Văn hóa

Luật để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

CẨM PHÔ - MINH KHÔI - TRẦN ĐỨC ANH SƠN - HOA NIÊN - VĨNH LỘC24/11/2024 07:31

Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một hành lang pháp lý với các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa… được kỳ vọng khi Luật Di sản sửa đổi thông qua.

a1.jpg

XÂY DỰNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ DI SẢN ĐẶC THÙ

Quản lý nguồn lực tài chính như thế nào cho các hoạt động bảo vệ di sản, bên cạnh câu chuyện xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu, cơ chế đối với các di sản đặc thù... đều cần thiết phải có một hành lang pháp lý.

“Cây gậy pháp lý” cho Hội An

Với hơn 1.200 di tích, trong đó có 70% thuộc sở hữu tư nhân, chưa bao giờ chuyện quản lý và đồng nhất để bảo tồn quần thể di tích lẫn không gian phố cổ Hội An là chuyện dễ dàng.

Hội An đã ban hành nhiều quy chế quản lý bảo vệ đặc thù dành riêng cho từng khu vực. Tuy nhiên khoảng những năm 2017-2018, đã từng có những câu chuyện gây bị động cho cơ quan quản lý nhà nước khi phát sinh vụ việc có tính chất tiêu cực, ảnh hưởng đến nỗ lực giữ gìn di sản chung của cộng đồng.

hoian3.jpg
Hội An bao gồm vùng lõi di sản và vùng đệm phụ cận. Ảnh: CẨM PHÔ.

Khi chính quyền xử lý thì đối tượng chịu chế tài lại không hợp tác hoặc đưa ra những quy định rõ ràng hơn trong các Nghị định, quy phạm pháp luật do cấp cao hơn ban hành. Từ đó làm suy giảm hiệu quả công tác quản lý.

Không chỉ ở phố cổ Hội An, việc du lịch phát triển, khai thác thủy hải sản gia tăng cũng thách thức các quy chế bảo tồn riêng ở Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm.

“Ví dụ như đánh bắt cua đá theo mùa, theo kích thước, theo danh sách người được phép khai thác cua… vốn được thống nhất áp dụng gần 10 năm qua. Nhưng gần đây có nhiều trường hợp người không có tên trong danh sách khai thác cua, việc đánh bắt cua không theo mùa hoặc bắt theo kích cỡ diễn ra. Cơ quan bảo tồn phát hiện, yêu cầu tuân thủ quy định nhưng nhiều người không hợp tác và đưa các quy định từ Luật Thủy sản nên sự việc cũng không thể xử lý nghiêm minh” - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nói.

Từ 1/1/2021, quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) khu phố cổ Hội An (gồm 10 chương, 37 điều) được UBND tỉnh ban hành và triển khai. Bộ quy chế này được xem là bao quát về các quy định đi liền với chế tài có căn cứ thi hành pháp lý đối với di sản UNESCO Hội An từ trước tới nay.

Cùng với các quy định quản lý, quy chế này đồng thời đặt ra các yêu cầu đối với hoạt động tu bổ di tích. Trường hợp bắt buộc phải thay thế một bộ phận cũ, vật liệu - chất liệu cũ bằng một bộ phận mới, vật liệu - chất liệu mới thì phải đảm bảo tính cần thiết, tính khoa học của việc thay thế đó và phải đảm bảo tính chính xác từng chi tiết của các “yếu tố mới” so với các “yếu tố gốc”...

Cộng đồng trong khu phố cổ phải thực hiện đúng các quy định về bảo vệ khu phố cổ; chịu trách nhiệm trước tiên về mọi sự hư hỏng, sai lệch, giảm giá trị của di tích do mình sở hữu, sử dụng; được quyền tổ chức các loại hình dịch vụ hợp pháp để phục vụ khách du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến khu phố cổ. Quy chế cũng chế tài việc chèo kéo, buộc khách du lịch mua dịch vụ, hàng hóa không tự nguyện. Cư dân phải thực hiện đúng các quy tắc ứng xử văn minh du lịch theo quy định.

Mô hình quản lý cho di sản đặc thù

Khái niệm “đô thị di sản” vẫn còn quá mới mẻ trong việc thực thi chính sách về bảo tồn. Tại phiên chất vấn gần nhất (ngày 23/10), Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - ông Dương Văn Phước cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về khái niệm đô thị di sản và pháp lý cho đô thị di sản.

Đường Trần Phú - trung tâm phố đi bộ Hội An. Ảnh: CẨM PHÔ

Theo đó, dự thảo Luật Di sản sửa đổi xác định di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, đối với trường hợp Khu đô thị cổ Hội An - DSVHTG lại khá khác biệt khi di sản vật thể đồng thời gắn với nếp sinh hoạt truyền thống của người dân, là “bảo tàng sống” theo tiêu chí về di sản văn hóa của UNESCO.

Cùng với đó, theo ông Phước, việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Do đó, một cơ chế riêng để quản lý “đô thị di sản” là điều cần xem xét.

Quảng Nam hiện có hai Di sản thế giới (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; có 451 di tích được xếp hạng, gồm: bốn di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích quốc gia và 383 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích trên địa bàn đầy đủ loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 161 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; một di sản (Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam) được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

z6062657098013_4b6f7769ac1b25353c26122feb32b331.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm ở làng gốm Thanh Hà (Hội An). Ảnh: VL.

Sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ I và II ở khu vực di sản cũng là điều các chuyên gia băn khoăn. Các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực này phải thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, vì vậy, bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất ghi chức năng sử dụng là đất di tích, nên khi triển khai, quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích. Vì thế, các hoạt động cải tạo, xây dựng, sửa chữa nhà cửa trở nên rất khó khăn, chưa kể đến việc xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội...

Chính vậy, để khắc phục những mâu thuẫn từ thực tế, dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) đã xem xét và đưa ra những quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II.

Hoàn thiện luật gắn liền chia sẻ lợi ích cộng đồng

Với việc cụ thể hóa bằng nhiều quy định, đặc biệt Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được thông qua ít ngày tới đây, kỳ vọng về một “cây gậy pháp lý” căn cơ để thực hiện quản lý, bảo tồn di sản đặc thù như Hội An.

Trung tâm phố cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: CẨM PHÔ

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc UBND tỉnh ban hành quy chế bảo vệ di sản Hội An cùng ít ngày tới đây Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ quyết định rất lớn đến hiệu quả bảo vệ không gian, quần thể di sản và vùng đệm, các giá trị vật thể lẫn phi vật thể.

Theo ông Sơn, mấu chốt từ trước tới nay quyết định đến thành công trong bảo vệ di sản là sự đồng thuận của cộng đồng. Ngay khi du lịch chưa phát triển, chưa có nhiều lợi ích từ việc gìn giữ di sản nhưng khi chính quyền vận động và đưa ra các quy định, người dân cũng đồng tình và chung tay. Sau này, khi nhiều luật có chi phối nhưng quy chế quản lý vẫn được số đông người dân thống nhất làm quy chuẩn ứng xử chung theo kiểu “thuận lòng, nhân tình thuần hậu”.

“Chính quyền luôn đặt lợi ích, chia sẻ lợi nhuận với tất cả cư dân nên được thống nhất cao. Người có nhà mặt tiền được buôn bán thì dân trong hẻm, kiệt được kinh doanh ghe bơi, bố trí chợ đêm… Quan trọng nhất vẫn là ý thức chứ luật không bao giờ đi trước được đời sống. Với nhiều công cụ pháp lý ở cấp cao hơn ban hành thì di sản chắc chắn sẽ được bảo tồn tốt hơn” - ông Sơn nói.

ĐÔI ĐIỀU NÓI THÊM VỀ LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa (năm 2024) được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế của hai luật đã được Quốc hội Việt Nam ban hành trước đây; tiệm cận với hệ thống luật lệ về văn hóa trong các công ước của UNESCO...

Bảo vệ tài sản văn hóa

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi năm 2024) có phạm vi điều chỉnh bao quát và đầy đủ các điều luật. Điều này nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa quốc gia, góp phần xây dựng và lan tỏa sức mạnh mềm của văn hóa ra cộng đồng quốc tế.

Hội An đang có những giá trị văn hóa được tạo sinh hằng ngày. Trong ảnh, thợ mộc ở làng nghề truyền thống Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An). Ảnh: TTVHHA

Dù dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi năm 2024) đã hoàn chỉnh, sẵn sàng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 này, tôi vẫn muốn có “đôi điều nói thêm” sau khi tiếp cận nội dung tóm tắt về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi năm 2024) trên các phương tiện truyền thông của nhà nước.

Theo đó, lẽ ra luật nên có tên là Luật Bảo vệ Tài sản văn hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ở châu Âu đã làm. Bởi lẽ, “di sản văn hóa” là những tài sản văn hóa do thế hệ trước để lại cho thế hệ sau, nên nếu dùng thuật ngữ “di sản văn hóa”, thì phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ sẽ tập trung vào những tài sản văn hóa “đã có tuổi” do tiền nhân để lại.

Trong khi đó, có nhiều tài sản văn hóa vừa được tạo sinh trong xã hội đương đại, nhưng có giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ… thì lại không được bảo vệ, hoặc không được tạo điều kiện để phát huy giá trị.

Một số nước đã nhận ra sự hạn chế của việc sử dụng thuật ngữ “di sản văn hóa” trong các đạo luật tương tự ở quốc gia họ, nên đã đổi thành Luật Bảo vệ Tài sản văn hóa khi sửa đổi, ban hành luật mới.
Chẳng hạn, năm 1950, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Văn hóa tài bảo hộ pháp (Luật Bảo vệ Tài sản văn hóa) thay cho ba đạo luật riêng rẽ đã ban hành trước đó là: Cổ khí cựu vật bảo tồn phương (Pháp lệnh Bảo tồn cổ vật, ra đời năm 1871), Cổ xã tự bảo tồn pháp (Luật Bảo tồn đền chùa cổ, 1897) và Quốc bảo bảo tồn pháp (Luật Bảo tồn bảo vật quốc gia, 1927); hay Hàn Quốc vào năm 1962 đã ban hành Đạo luật số 961 về Bảo vệ tài sản văn hóa, thay thế cho các luật lệ bảo vệ di sản văn hóa có từ thời Joseon (1392 - 1910).

Tương thích với các luật quốc tế

Các khái niệm, định nghĩa cần tương thích với thông lệ của luật pháp quốc tế, chẳng hạn, các khái niệm/định nghĩa về: tính nguyên gốc/ tính chân xác, bảo tồn, bảo vệ, phát huy giá trị...

Trong vài thập kỷ gần đây, thuật ngữ bảo vệ di sản văn hóa được sử dụng để thay thế cho thuật ngữ bảo tồn di sản văn hóa trong các công ước của UNESCO và các luật về di sản/ tài sản văn hóa ở các nước phát triển.

Sự khai sinh thuật ngữ bảo vệ di sản văn hóa với nội hàm mới đã khiến thay đổi thuật ngữ bảo tồn trước đây, chỉ giới hạn trong hoạt động tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể mà thôi.

Trải nghiệm làng nghề gốm Thanh Hà. Ảnh: L.T.K

Sự phù hợp, tương thích với các điều luật quốc tế, sẽ giúp Luật Di sản văn hóa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế trong lĩnh vực này, tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật về di sản - tài sản văn hóa của Việt Nam. Điều này sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ và phát huy giá trị tài sản văn hóa quốc gia, lan tỏa “sức mạnh mềm văn hóa” của Việt Nam ra thế giới.

Luật Di sản văn hóa hiện hành ở Việt Nam chỉ công nhận các di vật, cổ vật (thuộc nhóm “di tích động sản” trong di sản văn hóa vật thể) có giá trị đặc biệt về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, khoa học… là bảo vật quốc gia, trong khi không công nhận những di sản văn hóa vật thể là bất động sản như: cung điện, thành quách, đình chùa, bi ký…; hay các di sản văn hóa phi vật thể như: nghề truyền thống, diễn xướng dân gian, tri thức của cộng đồng… có giá trị cao/ đặc biệt về lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, khoa học… Từ thực tế trên, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi năm 2024) cần công nhận bảo vật quốc gia cho tất cả loại hình di sản/ tài sản văn hóa đã kể trên.

Với riêng Quảng Nam, cần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa đang được tạo sinh hàng ngày, nhất là khi Hội An được công nhận là “Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian” trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Hội An đang có những tài sản văn hóa đáng giá được tạo tác và lan tỏa ra cộng đồng, quốc gia và nhân loại từng ngày từng giờ.

“Đôi điều nói thêm” này cũng sẽ góp phần bảo vệ những tài sản chưa được công nhận là di sản văn hóa, vì “chưa đủ tuổi để trở thành di sản” theo Luật Di sản văn hóa cũ, nhưng lại xứng đáng là “bảo vật quốc gia” như: các kiến trúc của nhiều giai đoạn, các nghề tinh hoa và làng nghề truyền thống của địa phương; hay những tấm bi ký chứa đựng những “thông điệp ngàn năm” đang bị lãng quên ở các phế tích Champa ở Mỹ Sơn, Đồng Dương, Chiên Đàn, Trà Kiệu…

QUAN TÂM CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGHỆ NHÂN

Chính sách khuyến khích các nghệ nhân tham gia bảo tồn di sản văn hóa nhận được sự quan tâm lớn trong dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi.

Chưa có đãi ngộ xứng đáng

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân chỉ mới quy định đến nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Kỳ vọng Luật di sản sửa đổi với các quy định về chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân sẽ góp phần để họ giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: X.H

Được biết, Luật Di sản văn hóa năm 2001 chưa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân. Năm 2009, luật sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó có quy định “trợ cấp sinh hoạt hằng tháng và ưu đãi đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn”.

Năm 2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP, trong đó quy định về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nhưng phải thuộc đối tượng là thu nhập thấp hay có hoàn cảnh khó khăn. Theo Nghị định này, nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú có thu nhập dưới 50% mức lương ở cơ sở mới được hỗ trợ 850 nghìn đồng/tháng. Nghệ nhân thuộc hộ gia đình có thu nhập từ 50% đến dưới mức lương cơ sở được hỗ trợ 700 nghìn đồng/tháng.

Thông tin từ Bộ VHTT&DL, từ năm 2009 đến nay, đối với lĩnh vực văn hóa phi vật thể, cả nước chỉ có 20/1.881 nghệ nhân được phong tặng được hưởng chế độ này và không có nghệ nhân dân gian nào trong số 747 nghệ nhân dân gian được hỗ trợ, vì họ không thuộc đối tượng trong Nghị định 109/2015/NĐ-CP.

Ngoài câu chuyện chế độ đãi ngộ không có, điều kiện để giữ nghề và truyền nghề của nghệ nhân cũng gặp không ít khó khăn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ân - con trai nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp nói, để làm kinh tế, cơ sở của cha con ông được khuyến khích nên phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

Vì muốn giữ lại nét thủ công truyền thống của nghề, phần vì hiểu được rằng nếu đổi sang công nghiệp hẳn xưởng sản xuất sẽ không thể cạnh tranh nổi trên thị trường, gia đình ông Tiếp chuyển hướng phát triển sản phẩm thủ công kết hợp cùng du lịch. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, trải qua rất nhiều thủ tục, đầu năm 2024 này, cơ sở du lịch trải nghiệm theo định hướng du lịch xanh, kết hợp truyền nghề cho người địa phương mới chính thức vận hành.

Chờ đợi luật thực thi

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp nhìn nhận, ngoài các chính sách phụ thuộc quy định của từng địa phương, việc đãi ngộ cho các nghệ nhân của tỉnh vẫn chỉ dừng ở mức dựa theo các đề án phát triển của từng nơi. Và dù Quảng Nam tạo điều kiện cho nghệ nhân hoạt động tại các làng nghề, truyền nghề, nhưng nếu xét về cơ chế chính sách hỗ trợ cho bản thân nghệ nhân vẫn chưa có gì.

Hai cha con nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp và nghệ nhân Nguyễn Văn Ân. Ảnh: VŨ TRỌNG

Trước hàng loạt góp ý về chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi 2024) đã có nhiều điểm mới trong chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Dự thảo luật đưa ra khái niệm về nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, chủ thể di sản, người thực hành di sản. Khi xác định được các khái niệm, trên cơ sở pháp lý sẽ dễ dàng thực hiện công tác bảo tồn và tạo điều kiện để truyền dạy di sản.

Các chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở các đóng góp của họ đối với giá trị di sản. Theo đó, các nghệ nhân khi đủ điều kiện xét tặng danh hiệu sẽ được tổ chức lễ trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng; hỗ trợ cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Quảng Nam hiện có 45 làng có nghề, trong đó 34 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (4 nghề truyền thống, 30 làng nghề và làng nghề truyền thống), tổng cơ sở sản xuất tham gia tại các làng nghề khoảng hơn 2.000 cơ sở. Hiện có 54 người được công nhận các danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân và thợ giỏi.

Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời... dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi 2024) còn quy định theo hướng mở để các địa phương được chủ động ban hành chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân.

Một vùng đất dày dặn vốn liếng về văn hóa di sản phi vật thể, các làng nghề, nghề truyền thống như Quảng Nam, việc thông qua Luật Di sản sửa đổi với các điều khoản liên quan đến cơ chế, chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân sẽ là một cơ hội để giữ gìn, bảo tồn vốn quý của tiền nhân.

THÚC ĐẨY DU LỊCH DI SẢN

Du lịch di sản đã trở thành thương hiệu của Quảng Nam, góp phần đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm du lịch của miền Trung và cả nước.

Từ nền tảng bảo tồn di sản, du lịch cũng như các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, khai thác giá trị di sản phát huy hiệu quả. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi 2024) tiếp tục tập trung khuyến khích các địa phương khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đặt ra những cơ chế để huy động tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hoi AN_2024_PHUONG THAO
Du khách tham quan phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hành trình du lịch di sản

Ngày 4/12/1999, khi khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG), đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của du lịch nơi đây. Lượng khách không ngừng gia tăng. Từ con số vài nghìn khách ban đầu, đến nay Mỹ Sơn đã đón hàng trăm nghìn lượt khách, mức tăng trưởng hàng năm từ 20% - 30%. Năm 2019 được xem là đỉnh cao của du lịch Mỹ Sơn khi đón khoảng 419 nghìn lượt khách mua vé tham quan.

z6062657121139_25dc61dc1d500774d665b55e4a7c8f98.jpg
Đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: V.L

Dự kiến năm 2024 số khách mua vé tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ đạt hơn 420 nghìn lượt. Ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhìn nhận, danh hiệu di sản văn hóa thế giới đã tác động rất lớn đối với sự phát triển du lịch nơi đây. Thông qua danh hiệu này không chỉ tạo điều kiện để Mỹ Sơn thu hút nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế bảo tồn, trùng tu di tích mà còn giúp Mỹ Sơn hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và lao động địa phương.

Với TP.Hội An, tác động của di sản đối với phát triển kinh tế xã hội địa phương vô cùng to lớn. Những năm gần đây ngành thương mại, dịch vụ, du lịch luôn chiếm tỷ lệ trên 70% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố - một minh chứng nổi bật về tác động của thương hiệu di sản kể từ khi phố cổ được UNESCO vinh danh.

Không gian du lịch cũng được mở rộng phát triển ra vùng ngoại vi như Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Thanh Hà… với các dịch vụ, sản phẩm đa dạng (làng nghề, sinh thái, trải nghiệm văn hóa…), góp phần tạo việc làm cho người dân với hơn 24 nghìn lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, hình thành đội ngũ doanh nhân là người địa phương với nhiều tâm huyết và niềm đam mê sáng tạo.

Biến di sản thành tài sản

Thương hiệu DSVHTG đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch. Tròn 25 năm qua Hội An, Mỹ Sơn đã trở thành hạt nhân, đầu tàu của du lịch Quảng Nam, thúc đẩy sự lan tỏa du lịch đến các vùng quê, làng nghề, di tích, danh thắng xứ Quảng, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể…

ms.jpg
Với 2 danh hiệu di sản văn hóa thế giới đã mang đến nhiều cơ hội cho du lịch Quảng Nam. Ảnh: V.L

Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, hệ quả nổi bật của danh hiệu này là ý thức và hành động của chính quyền và người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được nâng cao rất nhiều. Thông qua việc bảo tồn tính nguyên gốc phố cổ, Hội An đã biết phát huy đúng hướng để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế du lịch. Trong đó, sự lan tỏa của du lịch ra các vùng ven giúp phạm vi hưởng lợi của người dân rộng hơn. Do vậy, các quy chế quản lý, bảo tồn không gian của địa phương nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, vai trò của di sản nói chung và DSVHTG nói riêng đối với phát triển du lịch rất quan trọng. Hội An, Mỹ Sơn đã khẳng định được vị trí của di sản trong phát triển kinh tế xã hội địa phương sau 25 năm được UNESCO vinh danh. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả, giá trị của công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của 2 DSVHTG này.

Theo ông Hồng, hiện 2 hai đề án gồm Bảo tồn và phát huy các giá trị đô thị cổ Hội An trong giai đoạn từ nay đến năm 2030; lập quy hoạch đề án bảo tồn và phát huy giá trị khu đền tháp Mỹ Sơn giai đoạn 2025 – 2030 và tầm nhìn sau năm 2030 đang được tập trung hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các bộ, ban, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Quảng Nam quyết tâm tập trung thực hiện thành công 2 đề án này, tiếp tục nâng tầm, phát huy giá trị của 2 di sản. Đây là những yếu tố cần tập trung trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Quảng Nam thời gian đến. Đặc biệt, Hội An, Mỹ Sơn vẫn phải là trung tâm, trái tim để từ đó lan tỏa các điểm, các khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh, đưa ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” – ông Hồng chia sẻ.

Nội dung: CẨM PHÔ - MINH KHÔI - TRẦN ĐỨC ANH SƠN - HOA NIÊN - VĨNH LỘC

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Luật để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO