Malaysia kiểm soát thị trường thực phẩm chức năng
(QNO) - Bộ Y tế Malaysia cho biết, hơn 6.000 đơn vị thực phẩm chức năng chưa đăng ký trị giá 16 triệu ringgit bị tịch thu trong 5 năm qua; tuy nhiên sản phẩm giả, kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, nhất là trên sàn thương mại trực tuyến, mạng xã hội.

Bộ Y tế Malaysia đang tăng cường ngăn chặn các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả và khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi mua thuốc hoặc thực phẩm chức năng trực tuyến.
"Sản phẩm sức khỏe giả mạo thường được bán bởi người vô trách nhiệm, chỉ quan tâm đến lợi nhuận hơn là an toàn sức khỏe cộng đồng" - đại diện Phòng Thực thi dược phẩm của Bộ Y tế Malaysia nói với tờ The Star.
Theo các chuyên gia, thực phẩm chức năng giả thường không chứa đúng thành phần hoạt tính trong khi một số có thể chứa quá nhiều, quá ít hoặc không có thành phần nào, khiến không hiệu quả trong việc hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh hoặc làm bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Thậm chí, Bộ Y tế Malaysia cảnh báo nhiều sản phẩm chứa chất nguy hiểm hoặc độc hại, sản xuất trong môi trường không hợp vệ sinh, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Malaysia đang tăng cường giám sát các trang web, nền tảng truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến về thuốc, thực phẩm chức năng.
Cạnh đó, Malaysia hợp tác chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử và truyền thông xã hội để đảm bảo danh sách mặt hàng giả mạo nhanh chóng ra khỏi thị trường, người tái phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định.

Tại Malaysia, tất cả sản phẩm dược phẩm và thực phẩm chức năng phải đăng ký với Cơ quan kiểm soát dược phẩm của Bộ Y tế Malaysia. Sản phẩm cũng bao gồm ảnh ba chiều bảo mật trên bao bì.
Vào năm 2019, Bộ Y tế Malaysia giới thiệu ảnh ba chiều FarmaTag, cho phép người tiêu dùng và cơ quan thực thi xác minh tính xác thực của sản phẩm đăng ký.
Ngoài ra, Malaysia triển khai chiến dịch Tolak Ubat Tidak Sah (TOBaTS) trên toàn quốc nhằm cảnh báo công chúng về nguy cơ sức khỏe, "tiền mất, tật mang" khi sử dụng thuốc không đăng ký, thuốc hoặc thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.
Bộ Y tế Malaysia khuyến nghị người tiêu dùng mua thuốc và thực phẩm chức năng từ nguồn uy tín như hiệu thuốc được cấp phép hoặc nền tảng đã được xác minh, đồng thời cảnh giác với sản phẩm giảm giá mạnh trực tuyến vì đây thường là hàng giả.
Mọi người có thể báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện người bán hàng giả. Người tiêu dùng có thể truy cập trang web của Cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia Malaysia tại http://npra.moh.gov.my để xác minh tình trạng đăng ký của bất kỳ sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Sản phẩm giả cũng có thể được báo cáo thông qua Hệ thống quản lý khiếu nại công của Malaysia (SisPAA).