Chuyện đầu tuần

Biến di sản thành tài sản

LÊ VŨ 18/11/2024 07:45

Cuối tuần qua, làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) được Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc (UN Tourism) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất năm 2024”, là đại diện duy nhất của Việt Nam đoạt giải này trong năm nay.

Trước đó, từ tháng 4/2022, nghề trồng rau tại Trà Quế đã được Bộ VH-TT&DL công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.

Quảng Nam, với bề dày lịch sử và di sản văn hóa phong phú, hoàn toàn có thể biến những di sản tại địa phương thành nguồn tài sản quý giá để khai thác trở thành động lực phát triển bền vững. Nhưng, làm được điều này có dễ? Thử nhìn ở ngành du lịch.

Lấy điểm nhìn từ làng rau Trà Quế chẳng hạn. Bình quân hàng năm làng rau này đón hơn 24 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm làm nghề cùng cộng đồng, hầu hết là khách quốc tế, doanh thu khoảng 853 triệu đồng. Tính ra, mỗi lượt khách đến làng rau chỉ chi khoảng 35 nghìn đồng.

Nhìn tổng thể hơn, ngoài 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Nghệ thuật hô hát Bài Chòi, trên địa bàn Quảng Nam có gần 500 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; gần 70 lễ hội độc đáo; hàng trăm làng nghề truyền thống…

Cùng với công tác quản lý và bảo tồn, hầu hết di sản được đưa vào khai thác phát triển du lịch, tuy nhiên nguồn thu từ du lịch của Quảng Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thể trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế.

Theo báo cáo thống kê, tổng lượng khách tham quan, lưu trú du lịch từ đầu năm 2024 đến hết tháng 9 của Quảng Nam ước đạt 6,475 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 4,245 triệu lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 6.230 tỷ đồng; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14.641 tỷ đồng.

Nhìn sang TP.Đà Nẵng, cùng thời gian này, riêng tổng lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ đã ước đạt 8,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, doanh thu lưu trú ước đạt hơn 7.775 tỷ đồng (tổng doanh thu dịch vụ ước đạt gần 20.603 tỷ đồng).

Thực tế cho thấy, hàng năm Quảng Nam đón hàng triệu lượt khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế, nhưng khách chủ yếu đến thăm các địa điểm du lịch trong ngày, xong ra Đà Nẵng lưu trú. Thống kê của ngành chức năng: Tỷ lệ khách thuê phòng ở Quảng Nam chỉ bằng 45-50% tổng số du khách.

Vì sao có nhiều du khách chỉ đến Quảng Nam để ngắm di sản rồi đi? Theo phân tích, ngoài dễ tổn thương trước các biến động và các cuộc khủng hoảng, nguyên nhân do các địa điểm lưu trú và dịch vụ đi kèm của Quảng Nam kém hấp dẫn so với nơi khác.

Có nghĩa, để phát huy giá trị, biến di sản thành tài sản, làm “nguồn vốn” cho ngành du lịch phát triển thì “vệ tinh” dịch vụ phải đủ lực hấp dẫn.

Và để nâng cấp, có thêm nhiều loại hình dịch vụ đủ sức giữ chân du khách thì cần thu hút, kêu gọi đầu tư đúng tầm vào du lịch.

Nói thì luôn dễ. Tại hội thảo do UBND tỉnh tổ chức mới đây, đại diện một nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ du lịch đã tự ví doanh nghiệp mình là “đại bàng đi bộ” và đến nay đã là năm thứ 14 kể từ khi đầu tư “đại bàng” vẫn chưa thể cất cánh.

Điều gì đã ràng đôi cánh “đại bàng”? Theo đại diện nhà đầu tư này thì đó là cơ chế, và vị này mong địa phương rộng mở hơn cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp có thể cất cánh.

Vấn đề là làm sao để gỡ “điểm nghẽn” về cơ chế, và quyết gỡ cho bằng được, bởi nhà đầu tư sẽ nhìn vào cơ chế của địa phương để quyết định đầu tư. Điều này phụ thuộc vào việc “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” vì Quảng Nam phát triển.

Khi di sản chưa thể phát huy hết giá trị, biến thành tài sản và sử dụng đúng cách thì chưa thể sinh lợi tương xứng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến di sản thành tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO