(VHQN) - Mặt trời rải từng vạt nắng dịu ngọt xuống triền núi. Mùa thu khẽ lay những chiếc lá vàng thả rơi theo gió. Mấy năm trước, khi nhận ra mái tóc chải bằng thuốc nhuộm chỉ nửa tháng đã đổi màu bạc, bà đã thở than đời mình tàn phai có khác chi đời lá mỏng manh. Nhưng dạo rày, tự dưng bà thấy lòng phơi phới hẳn. Phải chăng, trong nhà rộn tiếng nói cười của bọn con nít sẽ làm người ta như trẻ ra cả chục tuổi.
Sau đợt dịch quằn quại ở phố, thằng Hải con bà quyết định quay về cù lao. Rong ruổi bao phương trời rồi cũng tới lúc mỏi gối chồn chân nhớ biển đảo quê nhà. Mùa thu năm thằng Hải rời đi, trước mặt bà vỗ vai động viên con, nhưng tàu vừa chạy khuất thì nước mắt lăn dài.
Bà sợ Hải không về nữa, như hạt giống theo gió bay tới vùng đất mới và sẽ nảy mầm cắm rễ nơi xa. Nhưng bà vẫn ủng hộ lựa chọn của con. “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Huống chi thằng Hải đi kiếm con chữ, tìm tương lai. Năm xưa, nếu Hải ở lại vùng cù lao này thì đâu biết làm chi khác ngoài theo nghiệp đi biển của ba nó.
Hải chỉ có cái tên thuộc về cù lao. Trong khi đa số con trai, đàn ông tại cái xứ nắng gió rát mặt đều rắn rỏi, da ngăm, thì Hải trắng bóc hệt “công tử bột” ở phố.
Mắt mũi miệng chẳng điểm nào giống với ba ruột nó. Chồng bà chưa bao giờ gặng hỏi. Nhưng có lẽ sau mấy tháng lênh đênh trên biển trở về, ông đã ngờ vực nhìn thằng con đẹp trai lạ lẫm trong vòng tay người vợ thiếu hơi chồng bấy lâu.
Cù lao nhỏ rí, một buổi vòng quanh đụng mặt nhau mấy lần. Ngăn sao nổi những lời râm ran. Có lửa mới có khói. Cùng năm đó, lần đầu tiên xuất hiện chuyến tàu từ đất liền ra đảo chở theo vài người khách xa lạ ưa khám phá. Bao mùa nắng gió, mưa bão cuốn trôi đàm tiếu ra biển, chỉ chồng bà vẫn giữ nguyên cái dằm trong lòng.
Ngày đêm ông giong thuyền lớn ra tít tắp phía biển, càng ngày càng xa má con bà. Rồi những trận bão gió liên tiếp ngoài khơi đẩy ông về lại với bãi Làng cù lao, hệt cái cách sóng biển đánh dạt cát vào bồi lấp bờ. Bão ở xứ đảo này lạ lắm, không làm vỡ kè chắn sóng mà ngược lại đem cát cùng cá, tôm dội vào. Sau bão, bộ đội biên phòng thường cùng bà con hò nhau dọn dẹp, cào xúc cát ra bãi.
Thoát chết từ cơn bão biển, chồng bà dường như đuối sức, bỏ nghề đi biển, lò dò theo cán bộ học cách canh giữ, bảo tồn tài nguyên của cù lao. Những người cả đời mưu sinh trên biển như ông mới hiểu rõ từng con nước, từng bờ đá, càng quý mỗi rạn san hô, biết cách điều chỉnh nhịp thở, lặn sao cho đúng, ngắm chỗ nào đẹp.
Kế sinh nhai dễ dàng tính được, kiểu chi cũng tìm thấy đường đi, nhưng khúc mắc gia đình như mớ lưới rối gỡ mãi chưa ra. Căn nhà lạnh lùng. Những bữa cơm lặng lẽ. Tiếng thì thào của hai má con. Người đàn ông rít thuốc lá qua kẽ răng. Từ ngày Hải vào thành phố học đại học, không khí ngột ngạt khó thở hơn. Trừ lúc có khách thuê thuyền thúng lặn ngắm san hô hoặc gặp việc gì cần thiết lắm, còn lại giữa vợ chồng bà như biển lặng trước khi bão tới.
Hải trở về, dẫn theo một đứa con gái trắng trẻo, ưa nhìn. Vừa lọt lòng, con bé đã bị bỏ rơi. Lăn lóc giữa đời vẫn lớn lên khỏe mạnh và hiền hậu. Vợ chồng bà làm mâm cơm cúng gia tiên, tổ chức buổi lễ nho nhỏ thông báo bà con làng xóm, con bé chính thức trở thành dâu xứ đảo. Cần chi biết cặn kẽ gốc gác, đã về xứ đảo thì nơi đây sẽ là nhà, là mái ấm. Cù lao chất phác và chân tình.
Thằng Hải từ bỏ công việc mà nó mơ ước, vay vốn làm cái nhà nghỉ sát sườn núi, gần với lối lên vườn đồi. Căn nhà vách tre nẹp dày, mái nứa lá theo kiểu xưa cũ. Vợ chồng nó quay bao nhiêu video cảnh biển đẹp mê hồn rồi chạy quảng cáo trên mạng xã hội.
Từ tết qua tận mùa thu, khách khứa liên miên. Cũng phải thôi, cù lao còn nhiều cảnh đẹp hoang sơ, bờ biển thoai thoải, nước trong xanh, sóng vỗ nhẹ, ghềnh đá thơ mộng, san hô lung linh. Khách du lịch ưa khám phá đều muốn tới đây trải nghiệm. Cái nhà nghỉ nho nhỏ của vợ chồng Hải, mở cửa là có “view triệu đô”, khách trẻ phố thị thích mê.
Bữa đi ngang hợp tác xã du lịch làng nghề, vợ thằng Hải tò mò khi thấy chiếc võng ngô đồng. Hồi thằng Hải còn nhỏ, mỗi bận ngồi nhà ngóng ra biển chờ chồng, bà thường tước sợi vỏ ngô đồng đan thành võng. Các bước làm khá cầu kỳ, phải tỉ mẩn từng chút, lâu lắm rồi bà nhớ mang máng thôi.
Con dâu chỉ muốn học nghề từ bà, bởi có lẽ mỗi tay đan sẽ nắm giữ bí quyết riêng, và cũng gởi gắm tình cảm khác nhau. Những tưởng phải mày mò lâu, nhưng đôi tay bà vừa chạm vào từng sợi xơ thì lại thoăn thoắt hệt cái máy được đặt sẵn lệnh thực hiện. Bà se sợi tơ dài, bà bện đan mắt võng chắc chắn. Chỉ vài bữa, con dâu bà đã rành rẽ và tự đan được chiếc võng đầu tiên. Con bé dự tính kết hợp hoạt động đan võng để bán cho khách du lịch.
Vợ thằng Hải thay đổi hoàn toàn không khí gia đình. Thêm đứa cháu nội ra đời, cơn sóng lòng dần lắng xuống. Lạ kỳ, thằng cháu giống ông nội y đúc một khuôn. Bé tí hin mà học được điệu bộ nói chuyện, cái tằng hắng và cả giọng cười của ông nội. Căn nhà ấm áp hẳn lên. Rốt cục, câu hỏi thầm bao năm đã có lời giải đáp.
Hồi đó, nhiều lúc ức quá, bà ôm chiếc võng đan mà khóc rưng rức. Võng không lau khô giọt nước mắt, bà đành ngừng đan. Cả đời bà thương chồng, thương xứ đảo còn không hết, nỡ đâu làm chuyện trái đạo.
Không chỉ đất trời, đời bà cũng đã bước vào thu. Từng ôm bao xa xót cho phận mình, chừ bà mới nhớ ra điều mà bấy lâu bị những dằn dỗi che mờ lãng quên. Mùa này cù lao đẹp vô cùng. Gió thu man mát nhẹ nhàng.
Hoa ngô đồng nở rộ thắm khắp triền núi. Hoa đỏ cam hòa vào biển trời xanh ngắt và vách núi xam xám tựa một bức họa kỳ công. Đất cằn khô, cây xù xì nhưng hoa đẹp ngẩn ngơ. Tháng chín gõ cửa, ngô đồng bắt đầu kết trái rồi hạt rơi dọc theo triền núi nảy mầm thành cây mới. Lòng người bỗng chợt dịu dàng hệt như mùa thu quê xứ.