Loay hoay đầu tư tu bổ di tích

Thực hiện chuyên đề: SONG ANH 06/01/2019 00:52

Quảng Nam là địa phương đầu tiên có một quy chế riêng về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh (ban hành hồi năm 2015 – gọi tắt Nghị quyết 161), cũng như “chịu chi” cho các hạng mục bảo tồn, trùng tu di tích trên địa bàn với tổng mức kinh phí khoảng 80 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vướng mắc từ các địa phương lẫn ban ngành liên quan khi phải loay hoay thay đổi theo các nghị định, văn bản mới từ các cấp cao hơn.

Trùng tu di tích Chăm vẫn còn gặp khó trong giải pháp thi công, tu bổ, phải phê duyệt định mức riêng.
Trùng tu di tích Chăm vẫn còn gặp khó trong giải pháp thi công, tu bổ, phải phê duyệt định mức riêng.

"MẠNH TAY" CHO BẢO TỒN

Được nhìn nhận là chi “mạnh tay” trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích các cấp, Quảng Nam đã làm được khá nhiều phần việc để giữ gìn vốn liếng văn hóa, lịch sử quý báu.

Ba năm... gần 70 tỷ đồng

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam chia sẻ, số lượng di tích trên địa bàn tỉnh hiện còn khá nhiều, với 4 di tích quốc gia đặc biệt, 61 di tích quốc gia và 314 di tích cấp tỉnh. “Những di tích này đều đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết khắc nghiệt nên phần lớn đã xuống cấp và ngày càng nghiêm trọng” - ông Cẩm nói.

Từ năm 2015 về trước, Quảng Nam đã bố trí 42 tỷ đồng để đầu tư, tu bổ 16 di tích quốc gia và 37 tỷ đồng để tu bổ, dựng bia cho 85 di tích cấp tỉnh. Và để thêm nguồn lực kịp thời cứu vãn các di tích, năm 2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 161 về cơ chế đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Nghị quyết khá cụ thể: tu bổ và dựng nhà bia 27 di tích và hạng mục di tích quốc gia, 139 di tích cấp tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích với tổng mức đầu tư là 80 tỷ đồng. Trong đó, các dự án tu bổ di tích quốc gia chủ yếu từ ngân sách tỉnh. Các dự án tu bổ di tích cấp tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Sau khi Nghị quyết 161 có hiệu lực, trong vòng 3 năm từ 2016 - 2018, toàn tỉnh đã đầu tư, tôn tạo thêm 5 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh và dựng bia 55 di tích với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 40,7 tỷ đồng, nguồn huy động từ địa phương là hơn 21 tỷ đồng và huy động các nguồn khác là 8 tỷ đồng. “Chúng tôi nhận thấy qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 161 đã tạo cơ chế và nguồn lực cho các địa phương chủ động trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, tránh nguy cơ sụp đổ, đồng thời nâng cao nhận thức toàn xã hội về gìn giữ, bảo tồn di sản nhằm phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch tại địa phương” - ông Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc Sở VH-TT&DL nói. Tuy nhiên, nếu Sở VH-TT&DL đề nghị bố trí đủ 16 tỷ đồng để tu bổ di tích theo danh mục với lộ trình 5 năm, thì nguồn đối ứng từ các địa phương vẫn chưa nhiều (theo nhận định từ Sở VH-TT&DL).

Gặp khó từ nguồn đối ứng

Các di tích tại Quảng Nam không chỉ đơn thuần là di tích thuộc sở hữu Nhà nước, nhất là đối với quần thể di tích đặc biệt Hội An. Và đây chính là điều gây khó cho câu chuyện cân đối nguồn vốn tu bổ từ phía địa phương.

Ông Võ Đăng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, có đến hơn 1.000 di tích trên diện tích 1,6 km2 tại quần thể di sản, trong đó chủ sở hữu tư nhân chiếm 87%. “Từ quản lý Nhà nước và quy định pháp luật đến quản lý bảo tồn tu bổ tôn tạo đều gặp khó khăn. Trước đây, Hội An đã báo cáo với tỉnh, rằng các nghị định được ban hành mang tính chung chung đã gây khó cho ngành bảo tồn của Hội An. Chúng tôi đã xin làm một cơ chế riêng để phù hợp với đặc thù của di sản. Đối với phố cổ, chỉ có 12 - 13 di tích cấp quốc gia, hơn 20 cấp tỉnh, số còn lại nằm trong quần thể di sản - di tích quốc gia đặc biệt” - ông Võ Đăng Phong nói.

Nhằm dễ dàng “ứng xử”, Hội An đã phân loại 5 cấp di tích để thực hiện bảo vệ, đồng thời tiện quản lý, tu bổ phục hồi cũng như có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, tại địa phương này, mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ bố trí hỗ trợ cho 1 di tích cấp quốc gia, trong khi mật độ di tích lại tương đối nhiều. Ngân sách từ nguồn thu du lịch của Hội An phân bổ lại cho đầu tư bảo tồn di tích vẫn không thể nào đủ, đặc biệt đối với các di tích lịch sử ở vùng ven.

Cũng như vậy, ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chia sẻ, nguồn ngân sách tỉnh chi về địa phương quá ít ỏi, trong khi nguồn đối ứng từ địa phương phải gấp 3 - 4 lần con số như vậy. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam nói thêm, tu bổ di tích được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa. “Việc áp dụng quy định như xây dựng công trình dân dụng thông thường đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tu bổ. Do vậy, việc giao nhiệm vụ quản lý đầu tư chưa đồng nhất theo ngành từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố… cũng là điều gây khó khi bố trí vốn” - ông Cẩm nói.

Trong khi đó, tại các địa phương miền núi, nguồn ngân sách tỉnh về bố trí đầu tư tu bổ di tích gần như phải chiếm trên 50%. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, trong những năm qua, từ nguồn ngân sách mà các di tích quốc gia được bảo tồn và phát huy trong chuyện làm du lịch ở địa phương, như cụm địa đạo A Nông, ruộng bậc thang Chuol. Hiện tại, Tây Giang mong muốn được hỗ trợ kinh phí để tiếp tục đầu tư bảo tồn di tích đường Hồ Chí Minh vừa được công nhận.

Đến năm 2020, nguồn vốn 80 tỷ đồng sẽ phải kết thúc. Từ nay đến năm 2020, với danh mục di tích còn khá nhiều, liệu các địa phương có bố trí đủ nguồn đối ứng cho công tác bảo tồn, trùng tu, trong khi nguồn ngân sách tỉnh từ Nghị quyết còn lại khoảng 40 tỷ đồng?

THỜI CỦA TRÙNG TU CÔNG NGHỆ CAO

Cũng đã đến lúc khái niệm trùng tu cần phải thay đổi, cũng như việc quản lý di tích trên địa bàn cần phải bắt kịp các xu hướng phát triển của một xã hội hiện đại...

Di tích quốc gia Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn nhiều hạng mục đang được huyện tiếp tục tôn tạo.
Di tích quốc gia Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn nhiều hạng mục đang được huyện tiếp tục tôn tạo.

Sở VH-TT&DL đang lấy thêm các ý kiến từ địa phương để hoàn chỉnh bổ sung quyết định ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Quyết định này dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 1.2019, thay thế cho Quyết định 28 ban hành năm 2010. Theo đó, có rất nhiều điều khoản cũng như các nội dung mới trong công tác quản lý di tích với việc kết nối cùng nhiều sở ban ngành cũng như đề cao sự phối hợp và ngoại giao hợp tác văn hóa với các tổ chức, quốc gia khác.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, cần phải quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy di tích thời gian đến. Đồng thời, vai trò của cộng đồng và xã hội hóa việc bảo tồn di tích cần phải đặt ra trong quy chế mới, cũng như cần đánh giá lại việc hợp tác quốc tế đối với công tác bảo tồn và xác định điều này có vai trò quan trọng. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, sắp tới sở sẽ đưa dự án về cơ sở dữ liệu di tích vào vận hành. Việc hợp tác quốc tế sẽ được quan tâm mạnh mẽ hơn nữa bắt đầu từ năm 2019. Cùng với đó, nhiệm vụ về khoa học công nghệ sẽ được điều chỉnh bổ sung bằng sự phối hợp trong các quan điểm về kỹ thuật trùng tu, chất liệu... Ở một góc độ khác, ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, UBND cấp huyện cần nghiên cứu thành lập ban quản lý như thế nào để phù hợp đối với các di tích các cấp, và tỉnh cũng như Sở VH-TT&DL phải hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Các di tích nào cần có ban quản lý cũng phải được đưa ra với các tiêu chí cụ thể.     

Nhìn nhận về sự nỗ lực của Sở VH-TT&DL cũng như địa phương trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, việc ban hành một quy chế mới về bảo tồn trùng tu trong thời điểm này là điều đương nhiên, để thích hợp với các nghị định, văn bản từ Trung ương cũng như sự phát triển của xã hội. Ông Tân yêu cầu, quy chế mới phải tiếp thu ý kiến của các địa phương, xây dựng đề án bổ sung danh mục các di tích tu bổ báo cáo UBND tỉnh, và nhất thiết quy chế mới phải hoàn chỉnh trong tháng 1.2019 để ban hành kịp thời khi Nghị định 166 của Chính phủ có hiệu lực từ 15.2.2019. Các dự án đã phê duyệt trước thời hạn này tiếp tục thực hiện theo quyết định cũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị các địa phương tập trung nghiên cứu triển khai nghị định 166 cụ thể và yêu cầu Sở VH-TT&DL hướng dẫn các huyện thực hiện đúng Nghị định này.

Với sự kiểm soát chặt chẽ, việc thẳng thắn nhìn vào hiện trạng quản lý di tích lâu nay, Quảng Nam sẽ tiếp tục có từng bước đi chắc chắn để phát huy giá trị các di tích hữu hiệu.

NHIỀU VƯỚNG MẮC

Mức độ quan tâm cho tu bổ di tích tại Quảng Nam đã được nhìn thấy. Tuy nhiên, thực trạng đầu tư cho bảo tồn di tích ở các địa phương vẫn còn khá nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Muốn tu bổ công trình kiến trúc Chùa Cầu cần phải thông qua các thủ tục từ Bộ VHTT&DL cũng như tổ chức các hội thảo về giải pháp tu bổ.
Muốn tu bổ công trình kiến trúc Chùa Cầu cần phải thông qua các thủ tục từ Bộ VHTT&DL cũng như tổ chức các hội thảo về giải pháp tu bổ.

Chưa quan tâm quyền sử dụng đất tại di tích

Đại diện Phòng Văn hóa thông tin (VHTT) huyện Núi Thành khá bức xúc với câu chuyện về con đường do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai xây dựng đã xâm phạm đến một phần diện tích di tích Gành đá Miếu Bà (xã Tam Hiệp). Mặc dù đã nhiều lần làm việc cùng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cũng như kiến nghị đến các cấp, nhưng địa phương này đều chưa nhận được phản hồi. Một trong những lý do khiến câu chuyện còn dùng dằng vì di tích cấp tỉnh Gành đá Miếu Bà vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây cũng là khó khăn chung của hầu hết di tích trên địa bàn tỉnh, khi phần lớn di tích vẫn chưa được cấp các giấy tờ sở hữu về quyền sử dụng đất. “Việc xác lập quyền sử dụng đất của các di tích chưa được các địa phương, ngành chức năng quan tâm triển khai. Phần lớn địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các hồ sơ quản lý đất đai về di tích” - bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh nói.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 166 về Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nghị định quy định cụ thể nội dung quy hoạch di tích, trong đó cần phân tích, đánh giá hiện trạng di tích và đất đai thuộc di tích gồm: kết quả khảo sát, nghiên cứu về đặc điểm, giá trị di tích; tình trạng kỹ thuật, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phân tích đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích; hiện trạng về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, mối liên hệ di tích được quy hoạch với các di tích khác trong khu vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, xác định ranh giới khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp khu vực bảo vệ di tích; xác định khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm mới phát hiện. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15.2.2019.

Theo bà Thu, chính cái khó của địa phương nhưng địa phương chưa quan tâm là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích, nên mới xảy ra hiện tượng di tích bị xâm hại, xâm lấn. “Đề nghị các huyện xem xét rà soát việc cấp quyền sử dụng đất ở các địa phương liệu có vướng vấn đề này không. Lâu nay chúng ta chỉ mới cấp giấy chứng nhận cho di tích mới, còn các di tích cũ từ trước vẫn chưa có. Các công trình xây dựng của địa phương xâm lấn vào di tích, các yếu tố khác xâm hại di tích thì ngành quản lý vẫn không thể nói gì được” - bà Thu cho biết thêm. Trong khi đó, với di tích Gành đá Miếu Bà, dù địa phương đã cắm mốc khu vực bảo vệ di tích, nhưng lại không có giấy tờ về quyền sử dụng đất cũng như bản quy hoạch diện tích của di tích, nên rõ ràng rất khó để xử lý vụ việc xâm lấn như địa phương này nêu ra.

Cũng gặp tình trạng tương tự, đại diện Phòng VHTT huyện Đại Lộc cho biết, địa phương này cũng gặp khá nhiều bức xúc về quyền sở hữu, sử dụng đất tại các di tích. “Hiện nay trên địa bàn huyện có 27 di tích. Huyện muốn lập hồ sơ thủ tục về quyền sử dụng đất tại di tích thì buộc cấp xã phải làm nhiệm vụ đo đạc. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để làm công tác này cấp xã lại không có, vì phải thuê địa chính. Cho nên cần phải có cơ chế hỗ trợ để các địa phương làm chủ được khâu này thì mới tính tới chuyện lập thủ tục về quyền sử dụng đất” - đại diện đơn vị này đề xuất.

Chồng chéo quản lý

Việc phân cấp quản lý di tích cũng là điều gây khó cho các địa phương, đặc biệt đối với vấn đề liên quan đến phân bổ kinh phí, thực hiện trùng tu cũng như thu lợi sau khi đưa di tích vào phát huy giá trị. Đại diện Phòng VHTT huyện Núi Thành cho biết, địa phương này có đến 3 di tích cấp quốc gia, tuy nhiên, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam lại được giao quản lý di tích Nhà lưu niệm Võ Chí Công và nhóm tháp Chăm Khương Mỹ, trong khi Tượng đài Chiến thắng Núi Thành thì lại giao về cho huyện quản lý. “Vậy thì chúng tôi đề nghị tỉnh quản lý, lập hồ sơ tu bổ luôn Tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Còn nếu đưa về huyện thì đề nghị phải giao kinh phí và hoạt động cho huyện chủ quản. Cũng như vậy, vốn đối ứng đầu tư tu bổ chúng tôi bỏ ra hàng năm khá lớn. Ví dụ đình Xuân Mỹ Đông, tỉnh chỉ cho 400 triệu đồng, trong khi chúng tôi đầu tư làm hết 1,6 tỷ đồng. Chúng tôi chủ động được nguồn xã hội hóa và điều tiết được ngân sách từ huyện. Tuy nhiên, tổng số di tích của Núi Thành hiện có đến 150 di tích, chủ yếu là di tích lịch sử cách mạng, tỉnh chỉ mới lập hồ sơ công nhận có 35 di tích. Trong khi số lượng người  có công và gắn bó với di tích càng ngày càng lớn tuổi, họ trông đợi từng ngày việc công nhận di tích cấp tỉnh cho các địa chỉ đỏ này” - đại diện Phòng VHTT huyện Núi Thành nói.

Nhìn nhận về sự chồng chéo này, ông Phan Văn Cẩm cho biết, trong quá trình triển khai Nghị quyết 161, tỉnh cũng đã nhận thấy. “Đối với di tích quốc gia, có dự án giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, có dự án giao cho Sở VH-TT&DL, số khác lại giao cho địa phương có di tích làm chủ đầu tư. Đối với di tích cấp tỉnh, có địa phương giao cho Trung tâm VHTT hoặc Phòng VHTT, có dự án giao cho Ban quản lý Dự án đầu tư của huyện, thị xã thành phố” - ông Cẩm nói.  Sự chồng chéo này khiến nhiều di tích gặp trở ngại trong việc phát huy giá trị sau khi thực hiện công tác trùng tu.

Theo bà Trần Thị Bích Thu, việc lập hồ sơ tu bổ di tích các địa phương làm quá chậm chạp, một số địa phương làm hồ sơ không kịp thời gian để Sở KH-ĐT thẩm định. “Không phải không có nguồn nhưng do các địa phương làm thủ tục chậm trễ. Trong vòng ba năm mới chỉ giải ngân 40 tỷ đồng cho đầu tư, trong khi năm 2016 thì gần như rất ít. Tôi nghĩ các địa phương cần quan tâm đến việc làm thủ tục đầu tư cho các di tích thì mới có cơ hội được hỗ trợ sớm. Thêm nữa, công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích sau đầu tư vẫn chưa được quan tâm. Nhiều di tích hư hỏng nhưng địa phương không nắm. Việc phân công trách nhiệm quản lý cần phải tính toán lại” - bà Thu nói.

Thực hiện chuyên đề: SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Loay hoay đầu tư tu bổ di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO