(QNO) - Chậm chân một chút, đành ngồi quán cà phê gần trụ sở xã Tabhing (Nam Giang), ngó mưa.
Quán nằm bên đường chính của xã, cũng bàn bi a, nhạc karaoke ầm ĩ. Đã ớn tận não nạn loa kéo karaoke ở thị thành, lên đây lại bị tra tấn. Chưa thời nào hát hò vang dội như bây giờ. Đêm qua, lên sát biên giới, tưởng ngồi uống rượu nghe thinh không trong trẻo của rừng khuya, nhưng bị nện chát chúa bởi một ông say líu lo mà ráng '‘tiếng hát át tiếng... loa”: “Ở tận sông Hồng em có biết...”.
Mưa núi không như đồng bằng khi không gian mở cho mình ngó nước chan hòa, còn ở núi, cây rừng, lối nhỏ như bàn tay xòe ra, mưa qua ngách tay, chảy như đang xé vải. Chủ quán người miền ngoài, nhìn khách cười mỉm: “anh kiếm bạn nhậu đi, còn lâu mới về được”. Đêm qua đã nhậu, người giờ thở ra hôi như cú. Ngồi im. Không muốn rời đi cũng chẳng muốn ở. Mắc mưa ở núi, dễ khiến người ta nghĩ tiêu cực. Lúc này ngồi viết, tôi nhớ có lần uống say trong mưa ở hồ Thiên An tại Huế, sau này tôi nghe Phan Bùi Bảo Thy kể lại, là mi lao xuống hồ, anh Thanh Tú nghệ sĩ nhiếp ảnh lao theo kéo lại và không ngừng la “tau lạy mi Việt ơi”. Cùng kéo lại có thằng Tuấn “Lương Sơn Bạc” dân Y khoa. Say mềm môi, nhớ chi, tôi sau có kiểm tra lại chỗ Tuấn bác sĩ, hắn gật. Lúc đó tôi vừa bị đuổi học. Đó là tôi nhớ chuyện cũ, chứ giờ ngồi như đống rơm nhão nhẹt, rà lại, chằng nhớ chi, muốn lôi chuyện đang để tâm ra để nghĩ, nó cũng trốn biệt, ì ra.
Sáng sớm mà mưa xóa thời gian, trời như đã qua chiều. Ngày tháng trôi theo giọt nước trên lá cọ. Thời gian là tuyến tính, như tôi cho rằng là nó đứng im, chọn thời điểm mà rơi, đó là sự kỳ lạ của tạo hóa, và nó chỉ có nghĩa khi hiện hữu một chuyển động liên quan tới con người.
Nhạc ồn quá, tôi kêu chủ: “Nhỏ giùm chút”. Anh gật, hỏi tôi làm chi mà lên đây. Làm chi, đi đâu, thì đều bị thời gian quản thúc, dù biên độ nó vô hạn, nhưng đó là mình nghĩ. Nó trói đời mình, ví dụ như bây giờ, định chiều xuống núi để kịp tiễn một người quen vừa mất, nhưng chịu rồi. Nhạc như muốn đua với nước trên trời không ngừng tuôn xuống. Điện thoại báo tít tít, có nhắn tin, hắn hỏi xuống thị trấn chưa, đang đi mua mồi. Lạy. Lên phải xuống, đi phải về. Tới phải lui. Nhưng ngồi bây giờ, thấy có dù chi đi nữa, thấy cũng vậy thôi. Cú rích như thời gian, xưa như Diễm.
Mưa chuyển từ trắng qua xanh, rồi im bặt. Nó ngược với đời người. Tôi ngó làng dệt Zara, vắng tịnh tờ. Mùa này hiếm khách. Rừng mùa mưa như đặt ra luật cấm cản, mà để rừng nghỉ ngơi, kẻ lạ đừng tới, đừng khuấy động giấc ngủ mưa. Muốn mưa miết, triền miên, để những đôi chân núi nghỉ ngơi bớt đi trong cuộc thiên di áo cơm quá nhọc nhằn. Mưa đi, bao nhiêu ngày tháng cũng được, chỉ mong không lở núi tắc đường, còn lại xin cứ vô tư. Có như vậy rừng xưa mới xanh lá.
Vô nghĩa. Tiếng nói đâu đó mọc lên trong não. Lời mưa dạy, vô nghĩa hết, kể cả tồn tại. Tôi vừa tiễn một người quen vừa mất trong mưa trắng trời. Hỏa táng. Trên xe, mọi người đều gật hỏa táng là đúng, sạch sẽ, văn minh, không chiếm đất, đỡ làm phiền con cháu người thân, thời buổi ai cũng quấn lên kiếm ăn, đi tứ tán, nấm mồ nằm đó, không hương khói thì lòng bất an, nhưng thời gian đâu, cơ hội đâu để mà coi sóc, rồi năm tháng qua đi, không xiêu nấm lạc mồ thì cũng bị giải tỏa, san lấp. Di nguyện của anh, là gia đình rải tro cốt xuống sông Thu Bồn. Trở về với giọt nước rơi từ thinh không. Mặt người, nghĩ cho cùng, là giọt nước. Dẫu có kim cương bất hoại, ném ra mưa, không tan đi nữa thì cũng chỉ là vật thể chết, chết trong mắt kẻ không tha thiết mang vác gì ngoài tấm thân tứ đại mệt nhoài. Thảy rồi cũng cát bụi chân ai.
Ủa, mà sao rừng bặt tiếng theo mưa?