Góc suy ngẫm

Ly hương bất ly tổ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 20/04/2024 07:23

Mỗi kỳ dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương lại vấn vương nhiều dòng tin nhắn về làng, về tộc, về nhà thờ ông bà để dâng hương hoa tri ân các bậc tiên tổ. Và tin nhắn nào cũng nhắc nhớ: Dù ai đi ngược về xuôi /nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba…

Năm nay, xứ Quảng có mấy nơi tổ chức sớm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ấn tượng như xã Bình An (Thăng Bình), tổ chức lễ vào 16/4 (tức mùng 8/3 năm Giáp Thìn).

Trong rất nhiều bức hình của bạn bè từ Bình An gửi đến, tôi đọc thấy sự ấm áp của cái nhìn hướng về nguồn cội, về vẻ đẹp quê hương xứ sở.

Đặc biệt cũng ở đó, có sự hiện diện những người con xa quê trở về cố hương, xúc động tỏ bày tâm sự như ông Nguyễn Đình Liêm (sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh), rằng ông rời quê nhà từ những ngày còn gian khó, nhưng luôn ghi nhớ trong lòng “ly hương bất ly tổ”. Và ông mong con cháu xa gần siết chặt tay nhau vì làng xã quê hương được gìn giữ qua bao đời.

Có lẽ không riêng ông Liêm, mà rất nhiều người Quảng xa quê đều mang tâm sự ấy. Chuyện ly hương theo bước đường mưu sinh lưu lạc có nhiều lý do khác nhau, hoàn cảnh, thành bại cuộc đời cũng khác, nhưng tâm thức chung của những người đã sinh ra ở làng, lớn lên và ra đi, vẫn vằng vặc mảnh trăng treo ký ức trên bờ tre, mái đình, giếng nước, bờ sông, cánh đồng… của làng quê xứ sở. Vậy nên mỗi khi nhắc nhớ về tổ tiên ông bà, là kỷ niệm, niềm thương lại trỗi dậy.

Nhân đây cũng bàn về cớ sự tên làng đổi thay giăng đầy trên các trang báo, trang mạng khi có việc sắp xếp đơn vị hành chính theo chuẩn mới.

Có những nơi thật máy móc và quá quắt khi định ghép tên các làng xã đầy bề dày văn hóa thành những địa danh mới mà đọc lên nghe ngô nghê, thậm chí tắc tị ý nghĩa khi bị xiên xẹo ra sự buồn cười.

Quan trọng hơn là sự đổi tên ấy có nguy cơ cắt đứt ký ức đời người qua dòng chảy lịch sử liên tục từ quá khứ đến hiện tại, để rồi sẽ mờ mịt trong tương lai.

Nói cho ngay, đổi thay kiểu gì đấy thì cũng phải giữ được hồn cốt của làng, chứ không thể tái diễn hiện tượng từng có như khi tên làng bỗng dưng hóa thành những con số 1, 2, 3, 4... vô hồn gắn với tên thôn.

Ở xứ Quảng, làng đã lớn lên trong ban sơ bình minh châu thổ Thu Bồn, Trường Giang, Vu Gia… và cả miền trung du, sơn cước. Vậy nên mỗi khi cúng đất cầu an ngoài ý niệm tạ ơn trời đất cũng còn tri ân các bậc tiền nhân mở đất lập làng, xác lập tên làng.

Vì vậy, tên xứ đất, tên làng cũng được xướng lên cùng chư vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh, khai cơ trong văn tế cúng đất, hoặc mỗi khi giỗ tổ, hội làng như tại lễ hội kỳ yên Tiên Châu (Tiên Phước) vừa diễn ra. Mỗi khi trở về làng, nghe xướng tế, người xa quê càng cảm ý niệm sâu thẳm của chuyện “ly hương bất ly tổ” là nhờ thế.

Ngày giỗ Tổ đã trở thành ngày quốc lễ, nên người Việt luôn thành kính với ý nghĩa đạo lý thiêng liêng “uống nước nhớ nguồn”. Từ sau thời đại “các vua Hùng đã có công dựng nước” thì lịch sử mở nước lại ghi thêm nhiều dấu ấn của các vùng đất – con người, trong đó có xứ Quảng.

Từ bàn đạp Quảng Nam, đất mở về phương nam, đạo thừa tuyên thứ 13 của nước Việt, đã tiến vào Cửu Long, khai phá thêm cả vùng rộng lớn.

Không chỉ trong công cuộc mở nước, hàng bao thế hệ con dân đất Quảng đã đem xương máu gìn giữ bức dư đồ của cha ông mà qua bao phen binh lửa, đất Quảng vẫn đứng đầu công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Dẫu trong đời có lúc phải ly hương nhưng không ly tổ là nhờ tâm thức hướng về cội nguồn. Xứ Quảng, dịp giỗ tổ, hội làng cũng mênh mang dòng chảy không ngừng của tâm thức lịch sử, dâng lên tổ tiên ông bà thức quà quê xứ mãi thơm thảo tấm lòng trong dịp tiết Thanh Minh này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ly hương bất ly tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO