Loay hoay giữ đàn chim yến Cù Lao Chàm
(QNO) – Hơn 10 năm qua, số lượng chim yến trên đảo Cù Lao Chàm sụt giảm khoảng 13 lần. Tuy nhiên, đến nay cơ quan hữu quan vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giữ đàn chim quý này.

Vùng thức ăn thu hẹp
Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Giám đốc Ban Quản lý và khai thác yến sào Hội An, có nhiều yếu tố khiến chim yến Cù Lao Chàm sụt giảm. Ngoài biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, người dân săn bắt ăn thịt, các nhà yến sử dụng thiết bị dẫn dụ chim bỏ đảo về đất liền…, thì việc vùng thức ăn bị thu hẹp đã khiến số lượng chim yến Cù Lao Chàm liên tục giảm sút.
“Trước đây bà con trên đảo Cù Lao Chàm còn trồng lúa, hoa màu nên có con trùng, sâu bọ cung cấp thức ăn cho chim yến, nhưng vài năm trở lại đây người dân bỏ lúa khiến nguồn thức ăn không còn, chim yến phải bay xa vào đất liền và bị các nhà yến dẫn dụ, không trở về” – ông Hải phân tích.
Đàn chim yến giảm khiến sản lượng khai thác tổ khá thấp. Nếu năm 2014 Ban Quản lý và khai thác yến sào Hội An thu hoạch hơn 1,3 tấn yến sào thì đến năm 2024 chỉ còn trên 1 tạ tổ, giảm khoảng 13 lần. Bù lại, yến Cù Lao Chàm chủ yếu bán thô cho các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc… với giá khá cao. Cụ thể, yến loại 1 (yến quang) trên 265 triệu đồng/kg; yến loại hai trên 190 triệu đồng/kg và yến loại 3 165 triệu đồng/kg
Việt Nam hiện có 2 phân loài chim yến cho tổ ăn được, gồm chim yến đỏ (chim bản địa sinh sống lâu đời) và chim yến nhà có chiều hướng di cư từ phía nam lên (trước năm 2000 không có) và ngày càng phát triển.
Đặc biệt, các nghiên cứu cho thấy, chất lượng yến đảo Cù Lao Chàm được đánh giá ngon nhất Việt Nam vì chứa nhiều vi lượng, dinh dưỡng giúp quá trình hấp thu các năng lượng, dưỡng chất trong tổ yến đi vào cơ thể trực tiếp. Trong đó, axit amin quan trọng nhất chính là acid sialic, chiếm tỷ lệ cao (khoảng 9% tổng thành phần tổ yến). Đây là chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus, phát triển trí não, rất quan trọng cho trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển não bộ; chống lão hóa và giúp làm đẹp da ở người trưởng thành.
Ngoài acid sialic, tổ yến còn chứa hơn 18 loại axit amin khác như Proline, glycine (hỗ trợ tái tạo tế bào, làm đẹp da), Tyrosine, phenylalanine (tăng cường hoạt động thần kinh), Arginine (hỗ trợ chức năng sinh lý nam giới)…

Tiến sĩ Võ Tấn Phong – Ban Quản lý và khai thác yến sào Hội An, chuyên gia về chim yến thừa nhận, chim yến Cù Lào Chàm đang đối diện nhiều thách thức. Đáng lo ngại nhất chính là nơi ở và vùng kiếm ăn, mặc dù chim yến là loài ăn tạp. Cạnh đó, do nơi ở ngày càng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu phức tạp, trống gió, mưa bão; các hang ngày càng ẩm ướt khó khăn cho chim khi về trú ngụ. Vì vậy, dù tuổi thọ chim yến Cù Lao Chàm tương đối cao (trung bình 12 năm, thậm chí 15-17 năm), nhưng tỷ lệ tử vong khá lớn.
Cần giải pháp căn cơ
Căn cứ số tổ thu được mỗi năm, các tính toán cho thấy tổng đàn chim yến Cù Lao Chàm hiện còn khoảng trên 40 nghìn con, giảm hàng trăm nghìn con so với 10 năm trước.
Theo Tiến sĩ Võ Tấn Phong, chim yến rất chung thủy với nơi làm tổ nên rất khó xác định chim yến Cù Lao Chàm có di chuyển vùng sống hay không. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, bước đầu nhận thấy một số lượng chim yến non trẻ có khả năng bỏ đảo đi nếu điều kiện tại đảo không thích hợp và điều kiện ở các nhà yến trong đất liền tốt hơn. Cạnh đó, việc gia tăng tổng đàn chim yến nhà đã dẫn đến quá trình cạnh tranh nguồn thức ăn giữa chim yến đảo và chim yến nhà cũng khiến số lượng chim yến Cù Lao Chàm sụt giảm.

Thời gian qua, nhiều giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn chim yến đã được triển khai như tăng cường công tác cứu hộ chim non rơi tổ; chim lớn, chim mẹ bị tai nạn ướt cánh; ấp trứng nuôi chim non đến khi biết bay, huấn luyện bắt mồi rồi thả về thiên nhiên… Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó vì lực lượng mỏng, chưa kể điều kiện nghiên cứu trên đảo biển, sóng gió khắc nghiệt.
Ông Trần Thanh Hải nhìn nhận, mặc dù đơn vị luôn xác định bảo tồn loài yến là nhiệm vụ trọng tâm nhưng trước công nghệ dẫn dụ yến của các nhà yến trên đất liền khiến việc duy trì đàn yến đảo thêm khó khăn, nên ngoài các biện pháp như cứu hộ chim rơi, ấp trứng, dưỡng chim, hạn chế khai thác tổ, cải tạo môi trường cho chim yến ở… thì đơn vị không thể làm gì khác hơn.
"Còn đi sâu vào nghiên cứu thì cần những nhà khoa học với các công trình lớn nhằm bảo tồn nguồn gen quý, mà điều này thì phải có sự vào cuộc của các ngành liên quan trong và ngoài tỉnh" - ông Hải nói thêm.
Chim yến Cù Lao Chàm sáng sớm rời hang bay đi tìm mồi, tùy theo mùa có thể kiếm ăn ngay trên đảo, biển và vùng đất liền ven biển khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, thậm chí bay lên khu vực núi cao. Chim về hang vào buổi tối và làm tổ trong mùa sinh sản, quá trình làm tổ tự nhiên của chim yến diễn ra khoảng từ tháng 1, 2 dương lịch đến tháng 8 thì hết mùa.