Những cánh mai cuối cùng vẫn còn bung sắc trong nắng mật. Đám mạ non vẫn run run trong cái lạnh tháng Giêng. Núi rừng bảng lảng một màn sương phủ. Những ông già làng tôi lại hối hả trong áo dài khăn đóng, chỉnh tề cho một mùa khai sơn.
Tiếng trống lễ rền vang, bay xa, thúc giục, hối hả xua tan đám mây trên đầu núi. Nó đánh thức đám người uể oải quay lại với công việc, đốc thúc họ bắt tay vào một mùa mới, một năm mới. Và hơn hết là tạc dạ lòng biết ơn với đất đai, thổ thần, với cánh rừng ngàn đời nương náu, nguyện cầu cho tất cả bình an.
Dưới cội si già
Nếu cư dân miền biển có lễ hội cầu ngư, vươn khơi thì những người dân vùng sơn cước lại có lễ khai sơn. Tất cả lễ hội này thường diễn ra vào đầu tháng Giêng, những ngày đầu năm, với những lý do riêng của mỗi vùng.
Dù cầu nguyện ở thần biển hay thần rừng, trên trời hay dưới đất, mặt trời hay mặt trăng… thì rõ ràng đây là một tín ngưỡng đẹp, một khuôn phép thành lệ bất biến của người Việt. Và nó trường tồn theo thời gian, có lý lẽ của nó. Tất cả xuất phát từ tận đáy lòng thì sẽ được con tim gìn giữ, như giữ nhịp đập, nhịp sống của chính mình.
Mùng 7 tháng Giêng, làng Hạ tôi chờ ngày khai sơn, chờ cánh rừng mở cửa ra với bao công việc. Nhưng trước hết là một lời cầu xin gửi đến qua khói hương, qua lời khấn nguyện.
Chú Ba của tôi mặc áo dài khăn đóng màu vàng làm chánh bái. Bác Bốn của tôi áo dài đen đọc lời văn tế. Chú Bảy bên nhà tôi quỳ lạy, các chú, các anh của tôi đều chỉnh tề trong những bộ áo dài mới đứng quanh. Khói trầm hương nghi ngút. Mâm cúng tràn rượu thịt hoa quả thịnh soạn bày ra giữa dinh Cây Si. Bên dưới là cánh đồng mơn mởn lúa non trổ đòng. Và xa hơn nữa là đỉnh Cà Tang đang vờn mây trắng sớm.
Tôi đứng ở góc miếu nhìn chăm chú và trông họ lạ lắm, không giống các anh, chú, các bác tôi mọi ngày. Ai cũng chỉnh tề, trang nghiêm như chuẩn bị tinh thần giao tiếp với một thế giới xa lạ huyền bí nào đó.
Bài văn cúng dài, bác Bốn tôi đọc ba lần bằng chất giọng rõ ràng, dứt khoát, đầy tình cảm thiết tha nhưng không ủy mị. Tiếng trống, chiêng, tiếng mõ đánh đều đều sau mỗi lượt đọc. Trà rượu được rót 3 tuần, với tấm lòng cung kính mà chúng tôi ít khi nào chứng kiến được.
Chén rượu đầu năm
Không ai biết dinh Cây Si được xây dựng từ bao giờ. Có người nói đã gần 300 năm nhưng không ai xác định chính xác niên đại. Người làng chỉ thấy bên trái con đường chính vào thung sâu, cửa chính vào những cánh rừng già, một cái dinh bằng đá được dựng lên.
Có người nói lúc đầu nó chỉ là các trụ gỗ, mái lá. Phía trước có một bức bình phong, trên bức bình phong đó khảm hình một con cọp mắt to, nanh dài, đuôi cong vuốt trông thần thái rất dữ tợn.
Thuở nhỏ, tôi cùng ông nội đi ngang qua dinh nhưng thú thật chưa bao giờ tôi dám đưa mắt nhìn thẳng vào cái bình phong đó. Dưới tàng cây cổ thụ rậm rạp, phía trước là cành si già buông rễ như tấm lưới xuống mặt ruộng, trông nó uy nghi, sắc lạnh.
Mẹ tôi bảo, những người đàn bà đi ngang dinh đều phải búi tóc cao. Người lớn phải khom lưng mỗi lần bước đi ngang qua để tỏ lòng tôn kính. Mấy đứa con nít đi ngang dinh nếu nghịch ngợm thì hay bị “quở”. Mà mỗi lần bị ông bà “quở” như vậy thì cách gì cũng lăn ra ốm, sốt vài ba ngày, sốt đến thất kinh!
Tôi nhiều lần bị sốt khi qua đây, mà lớn lên tôi mới hiểu là do cảm vì phơi trong cái nắng tháng Giêng.
Sau lễ cúng, những ly rượu được rưới xuống các cội cây già, dưới nền đất. Nắm gạo muối được rải đều và quanh khu rừng. Làng tôi không có tục đốt áo giấy. Chiêng trống ngưng hẳn, mọi người trải chiếu ngồi dưới bóng mát của lùm cây lai rai bữa trưa.
Chén rượu đầu năm người làng kể nhau nghe về chuyện mới chuyện cũ, chuyện từ thuở khai sơn lập địa, những dòng tộc tiền hiền, thủy tổ… và những cuộc chiến tranh đi qua, nhưng chẳng ai nhớ chính xác sự kiện nào cụ thể.
Những câu chuyện nửa thật, nửa hư cấu, những huyền thoại về núi rừng cứ được kể ra đến khi mặt trời khuất núi và người làng lại chếnh choáng ra về. Họ hẹn mùa sau và cùng nhau chúc phúc, cầu an cho một năm mới hanh thông.
Những người “thợ rừng”
Tôi nhớ, từ ngày có lệnh đóng cửa rừng thì chữ “lâm tặc” xuất hiện. Trong các lớp người làng tôi, những người đi rừng chặt cây, đẽo cột, kèo cho láng giềng, hàng xóm của mình được gọi bằng một từ trân trọng “thợ rừng”.
Họ được xếp ngang với thợ mộc và sau này là thợ hồ, và cả thợ sơn vôi... Nhưng trong mắt tôi và những người làng tôi, “thợ rừng” có chút gì đó phiêu lãng, bồng bềnh và mạo hiểm hơn nhiều so với những người thợ vừa nhắc.
Ông tôi kể, nghề thợ rừng nặng nhọc và nguy hiểm nên ít ai chọn. Chỉ có những người hiểu rõ các cánh rừng, đường đi, dẻo dai và khéo léo mới làm được. Những cánh rừng già như Hòn Than, Dốc Lết, Hòn Nghệ, Hố Sẫm, Trại Xai... đều được các thợ rừng đặt tên.
Những đêm dài mưa rơi rơi, tôi ngồi bên ánh đèn dầu leo lét nghe ông kể nhiều chuyện về con trăn nước nuốt cả con nai trong bụng ở Hố Sẫm. Người thợ rừng xấu số bị cọp đói vồ lấy nhảy thẳng xuống ghềnh lau lách mà mãi sau này người ta mới tìm thấy cái phần đầu với một ít tóc còn sót lại.
Hiểm nguy là vậy, nhưng người làng vẫn phải đi lấy gỗ. Ông tôi bảo, chẳng ai cưa hay ủi đường, cắt cây hàng loạt san phẳng rừng như bây giờ. Ngày đó, người ta chọn những cây gỗ tốt như sến, chò, kiềng kiềng, lim, gõ… để chặt, đẽo, và dùng trâu kéo về dựng nhà.
Thông thường một cây như vậy đẽo ra dư sức làm một căn nhà. Người thợ phải miệt mài đẽo cả năm trời mới đủ cho một căn nhà mới. Chủ nhà trả công cho thợ rừng thường là lúa, trả bằng công hoặc những vật phẩm tương đương. Có khi vài chỉ vàng cho một “xác” nhà gỗ.
Cả một đời thợ rừng, tôi quan sát thấy rằng làng tôi chẳng ai giàu có. Sự dẻo dai và sức người cũng xuống dần theo thời gian rồi lớp người khác thay thế. Thời gian cứ thế qua đi, những cội cây non cũng mọc lên và rừng lại che phủ. Những lớp người sau lại nương náu vào đó.
Sự cộng sinh hàng trăm năm này thể hiện rõ nhất là những con đường mòn lút đầu người, như những dây thông hào vào tận thung sâu. Có lần tôi bước đi trong lòng đất đó giữa trưa hè, mặt đất mát lạnh đến rợn người.
Tôi theo bước cha tôi đi mãi xuống triền dốc, trong đầu lại liên tưởng đó là đường xuống địa ngục. Rằng tôi đang đi xuống lòng đất để hiến tế cho một vị thần nào đó. Sau này tôi nhận ra rằng mặt đất và núi rừng cho tôi niềm vui thú và những phút giây không phải ai cũng cảm nhận được.
*
* *
Tháng Giêng, thắp nén nhang trên cánh rừng hoang vu lòng tôi lại rưng rức nhớ người xưa da diết. Những ngọn núi vẫn im lìm nằm đó nhưng lớp lớp người đã khuất nẻo ở ngàn mây.
Ngày mở cửa rừng, mở ra một năm mới, mở ra một ánh nhìn về một tương lai và hy vọng. Tôi lại nhìn về đỉnh núi xa và lắng nghe lời vọng lại từ những bước chân âm thầm ngàn xưa. Trong đó có lời thì thầm của cha tôi, ông tôi và lớp người xứ sở, những câu chuyện kéo dài trong tưởng tượng thao thiết đến ngàn sau …
Những lời thì thầm trên đỉnh núi xa.