Môi trường

Lúng túng sử dụng tối ưu tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

QUỐC TUẤN 03/04/2024 10:05

Việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn phát sinh lúng túng, nhất là trong các thời điểm thời tiết diễn biến thất thường, cực đoan.

dji_0890.jpeg
Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 hồ chứa lớn phục vụ nhà máy thủy điện. TRONG ẢNH: Thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: Q.T

Thiếu cân đối sử dụng tài nguyên nước

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước ở mức độ trung bình. Nhu cầu sử dụng nước đang tăng lên theo năm, trong khi nguồn nước ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 hồ chứa lớn, hàng năm đóng góp cho hệ thống điện khoảng 4,6 tỷ kWh.

Đặc điểm của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một số thủy điện lấy nước ở sông này, trả nước về sông kia nên hầu như năm nào cũng phát sinh vấn đề về mất cân đối tài nguyên nước.

Theo ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương, lợi thế của các nhà máy thủy điện là có thể tăng giảm công suất nhanh, nhưng điều này cũng gây bất lợi cho việc sử dụng nước ở hạ du bởi dòng nước phía sau không đều, nếu chỉ chạy theo điện thì hạ du bất lợi lớn.

“Tổng lượng nước trong năm ở Quảng Nam lớn nhưng không đều trong các mùa, dẫn đến ở một số thời điểm phân chia ròng còn bất cập giữa các đối tượng sử dụng nước, giữa các địa phương.

Vấn đề là phải có biện pháp quản lý phi công trình hoặc biện pháp công trình ở hạ du để hạ du ít bị tác động tiêu cực nhất của chuyện huy động nước do thủy điện phát không đều” - ông Thế nói.

Theo đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, điều bất cập là một số nhà máy thủy điện trên toàn quốc lại đề xuất văn bản đề nghị khai thác tăng hơn 2 lần so với yêu cầu trong quy trình điều tiết liên hồ chứa vào mùa khô. Với cách khai thác như vậy thì chắc chắn không đủ nước để vận hành.

Tình trạng nhiễm mặn ở các nhà máy nước ở hạ du cũng rất đáng quan tâm. Đơn cử, để cấp được lượng nước sinh hoạt cho nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) cần lượng nước thô gấp 5 - 6 lần thì đơn vị này mới lấy được nước.

Rất cần phải có kế hoạch đầu tư về sử dụng nước hợp lý. Việc dùng nước ngọt để đẩy mặn chỉ là giải pháp tình thế, nhiều nơi chỉ như “muối bỏ bể”.

“Chính vì thế, để tiết kiệm, sử dụng tránh lãng phí là vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay chúng ta vẫn vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông theo quy trình cứng, dẫn đến một số thời điểm không phù hợp do điều kiện thời tiết, thủy văn mỗi năm khác nhau, tất yếu dẫn đến bất cập.

Câu chuyện vận hành linh hoạt và hài hòa mục đích của các bên sử dụng nước là vấn đề lớn hiện nay” - đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nói.

Cần kịch bản dự lường chủ động hơn

Tính sơ bộ, nếu phát ở công suất mạnh, các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam sẽ đạt công suất khoảng 1.300MW, đây là tài nguyên rất quý giá.

a-vuong.jpeg
Hồ chứa nhà máy thủy điện A Vương. Ảnh: Q.T

Theo các chuyên gia, tài nguyên thủy điện quy đổi từ nước này có đặc thù là công cụ hữu ích, linh hoạt, chủ động trong việc giảm phát thải, quy đổi năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu “net zero” mà Việt Nam đang hướng tới.

Nếu điều phối tốt tài nguyên thủy điện sẽ góp phần vào mục tiêu “net zero”, nâng cao giá trị kinh tế của việc sử dụng tổng hợp nước ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn phát sinh những bất cập, lúng túng từ phía các đơn vị thủy điện. Ông Ngô Xuân Thế cho hay, có một số vấn đề phát sinh nhưng là phát sinh có quy luật, yêu cầu thực tế phải xảy ra và có thể dự lường được.

Chẳng hạn như định kỳ 5 năm nhà máy thủy điện A Vương sẽ kiểm tra đường hầm một lần và thời điểm đó thì phải cắt hết nước. Tuy nhiên, trong quy trình vận hành liên hồ chứa chưa đề cập các biện pháp thay thế sẽ ra sao.

Bên cạnh đó, hiện hệ thống cũ không đảm bảo an toàn thông tin. Khi thay thế 1 tổ máy thì vẫn còn 1 tổ máy để đáp ứng quy trình vận hành liên hồ chứa. Nhưng đến phần chung của cả hệ thống thì bắt buộc phải dừng cả 2 tổ máy mới thay được. Quy trình liên hồ chứa cũng chưa đưa ra điều kiện và ràng buộc để thực hiện vấn đề này.

“Chỉ thị 05 ngày 14/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định cao điểm về điện sẽ từ sau 30/4 đến tháng 8/2024. Chắc chắn trong thời gian đó chúng tôi không thể dừng cả 2 tổ máy. Do đó đơn vị phải có lịch sửa chữa sớm hơn nhưng nếu thực hiện trước 30/4 thì lại vi phạm quy định liên hồ chứa. Do đó cần giải pháp điều hành, xử lý linh hoạt bởi đây là các vấn đề bất thường nhưng có thể dự lường” - ông Thế nói.

Còn theo ông Trần Nam Trung - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh 2, trong quá trình vận hành từ đầu năm đến hết tháng 5 tới, gần như các chủ hồ đơn lẻ phải tự tính toán thu thập trên cơ sở dữ liệu, kinh nghiệm của mình lồng ghép trong bài toán chung của quy trình vận hành liên hồ chứa.

“Nguồn dữ liệu thời tiết, thủy văn đầu vào giữa các đơn vị vẫn rất rời rạc. Những năm gần đây, việc đối chiếu dữ liệu để đảm bảo trữ đầy nước vào cuối năm để đảm bảo vận hành cho năm sau luôn rất bị động. Qua thực tế các dự báo không được như mong muốn, sai số khá nhiều.

Đơn vị phải tham khảo thêm các kênh, nguồn dữ liệu khác dẫn đến điều hành chưa được bài bản. Rất cần sự thống nhất trong nguồn dữ liệu, cách tính toán và sát với thực tế tình hình thời tiết để các nhà máy thủy điện chủ động vận hành, nhất là trong các thời điểm diễn biến thời tiết cực đoan, thất thường” - ông Trung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lúng túng sử dụng tối ưu tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO