHXH tự nguyện cho cháu để sau này cháu có lương hưu hằng tháng có được không?

BHXH Quảng Nam trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, đối tượng: Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, con của bạn có thể tham gia BHXH tự nguyện để khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng thì được hưởng lương hưu.

Bạn đọc hoahuongduo...@gmail.com hỏi: Tôi là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu ở mức cao hơn có được không?

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Điểm I, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên không thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.

 
Bạn đọc Nguyễn Văn Đông (Thăng Bình) hỏi: Vợ tôi có hộ khẩu ở Lâm Đồng và tham gia BHYT theo hộ gia đình ở đó. Nay vợ tôi muốn tách khẩu để chuyển ra Quảng Nam cùng với tôi. Vậy các chế độ BHYT mà vợ tôi tham gia có bị ảnh hưởng gì không?

Ông Bùi Tấn Phước - Phó Trưởng phòng Giám định BHYT BHXH Quảng Nam trả lời: Hiện nay, người tham gia BHYT có thể đi khám chữa bệnh tại tất cả bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc và được quỹ BHYT chi trả 100% trong phạm vi và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT. Do đó, quyền lợi BHYT của vợ ông không bị ảnh hưởng khi chuyển ra Quảng Nam.

Tuy nhiên, nếu vợ ông có đăng ký tạm trú ở Quảng Nam thì được đi khám, chữa bệnh BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh tương đương với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ.

Để đảm bảo quyền lợi BHYT của mình, đề nghị vợ ông đăng ký tạm trú tại Quảng Nam và tiếp tục mua thẻ BHYT có thời hạn sử dụng tiếp nối với ngày hết hạn của thẻ BHYT cũ (trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng).

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH Quảng Nam:

Bạn đọc phuocnguyen...@gmail.com hỏi: Các chế độ BHXH tự nguyện bao gồm các chế độ nào? Tôi tham gia BHXH tự nguyện, vậy khi sinh con tôi có được hưởng chế độ thai sản hay không?

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Theo quy định của Luật BHXH tự nguyện gồm hai chế độ: hưu trí và tử tuất. Như vậy khi sinh con bạn không được hưởng chế độ thai sản.

Bạn đọc haminhth...@gmail.com hỏi: Tôi là lao động nữ sinh ngày 12.1.1965 đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH (tính đến tháng 11.2020 đã đóng được 12 năm). Vậy thì người lao động có được xét hưởng lương hưu không? Nếu người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu thì phải làm như thế nào? Và xin cho biết cách tính và mức hưởng lương hưu.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Bạn đóng một lần 8 năm để đủ 20 năm đóng BHXH để nghỉ hưởng lương hưu sau tháng đóng (đóng tháng 12.2020 để hưởng tháng 1.2021, vì sang tháng 2.2021 phải theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP). Về cách tính và mức hưởng lương hưu: 15 năm đầu đóng BHXH = 45%, 5 năm còn lại x 2%/năm = 10%. Tổng cộng: 55%.

 
Bạn đọc sangtran...@gmail.com hỏi: Tôi đóng BHXH bắt buộc với hệ số lương 2,65, nay muốn chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Vậy, mức đóng như thế nào? Cần làm những thủ tục gì?

BHXH Quảng Nam trả lời: Theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, mức đóng BHXH tự nguyện cụ thể như sau:

Mdt = 22% x Mtnt

Trong đó:

- Mdt: Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng.

- Mtnt: Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)

Trong đó:

- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.

Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng được tính bằng công thức sau:

Mht = k × 22% × CN

Trong đó:

- k: Tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%), cụ thể: k = 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k = 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k = 10% với các đối tượng khác.

 
Bạn đọc linhphuonghu...@gmail.com hỏi: Cô của tôi năm nay 56 tuổi, đóng BHXH được 6 năm và giờ cô muốn nghỉ việc. Cô của tôi dự định tham gia BHXH tự nguyện. Tôi muốn hỏi, trong 1 năm thì cô của tôi có thể đóng tối đa bao nhiêu lần?

Ông Võ Thanh Tuyển - Phó Trưởng phòng Quản lý thu BHXH Quảng Nam trả lời: Theo quy định tại Điều 87 Luật BHXH quy định phương thức đóng BHXH tự nguyện như sau: 1. Đóng hằng tháng; 2. Đóng 3 tháng một lần; 3. Đóng 6 tháng một lần; 4. Đóng 12 tháng một lần; 5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; 6. Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Trường hợp đang tham gia BHXH bắt buộc thì đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu vào tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Cô của bạn có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng nói trên.

Bà Nguyễn Thị Thu - xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ:

Bạn đọc haphuonghoa...@yahoo.com hỏi: Ba tôi năm nay 70 tuổi, mẹ 65 tuổi, chưa đóng BHXH tự nguyện bao giờ. Nay tôi muốn đóng BHXH tự nguyện một lần cho ba mẹ để hưởng hưu trí thì cần đáp ứng các điều kiện gì? Gia đình bà là hộ cận nghèo thì cần chuẩn bị những hồ sơ, giấy tờ gì?

Ông Võ Thanh Tuyển - Phó Trưởng phòng Quản lý thu BHXH Quảng Nam trả lời: Ba mẹ bạn đã đủ tuổi nghỉ hưởng chế độ hưu trí nhưng chưa tham gia đóng BHXH nên bạn không thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho ba mẹ bạn để hưởng chế độ hưu trí. Bạn có thể lựa chọn các phương thức đóng được quy định tại Điều 87 Luật BHXH, cụ thể như sau: 1. Đóng hằng tháng; 2. Đóng 3 tháng một lần; 3. Đóng 6 tháng một lần; 4. Đóng 12 tháng một lần; 5. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; 6. Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Trường hợp đang tham gia BHXH bắt buộc thì đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu vào tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác. Mức hỗ trợ tiền đóng hằng tháng được tính bằng công thức sau: Mht = k × 22% × CN. Trong đó: - k: Tỷ lệ phần trăm hỗ trợ của Nhà nước (%), cụ thể: k = 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; k = 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; và k = 10% với các đối tượng khác. - CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là mức chuẩn hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định tại thời điểm đóng (đồng/tháng).

 
Bạn đọc phamhuu...@gmail.com hỏi: Tôi đóng BHXH từ tháng 8.2019 đến 6.2020, do công ty nghỉ vì dịch Covid-19 từ tháng 7.2020 đến nay và không được đóng BHXH. Mà trước khi nghỉ dịch tôi đã có thai hơn 1 tháng, dự sinh vào ngày 28.2.2021. Như vậy tôi khi sinh xong em có được hưởng được chế độ thai sản không? Nếu không thì có cách nào để tôi đóng?

Bà Dương Thị Kim Khánh - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Điều 31 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định, người lao động sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Theo đó, trường hợp của bạn dự sinh ngày 28.2.2021, vậy thời gian 12 tháng trước khi sinh của bạn được tính từ tháng 2.2020 đến tháng 1.2021. Trong khoảng thời gian này bạn có 5 tháng đóng BHXH nên không đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Bạn đọc myha...@gmail.com hỏi: Tôi đi làm và tham gia BHXH tại doanh nghiệp được hơn 2 năm. Giờ tôi không làm việc tại doanh nghiệp nữa mà về nhà kinh doanh nhỏ. Tôi đã có sổ bảo hiểm. Bây giờ tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện. Tôi có thể tham gia BHXH tự nguyện và có thể dùng sổ bảo hiểm đã được cấp để đóng tiếp được hay không? Thời điểm tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện là tháng 4.2017, tôi xin cảm ơn.

Ông Châu Quang Thu - Trưởng phòng Cấp sổ, thẻ BHXH Quảng Nam trả lời: Khi bạn không còn làm việc tại doanh nghiệp thì bạn không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bạn đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Bạn dùng sổ BHXH đã được cấp để đóng tiếp BHXH tự nguyện, thời gian tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cộng với thời gian tham gia BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp để tính hưởng hưu trí, tử tuất. Thời điểm tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày bạn đăng ký và đóng đủ tiền. Để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, đề nghị bạn liên hệ với đại lý thu BHXH nơi bạn cư trú để hướng dẫn đầy đủ.

Bà Thái Thị Bích Thọ - phường An Xuân, TP.Tam Kỳ:

Bạn đọc danghaha...@yahoo.com hỏi: Tôi mới được nghe giới thiệu đến ứng dụng VssID - BHXH số trên truyền hình, nhưng tôi chưa hiểu là như thế nào? Quý cơ quan có thể giới thiệu để làm rõ?

BHXH Quảng Nam trả lời: VssID - BHXH số là ứng dụng chạy trên nền tảng thiết bị di động đã chính thức được cơ quan BHXH Việt Nam công bố đưa vào hoạt động từ ngày 16.11.2020. Đây là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số phục vụ người dân của ngành BHXH. Việc cài đặt, sử dụng đơn giản, thuận tiện.

Sau đây là những tiện ích của VssID:

1. Tra cứu thông tin quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người tham gia;

2. Tra cứu thông tin hưởng các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, khám chữa bệnh BHYT;

3. Tra cứu mã số BHXH, thời hạn sử dụng của thẻ BHYT;

4. Tra cứu địa chỉ cơ quan BHXH, đại lý thu BHXH gần nơi bạn ở nhất;

5. Tra cứu cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH;

6. Hỗ trợ trực tuyến 24/7 (trả lời tự động, tổng đài hỗ trợ - 19009068, câu hỏi thường gặp…) 7. Các tin tức, hoạt động của ngành BHXH, các hệ thống văn bản các chế độ BHXH, BHYT, BHTN;

8. Hướng tới thay thế thẻ BHYT, sổ BHXH bằng giấy.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thông tin về ứng dụng này trong các link sau:

>> [Video] - Trải nghiệm về ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số

>> Những ích trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số

Bạn đọc unghoatp...@gmail.com hỏi: Tôi tham gia BHXH bắt buộc tại công ty được 3 năm 8 tháng. Đến tháng 6.2018 tôi xin nghỉ việc để ở nhà dưỡng thai. Tôi đã nhận BHTN, nhưng chưa nhận BHXH. Hiện tại tôi muốn đi làm công ty lại, thì phải đóng BHXH từ thời điểm tôi bắt đầu đi làm lại hay có thể đóng luôn phần BHXH mà tôi chưa đóng kể từ thời điểm nghỉ việc hay không?

Ông Võ Thanh Tuyển - Phó Trưởng phòng Quản lý thu BHXH Quảng Nam trả lời: Thời gian bạn nghỉ việc, không hưởng tiền lương, tiền công thì bạn không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Khi nào bạn đi làm lại và thực hiện giao kết hợp đồng lao động có thời gian từ 1 tháng trở lên thì bạn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và đóng từ thời điểm hợp động lao động có hiệu lực. Thời gian bạn đã đóng BHXH trước đây được cộng dồn để tính là thời gian đóng BHXH.

 
Bạn đọc maikaph...@gmail.com hỏi: Tôi đóng BHXH tự nguyện thì đến đâu để làm thủ tục? Có bao nhiêu mức đóng? Đóng tiền trong thời gian bao lâu? Nếu muốn nhận lương hưu mức 3, 4, 5 triệu đồng/tháng thì cần đóng bao nhiêu tiền? Đến bao nhiêu tuổi thì được nhận lương hưu?

Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH Quảng Nam trả lời: Thứ nhất, về hồ sơ, thủ tục tham gia BHXH tự nguyện căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 97 của Luật BHXH 2014: “Điều 97. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH 1. Hồ sơ đăng ký tham gia BHXH lần đầu bao gồm: b) Tờ khai tham gia BHXH của người lao động”. Điều luật trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau: “Điều 24. Đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH 1. Thành phần hồ sơ: 1.1. Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). 1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS). 2. Số lượng hồ sơ: 1 bộ”.

Như vậy, để tham gia BHXH tự nguyện, bạn cần điền tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH theo mẫu TK1-TS và nộp cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú. Và nếu bạn chưa có sổ bảo hiểm thì cơ quan BHXH sẽ cấp sổ bảo hiểm cho bạn trong thời hạn quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều 99 Luật BHXH 2014: “b) 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu”.

Theo đó, sau khi nhận đủ hồ sơ của bạn, cơ quan BHXH sẽ cấp sổ bảo hiểm cho bạn trong thời hạn 7 ngày, nếu bạn tham gia BHXH lần đầu. Thứ hai, về mức đóng BHXH tự nguyện: Được tính dựa trên tỷ lệ % đóng BHXH tự nguyện nhân với mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện chọn. Từ tháng 1.2014 trở đi: Tỷ lệ % đóng BHXH tự nguyện là 22%. Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn cao nhất bằng 20 tháng lương cơ sở, thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn, hiện nay là 700.000 đồng. Thứ ba, mức lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện theo Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng với số tiền:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH:

Trong đó: - Tỷ lệ hưởng lương hưu: Từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm như sau: Lao động nam nghỉ hưu năm 2020 sẽ 18 năm, nghỉ hưu năm 2021 là 19 năm và 20 năm đối với người nghỉ hưu từ năm 2022. Trong khi đó, đối với lao động nữ là 15 năm. Sau đó cứ mỗi năm, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. - Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH: Bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. Thứ tư, để nhận lương hưu mức 3, 4, 5 triệu đồng/tháng theo như bạn hỏi, chúng tôi ước tính tại thời điểm hiện tại bạn phải tham gia đóng BHXH từ hơn 820 nghìn đồng/tháng trở lên để hưởng mức lương như trên. Thứ năm, về tuổi nghỉ hưu: Căn cứ quy định tại Điều 73 Luật BHXH, người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời đối với nam là đủ 60 tuổi, nữ là đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Bạn đọc Trần Hoàng Dương (hoangduongl...@gmail.com) hỏi: Tôi tham gia BHXH từ tháng 2.2009 - 10.2015 thì nghỉ việc. Tuy nhiên công ty chỉ thanh toán BHXH đến 1.2015, đến nay công ty (ở TP.Hồ Chí Minh) đã phá sản. Vậy, sổ tôi được chốt đến 1.2015 thì hiện nay tôi đem sổ thanh toán BHXH một lần được không?

Ông Châu Quang Thu - Trưởng phòng Cấp sổ, thẻ BHXH Quảng Nam trả lời: Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Bạn nghỉ việc vào tháng 10.2015 nên đủ điều kiện về thời gian sau 1 năm, tuy nhiên để được giải quyết chế độ BHXH một lần thì sổ BHXH phải xác nhận quá trình đóng đến 10.2015.

Bà Đoàn Thị Vân - xã Bình Triều, Thăng Bình:

Bạn đọc Trần Thị Ánh (Thăng Bình) hỏi: Chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chỉ gồm 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Vậy xin hỏi ngành BHXH việc cải cách chính sách BHXH trong tương lai có bổ sung thêm các chế độ khác như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động... nhằm tăng thêm tính hấp dẫn của chính sách và thu hút được người dân tham gia hay không?

Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH Quảng Nam trả lời: BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội và để tăng tính hấp dẫn thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là ở mức đóng phí. Từ năm 2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ số tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện là 700.000 đồng). Cụ thể, hỗ trợ 30% mức đóng đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, mức hỗ trợ đóng hiện nay còn thấp (10% với đối tượng khác ngoài hộ nghèo, cận nghèo) khiến người dân không mấy mặn mà với chính sách BHXH tự nguyện.

Một nguyên nhân quan trọng khác nữa khiến BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn đối với người dân là ở mức hưởng. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp nhưng chính sách BHXH tự nguyện chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện nên mở rộng thêm các chế độ hưởng để người có nhu cầu mở rộng thêm quyền lợi được tham gia. Ngoài ra, có thể tích hợp thêm chính sách BHYT, để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT.

Nhằm tăng thêm tính hấp dẫn của chính sách và thu hút được người dân tham gia Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt nhằm thu hút người lao động đến với chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh quy định giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm (hiện nay quy định 20 năm) theo Nghị Quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Đồng thời tăng hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Bạn đọc ptx...@yahoo.com hỏi: Độ tuổi để hưởng lương hưu của đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hiện tại đã thay đổi, vậy thì đối với người tham gia BHXH tự nguyện có thay đổi không, hay vẫn giữ nguyên là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ? Thời gian đóng BHXH tự nguyện để hưởng hưu trí sau này có thay đổi hay không? Hay vẫn giữ nguyên là 20 năm?

Bà Dương Thị Kim Khánh - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Theo quy định tại Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Cũng theo quy định tại Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, thời gian đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu là đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Bạn đọc Văn Thị Nhà (Bắc Trà My) hỏi: Theo quy định của Luật BHYT, đến ngày 1.1.2021 sẽ thông tuyến tỉnh. Vậy việc thông tuyến này được hiểu như thế nào? Ví dụ tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã Tam Vinh (Phú Ninh), thì tôi có được quyền đi khám chữa bệnh nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và được hưởng hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT hay không?

Bác sĩ Bùi Tấn phước - Phó Trưởng phòng BHYT BHXH Quảng Nam trả lời: Theo Luật 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ngày 13.6.2014 sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau: Mục 6. Quy định từ ngày 1.1.2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại Khoản 1 điều này cho người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Bạn đọc myphuongln...@gmail.com hỏi: Tôi năm nay 45 tuổi, đã đóng BHXH tại công ty được 15 năm 6 tháng. Sau đó tôi nghỉ việc và tham gia BHXH tự nguyện. Nếu chết thì giải quyết chế độ như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Trường hợp người lao động tham gia BHXH chết thì thân nhân được hưởng: Tuất hàng tháng: là con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người cha chết mà người mẹ đang mang thai; vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật vê hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đổi với nam, từ đủ 55 tuối trở lên đối với nữ; cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Thân nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng dưới mức lương cơ sở (trừ khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công) thì được hưởng tuất hàng tháng không quá 4 thân nhân, mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng bằng 70% mức lương cơ sở.

Trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở (năm 2020 là 14.900.000 đồng, và thay đổi mức hưởng khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở). Ngoài ra nếu không có thân nhân hưởng tuất hàng tháng thì được hưởng trợ cấp tuất một lần, mức hưởng được tính 1,5 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH trước năm 2014 và bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

Bạn đọc Trần Văn An (Phú Ninh) hỏi: Nếu tôi tham gia BHXH tự nguyện thì thân nhân của tôi sẽ được hưởng chế độ gì nếu không may tôi đột ngột qua đời?

Bà Dương Thị Kim Khánh - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định, người lao động đang đóng BHXH tự nguyện, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện, khi chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất. Mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho thời gian đóng BHXH trước năm 2014; tính bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp người lao động có thời gian đóng chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH; trường hợp người lao động có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.

Ngoài ra, nếu người lao động có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên, khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng. Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.

Bạn đọc Huỳnh Mạnh Trường hỏi: Người dân khi hết tuổi lao động nhưng đã đóng BHXH tự nguyện được 19 năm 11 tháng thì có được làm tròn thành 20 năm không hay phải đóng thêm cho đủ 20 năm?

Ông Võ Thanh Tuyển - Phó Trưởng phòng Quản lý thu BHXH Quảng Nam trả lời: Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ về điều kiện nghỉ hưu: Người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu khi có từ đủ 20 năm (mỗi năm đủ 12 tháng) đóng BHXH tự nguyện trở lên và đủ tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định. Trường hợp của ông phải đóng BHXH tự nguyện thêm ít nhất 1 tháng để được hưởng chế độ hưu trí.

Bạn đọc khongph...@gmail.com hỏi: Công ty của tôi chuẩn bị giải thể, hiện công ty có trường hợp người lao động nữ đã đóng đủ 20 năm BHXH, nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu và không muốn đi làm tiếp nữa. Vậy, người lao động này chỉ cần chờ đến tuổi để hưởng lương hưu hay phải tham gia tiếp BHXH tự nguyện đến khi đủ tuổi hưu?

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Người lao động có thể chờ đến khi đủ tuổi đời để hưởng lương hưu, hoặc có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để nâng tỷ lệ hưởng lương hưu.

Bạn đọc Nguyễn Thị Lan (Núi Thành) hỏi: Tôi năm nay 40 tuổi, đang làm công việc bán thời gian tại công ty. Nếu tôi muốn trở thành đại lý thu của BHXH thì tôi phải đáp ứng những điều kiện gì? Và tôi cần liên hệ với cơ quan BHXH làm thủ tục như thế nào để trở thành đại lý thu, góp phần mở rộng người tham gia chế độ BHXH tự nguyện, BHYT?

Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH Quảng Nam trả lời: Điều kiện làm đại lý thu BHXH: Đối với UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp:

- Là pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc được tổ chức cấp trên bảo lãnh đối với tổ chức không không đảm bảo đủ điều kiện là pháp nhân.

- Có nhân viên do đơn vị quản lý và sử dụng đảm bảo các điều kiện theo quy định.

- Cam kết bồi thường khi để xảy ra thất thoát tiền thu BHXH, BHYT hoặc gây thiệt hại cho cơ quan  BHXH và người tham gia  BHXH, BHYT.

Đối với tổ chức kinh tế:

- Là pháp nhân theo quy định của bộ luật dân sự.

- Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Có nhân viên do đơn vị quản lý đảm bảo các điều kiện theo quy định.

- Có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cho đại lý thu trong quá trình thực hiện hợp đồng đại lý thu.

Ngoài các nội dung theo quy định của pháp luật cam kết bảo lãnh phải bổ sung thêm về nội dung về việc bên bảo lãnh tổ chức tín dụng cam kết thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh, tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện hợp đồng làm đại lý thu là thanh toán vô điều kiện cho bên nhận bảo lãnh cơ quan BHYT khi toàn bộ số tiền thu BHXH, BHYT và tiền lãi nếu có trong trường hợp bên được bảo lãnh để thất thoát nộp không đủ nộp không đúng thời hạn theo quy định hoặc gây thiệt hại cho người tham gia BHYT hay cơ quan BHXH vì bất cứ lý do gì.

Đối chiếu với quy định trên thì cơ quan BHXH chỉ thực hiện hợp đồng đại lý thu BHXH, BHYT đối với tổ chức, trường hợp bạn có nguyện vọng làm công tác BHXH, BHYT thì bạn có thể liên hệ với cơ quan đơn vị, tổ chức đã ký hợp đồng làm đại lý thu BHXH, BHYT với cơ quan BHXH (hiện nay UBND xã, phường, thị trấn hoặc hệ thống bưu điện) để xin được làm nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT nếu đủ điều kiện. 

Bạn đọc hoangvan...@gmail.com hỏi: Tôi 53 tuổi, có 32 năm đóng BHXH, mức lương 4,98 vượt khung 11%. Tôi muốn nghỉ hưu vào cuối năm 2020, sẽ được những chế độ gì? Quyền lợi gì? Xin cám ơn.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời: Trường hợp của bạn (là nam) thì phải giám định khả năng suy giảm khả năng lao động 81% trở lên; còn nữ giám định khả năng suy giảm khả năng lao động 61% trở lên để hưởng lương hưu hàng tháng và cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh.

Bạn đọc hoatuongvy...@yahoo.com hỏi: Tôi tham gia BHXH tại cơ quan A đến tháng 5.2018 được 2 năm 7 tháng. Sau đó tôi thử việc tại công ty B tháng 6.2018 và đóng BHXH ở đây từ tháng 7.2018. Đến tháng 2.2019, thai yếu tôi phải nghỉ việc hẳn. Tôi dự sinh vào 2.9.2019, như vậy tôi có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không? Xin cơ quan BHXH Quảng Nam giải đáp giúp.

Bà Dương Thị Kim Khánh - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH Quảng Nam trả lời: Điều 31 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định, người lao động sinh con phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Trường hợp lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo đó, trường hợp của bạn dự sinh con ngày 2.9.2019, vậy thời gian 12 tháng trước khi sinh con của bạn được tính từ tháng 9.2018 đến tháng 8.2019. Trong khoảng thời gian này nếu bạn có đủ 6 tháng đóng BHXH hoặc có đủ 3 đóng BHXH đối với trường hợp phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì bạn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Bạn đọc Huỳnh Thị Thiện (TP.Tam Kỳ) hỏi: Hiện nay, tôi đang ở phường An Phú (TP.Tam Kỳ), tôi muốn tham gia đóng BHXH tự nguyện thì liên hệ ở đâu? Xin cảm ơn!

Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH Quảng Nam trả lời: Để tham gia BHXH tự nguyện, bạn có thể đến điểm thu BHXH tự nguyện tại UBND phường An Phú hoặc điểm thu Bưu điện phường An Phú.

 
 

Cuộc giao lưu trực tuyến giữa BHXH Quảng Nam và Báo Quảng Nam đã kết thúc vào lúc 11h ngày 9.12.2020. Cho đến thời điểm kết thúc, chúng tôi đã nhận được hơn 50 câu hỏi về chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, BHYT của bạn đọc gửi tới.

Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận câu hỏi của bạn đọc qua địa chỉ toasoan@baoquangnam.vn; toasoanqno@gmail.com bhxh@quangnam.vss.gov.vn . Câu hỏi của bạn đọc sẽ liên tục được chúng tôi gửi tới cơ quan BHXH trả lời, cập nhật trên website baoquangnam.vnquangnam.baohiemxahoi.gov.vn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[LIVE] - Giao lưu trực tuyến về bảo hiểm xã hội tự nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO