Văn hóa - Văn nghệ

Mạch chảy thời gian…

ĐẶNG TRƯƠNG 09/06/2024 09:16

Nhiếp ảnh nghệ thuật, là tìm kiếm khoảnh khắc, để lan tỏa cái đẹp hướng đến tính nhân văn…

z5410045775864_591de5b0611d452eee79aa959dc7db68(1).jpg
Nét đẹp Tây Bắc trong ảnh nhà sư Thích Thông Lưu.

Tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 tại Đà Nẵng vừa qua, có một bộ ảnh đã khiến Hội đồng giám khảo ngạc nhiên. Không chỉ vì ý tưởng và cách thể hiện, lần đầu tiên, có một tác giả là nhà sư tham gia liên hoan ảnh.

Nhà sư mê nhiếp ảnh

Đại đức Thích Thông Lưu (tục danh Nguyễn Hiếu), tu tại chùa Pháp Bảo (TP.Hội An). Chỉ mới đến với nhiếp ảnh nghệ thuật vài năm trở lại đây, nhưng niềm đam mê loại hình này đã ấp ủ trong ông nhiều năm về trước.

Hội An, phố cổ rêu phong trầm mặc - là nơi chốn mà không ít nghệ sĩ nhiếp ảnh từng khẳng định là “kỳ quan bất tận”. Tự bao giờ, cái đẹp từ tạo hóa đến không gian do con người kiến tạo ở Hội An, đã trở thành sợi chỉ đầu tiên để nhà sư dệt tình yêu với nhiếp ảnh nghệ thuật.

Đại đức Thích Thông Lưu tìm đến, gặp gỡ và lĩnh hội về nhiếp ảnh từ anh chị em nghệ sĩ trong câu lạc bộ nhiếp ảnh Hội An. Những chỉ dẫn ban đầu, những trải nghiệm thực tế mà anh chị em nhiếp ảnh nghệ thuật Hội An mang đến cho nhà sư trẻ, dường thổi bùng lên ngọn lửa đam mê với loại hình nghệ thuật này.

vẻ đẹp Tây Bắc trong ảnh sư Thông Lưu
Vẻ đẹp Tây Bắc trong ảnh sư Thích Thông Lưu

Đại đức Thích Thông Lưu, tiết lộ, ông yêu thích nhiếp ảnh từ lâu. “Nhưng đến khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tất cả hoạt động đều dừng lại, mình mới có thời gian mua sắm máy và bắt đầu chụp ảnh.

May mắn cho mình là được sự chỉ dẫn tận tình của các nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy kinh nghiệm ở câu lạc bộ nhiếp ảnh Hội An. Nhờ đó mà mình tự tin hơn trong từng góc máy, khoảnh khắc…” - Đại đức Thích Thông Lưu nói.

Ngoài việc tu tập, khi có thời gian rảnh rỗi, sư Thích Thông Lưu lại mang máy lang thang qua những con đường, góc phố Hội An để săn ảnh.

Thi thoảng, trên bước đường tu hành, qua những nẻo đường đất nước, nhà sư tranh thủ mang theo máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp trên đường đi.

z5410044846467_54ffac39d5d81cdd82e859b19bd2aa27.jpg
Vẻ đẹp của thắng cảnh qua tay máy nhà sư Thích Thông Lưu.

Những bản làng heo hút tận miền Tây Bắc hay những cánh đồng tươi xanh đầy sức sống, rồi cả những thắng cảnh tuyệt đẹp của quê hương… đã đi vào ống kính nhà sư. Và chúng trở thành những tác phẩm ảnh nghệ thuật mang đậm hơi thở và sắc màu của cuộc sống đời thường.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Quảng Nam nhận xét rằng, nhà sư Thích Thông Lưu đã ấp ủ trong mình một tình yêu đẹp với nhiếp ảnh nghệ thuật, tác phẩm của ông mang lại cho người xem về sự chín chắn, bình yên trong từng khoảnh khắc. Có lẽ, ngoài vẻ đẹp ở bên ngoài còn có một mạch chảy của cảm xúc, của sự trải lòng... bên trong mỗi tác phẩm.

Mạch chảy thời gian…

Lần đầu tiên tham gia Liên hoan ảnh nghệ thuật mang tầm khu vực và cũng là lần đầu tiên thử sức mình với một tác phẩm ảnh bộ có tên gọi “Mạch chảy thời gian”, Đại đức Thích Thông Lưu đã mang đến một sự ngạc nhiên cho Hội đồng nghệ thuật, giới nhiếp ảnh và người xem ảnh.

Bộ ảnh Mạch chảy thời gian của Đại đức Thích Thông Lưu
Bộ ảnh Mạch chảy thời gian của Đại đức Thích Thông Lưu

Tác phẩm gồm 7 ảnh đơn (ảnh kèm) với lời thuyết minh: “Quá khứ là điều không thể thay đổi, chỉ có hiện tại và tương lai. Người trong hoàn cảnh đau thương mới thấu hiểu và cảm nhận được giá trị của hạnh phúc.

Vết thương dù lớn hay nhỏ cũng in dấu và không bao giờ hàn gắn nguyên vẹn. Quá khứ dù thế nào đi nữa thì mạch sống mãi tuôn chảy và con người phải bước về phía trước. Chạm vào quá khứ là cách để tăng thêm niềm tin và nghị lực để cuộc đời mãi đẹp tươi”.

Đại đức Thích Thông Lưu cho rằng, ông may mắn tiếp cận với nhiếp ảnh nghệ thuật và được tham gia trại sáng tác ảnh ở TP.Đà Nẵng. Khởi từ duyên này, ông lên ý tưởng và thực hiện bộ ảnh “Mạch chảy thời gian”.

Với suy niệm rằng, đôi khi cái nhìn của chúng ta chỉ lướt qua bên ngoài. Những bức tượng Chăm trong “Mạch chảy thời gian” mang theo linh hồn mà người tạo tác gởi gắm… Trong đó, sự đứt gãy, không nguyên vẹn của tượng đá cũng như những vết thương, khiếm khuyết của con người, luôn mang day dứt và nỗi đau riêng.

Người cầm máy có thể cảm nhận đôi chút về nỗi đau lẫn những mất mát mà mình nhìn thấy. Và chỉ có những người khiếm khuyết, đứng trước những day dứt kia, mới thấu hiểu rõ nhất những thiệt thòi, không nguyên vẹn.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024, cho biết: “Trong số 166 bộ ảnh tham gia triển lãm, chúng tôi rất ấn tượng với “Mạch chảy thời gian” của tác giả Nguyễn Hiếu - Đại đức Thích Thông Lưu.

Tác phẩm mang chiều sâu ý tưởng, thể hiện được cái nhìn rất nhân văn của người cầm máy. Nếu tác phẩm này tham gia ở một triển lãm ảnh nghệ thuật khác với những tiêu chí mở hơn, thì chắc chắn tác phẩm sẽ đoạt giải cao hơn”.

z5410044803898_6126c78bdad2d5f8e2e282c31edb904c(1).jpg
Khoảnh khắc đời sống qua tay máy nhà sư Thích Thông Lưu.

Đại đức Thích Thông Lưu bảo, ông rất mê ảnh bộ. Bởi thông qua đó, người cầm máy có thể kể cho người xem câu chuyện đằng sau những tấm ảnh.

“Mạch chảy thời gian” là ảnh bộ đầu tay nhưng đã gặt hái được thành công. Đó chính là sự động viên, khích lệ rất lớn cho người cầm máy nhiếp ảnh không chuyên như ông. Đại đức Thích Thông Lưu đã từng đoạt vài giải ảnh đơn trước đó, như giải 3 cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Yên Bái, giải khuyến khích cuộc thi ảnh quốc tế TP.Hồ Chí Minh…

Ảnh bộ cũng chính là hướng đi mới trong nhiếp ảnh nghệ thuật mà Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khuyến khích các nghệ sĩ thể hiện.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Đông - Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: “Hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật ngày càng mở rộng đối tượng tham gia, không phân biệt hội viên ở địa phương hay Trung ương.

Tại Liên hoan ảnh Nam miền Trung - Tây Nguyên vừa qua, tôi rất ngạc nhiên, tò mò khi được Hội đồng nghệ thuật thông báo bộ ảnh “Mạch chảy thời gian” của một nhà sư đoạt giải. Khi tiếp cận bộ ảnh này, tôi rất thích thú, tìm hiểu và cảm nhận được ý tưởng, góc nhìn sâu sắc mà người cầm máy muốn gởi gắm vào đó”.

Người tu hành có rất nhiều cách để “hoằng pháp” - truyền đạt giáo pháp đến xã hội. Có người chọn thuyết giảng đạo hạnh, có người hướng đến nhân sinh bằng những việc làm thiện nguyện hay lựa chọn khổ hạnh để tìm đến chân tu.

Và, cũng có khá nhiều nhà sư, ngoài việc tu tập đã chọn văn học nghệ thuật để hướng đến chân thiện mỹ. Đại đức Thích Thông Lưu bảo rằng, ông chọn nhiếp ảnh vừa để thỏa đam mê nghệ thuật, đồng thời cũng là cách để lan tỏa cái đẹp, cái hay đến với mọi người. Âu, đó cũng là một cách hoằng pháp vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mạch chảy thời gian…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO