Lúa đông xuân cuối vụ ở Đại Lộc đối mặt với rầy nâu phá hoại
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích lúa đông xuân 2024 - 2025 của tỉnh và huyện Đại Lộc đang vào giai đoạn chắc xanh, chín sữa, một số diện tích đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện gây hại nghiêm trọng nhiều diện tích sắp thu hoạch. Nông dân gặp khó khăn trong phòng trừ dịch hại do rầy bùng phát nhanh.

Rầy nâu gây hại nghiêm trọng
Tại cánh đồng A3 và đồng Kênh Dưới thuộc xã Đại Phong (Đại Lộc), nhiều nông dân đang nỗ lực phun thuốc trị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại trên cây lúa đang trong giai đoạn chín sữa đến chín sáp.
Đưa mắt nhìn gần 1 sào lúa ăn của cả gia đình (giống Bắc Thịnh) bị rầy nâu phá hoại, lão nông Phạm Thông (thôn Mỹ Hảo) ngao ngán nói: “Còn chưa tới một tuần nữa là thu hoạch mà rầy nâu phá dữ quá, không yên tâm được. Rầy nâu tấn công thì thiệt hại nhanh lắm, chỉ trong vài đêm là có thể làm chết lúa, khô cây, dẫn đến thiệt hại nặng nề”.
Theo ông Thông, phun thuốc cho cây lúa với mong muốn vớt vát ít nhiều để có lúa ăn.
Bà Doãn Thị Hoa (cùng thôn Mỹ Hảo) cho biết, vụ đông xuân 2024 -2025 gia đình bà trồng hơn 2 sào lúa giống Bắc Thơm 7 tại lô 8, cánh đồng A3. Ước tính, có khoảng 40% diện tích lúa của bà Hoa đã bị rầy tấn công gây hại nghiêm trọng.
“Từ khi phát hiện ruộng của gia đình xuất hiện một ít ấu trùng rầy, tôi đã tiến hành các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của HTX và phun thuốc 2 đợt nhưng rầy nâu vẫn ở mật độ cao, nguy cơ cây lúa bị khô chết diện lớn” - bà Hoa nói.

Ông Nguyễn Quốc Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Phong cho biết, vụ đông xuân năm nay, toàn xã Đại Phong canh tác 182ha lúa, trong đó có 124ha lúa giống. Hiện chỉ còn khoảng một tuần nữa sẽ tiến hành thu hoạch lúa thì lại xuất hiện đợt rầy phá hại với mật độ phổ biến 1.000 - 2.000 con/m2.
Mặc dù HTX đã phối hợp cùng nông dân áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ dịch bệnh nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng rầy bùng phát. Qua khảo sát, có hơn 2ha lúa của xã bị ảnh hưởng nặng, chủ yếu tập trung ở 2 thôn Mỹ Đông và Mỹ Hảo.
Trên các cánh đồng Gò Xoài và Đồng Bò thuộc xã Đại Thạnh (Đại Lộc), nhiều diện tích lúa cũng bị nhiễm rầy. Phát hiện lúa bị rầy, ông Tưởng Tâm (thôn Mỹ Lễ, Đại Thạnh) đã phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn. Tuy nhiên, rầy nâu phát triển nhanh nên gần 1,5 sào lúa của ông bị ảnh hưởng nặng nề.
“Lúa sắp thu hoạch mà bị rầy tấn công. Tôi đang phân vân có nên xịt thuốc nữa hay không bởi xịt thuốc sẽ ảnh hưởng tới chất lượng lúa sau thu hoạch” - ông Tâm nói.

Nỗ lực phòng trừ
Theo nhiều nông dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rầy phát sinh và bùng phát mạnh ở giai đoạn lúa cuối vụ như hiện nay là thời tiết nắng mưa xen thất thường. Nắng nóng và gió Nam hoạt động mạnh tạo điều kiện cho dịch rầy bùng phát, gây ảnh hưởng diện rộng đối với một số cánh đồng. Cây lúa bị rầy phá hoại dẫn đến chết khô, hạt lép.
Theo ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện xuống giống 4.250ha. Trung tâm đã hướng dẫn quản lý dịch hại trên cây lúa giai đoạn đòng - trổ. Đồng thời, liên tục cập nhật tình hình dịch hại trên đồng ruộng hằng tuần để kịp thời có hướng chỉ đạo, xử lý, phòng trừ dịch hại, bảo vệ lúa đông xuân đang giai đoạn vào chắc - thu hoạch.
Theo ông Quang, tính đến ngày 17/4, toàn huyện có 25ha ở Đại Hiệp đã được thu hoạch. Qua khảo sát, bệnh khô vằn phát sinh gây hại rải rác một số diện tích; bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại cục bộ chòm (diện tích tầm 5ha) rải rác ở một số xã.
Ngoài ra, bệnh đạo ôn trên cổ lá, cổ bông phát sinh trên giống nhiễm; bệnh thối thân vi khuẩn phát sinh gây hại cục bộ trên giống TBR225, Thiên Ưu 8 ở vùng đất trũng. Trên một số diện tích lúa lai 2 dòng, có bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá phát sinh gây hại rải rác…
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc đã có văn bản hướng dẫn từ rất sớm đối với các địa phương, HTX, khuyến cáo nông dân trên địa bàn huyện cách phòng trừ đối với từng loại sâu bệnh gây hại. Riêng đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, người dân cần thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại, quan sát các mặt ruộng để phát hiện các ổ rầy cục bộ.
“Khi phát hiện rầy có mật độ trung bình từ 2 - 3 con/dảnh lúa, khoảng 1.000 - 2.000 con/m2 thì dùng thuốc có các hoạt chất Pymetrozine, Imidacloprid… để phun trừ. Khi phun rầy cần phải khoanh vùng và phải phun kỹ các ổ rầy để diệt trừ triệt để, tránh lây lan. Để đạt hiệu quả phòng trừ cao, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy tắc “4 đúng” (phun đúng lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích theo khuyến cáo trên nhãn thuốc; phun chậm ướt đều gốc lúa, giữ nước trong ruộng khi phun đối với rầy và mặt lá đối với đạo ôn)” - ông Quang nói.