Quy hoạch - Đầu tư

Loay hoay bán đấu giá cát từ nạo vét sông Cổ Cò

QUỐC TUẤN 14/05/2024 09:40

Khoảng 1,3 triệu mét khối cát từ việc nạo vét sông Cổ Cò sau hai lần đấu giá vẫn chưa thể bán, các ngành chức năng đang tính toán lại giá bán mới phù hợp để có người mua.

dji_0305.jpeg
Cát nạo vét từ sông Cổ Cò tập kết dọc theo bờ sông gần cầu Nguyễn Duy Hiệu. Ảnh: Q.T

Bán nhưng… không ai mua

Việc triển khai dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (dự án thành phần thuộc dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An) đã tạo ra một lượng cát lớn khoảng 1,3 triệu mét khối.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, việc nạo vét luồng sông Cổ Cò đoạn qua TP.Hội An thực hiện được khoảng 64% khối lượng, đoạn qua thị xã Điện Bàn thực hiện được khoảng 48% thì nhà thầu đang tạm dừng thi công do thiếu mặt bằng thi công và các bãi chứa đã đầy cát.

Từ năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã 2 lần tổ chức đấu giá tài sản vật liệu cát sau nạo vét sông Cổ Cò (vào tháng 10 và 11/2022) nhưng đều không có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá.

Nguyên nhân đấu giá không thành được cho là do khối lượng đấu giá một lần quá lớn, sau khi trúng đấu giá phải nộp ngay khoản tiền gần 200 tỷ đồng nên các đơn vị không đủ khả năng tài chính và bến bãi để chứa số lượng cát trên sau khi trúng đấu giá.

Đồng thời cũng có quan ngại về đường vận chuyển do đường nối từ bãi chứa ra ngoài là đường bê tông nhỏ hẹp trong khi chở cát cần xe vận tải lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh, an toàn giao thông…

20240512_071913.jpg
Theo kết quả thí nghiệm thì cát này bị nhiễm mặn không dùng cho xây dựng, chỉ dùng làm vật liệu cho san lấp các khu đô thị, đắp nền một số hạng mục cho các công trình. Ảnh: Q.T

Ngoài ra, qua khảo sát của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, vật liệu cát sau nạo vét có nhiều tạp chất, hữu cơ và theo hồ sơ đánh giá môi trường cũng như kết quả thí nghiệm vật liệu của Công ty TNHH Tư vấn và kiểm định Á Châu thì cát này bị nhiễm mặn không dùng cho xây dựng được (cát xây, cát tô), chỉ dùng làm vật liệu cho san lấp các khu đô thị, đắp nền một số hạng mục cho các công trình.

Trong khi đó thời gian qua, hầu hết dự án khu đô thị trong khu vực triển khai cầm chừng nên nhu cầu vật liệu san lấp không cao. Các dự án cần đắp nền đường, công trình khác thì không thể mua với mức đấu giá do quá cao so với giá đất đắp công bố của Sở Xây dựng.

Nghiên cứu phương án khả thi

Sau hơn 2 năm triển khai, việc tổ chức bán đấu giá cát sau nạo vét trên sông Cổ Cò vẫn chưa thành. Trong khi đó, đây là yêu cầu cấp thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò; TP.Hội An cũng phải đảm bảo hoàn trả mặt bằng bãi chứa cho các nhà đầu tư theo cam kết và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã có giải trình và đề xuất phê duyệt điều chỉnh giảm giá khởi điểm từ 144 nghìn đồng/m3 xuống 119 nghìn đồng/m³ để tiếp tục tổ chức bán đấu giá theo quy định.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó Sở Tài chính đánh giá việc xác định nguyên nhân đấu giá không thành và đề xuất điều chỉnh giảm giá khởi điểm là không có cơ sở; các thông tin đơn vị tư vấn thu thập sử dụng để so sánh, ước tính giá khởi điểm không đảm bảo tính pháp lý dẫn đến Chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn chưa tuân thủ đúng theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và đề nghị xác định lại đúng nguyên nhân đấu giá không thành, đề xuất phương án giải quyết phù hợp nhất.

dji_0399.jpeg
Việc tổ chức bán đấu giá cát sau nạo vét trên sông Cổ Cò là yêu cầu cấp thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò. Ảnh: Q.T

Theo thông báo kết luận tại buổi làm việc mới đây của UBND tỉnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tiếp tục chủ trì tổ chức thực hiện việc bán đấu giá cát sau nạo vét của dự án này theo nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.

Đồng thời nghiên cứu theo hướng có thể phân chia khối lượng bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa, hoặc theo lô, bán nhiều đợt để tổ chức bán đấu giá đảm bảo tính khả thi, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế phương án đấu giá đã duyệt.

Ông Nguyễn Văn Thường - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho hay, sau 2 lần bán đấu giá không thành bây giờ phải làm lại giá mới.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị tư vấn giá phải đi kiểm tra lại giá mới tại thời điểm này đồng thời ban sẽ tiếp tục khảo sát giá trước khi báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay bán đấu giá cát từ nạo vét sông Cổ Cò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO