(QNO) - Ngày 25/4 vừa qua, Tòa án quận Tokyo của Nhật Bản phạt đơn vị Amazon Nhật Bản 35 triệu yên (khoảng 244 nghìn USD) vì cho phép bán sản phẩm giả trên nền tảng.
Quyết định của tòa án Nhật Bản nhằm củng cố trách nhiệm của thị trường trực tuyến trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Tòa buộc Amazon Nhật Bản (công ty con tại Nhật Bản của Amazon) phải chịu trách nhiệm vì không hành động đủ để ngăn chặn việc bán máy đo ô xy xung giả - thiết bị y tế đo nồng độ ô xy trong máu, trong khi trước đó cửa hàng trực tuyến nhận được cảnh báo về vấn đề này.
Cụ thể, tòa án cho biết Amazon không xóa danh sách hàng giả vào năm 2021 dù biết sản phẩm là hàng giả, không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến doanh số bán sản phẩm chính hãng.
Vụ kiện do Try and E Co. - nhà sản xuất thiết bị y tế và Excel Plan Co. - nhà phân phối của công ty đệ trình. Các nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại 280 triệu yên, song tòa chỉ trao quyền bồi thường cho Excel Plan.
Các phiên bản máy đo nồng độ ô xy trong máu giả bày bán trên Amazon Nhật Bản với giá thấp hơn khoảng 10% so với hàng chính hãng, ảnh hưởng đến khả năng hiển thị của sản phẩm chính hãng trong kết quả tìm kiếm do thuật toán của Amazon điều khiển vốn ưu tiên giá thấp hơn.
"Phán quyết của tòa án Nhật Bản là bước ngoặt về mặt thừa nhận nghĩa vụ xây dựng một hệ thống xác thực phù hợp, vì nhiều doanh nghiệp thực tế không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các nền tảng như Amazon" - một luật sư đại diện bên nguyên đơn cho biết.
Trong khi đó, nhiều công ty mỹ phẩm tại Nhật Bản đang chuyển sang công nghệ bao bì thông minh như mã phản hồi nhanh (QR), thẻ giao tiếp tầm gần (NFC) và blockchain (chuỗi khối) để chống hàng giả, đặc biệt trên thị trường trực tuyến.
Ông Ahmad Khan - nhà phân tích cấp cao tại GlobalData cho biết mỹ phẩm giả tràn lan trên các trang thương mại điện tử - nơi người tiêu dùng không thể xác minh trực tiếp những gì đang mua.
Những kẻ làm hàng giả sử dụng thành phần rẻ tiền, bao bì nhái và trang web giả mạo để lừa dối người mua. Người tiêu dùng cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của chương trình khuyến mại nhanh chóng trên YouTube, Instagram và TikTok.
Ông Ahmad Khan cho biết 37% người tiêu dùng Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi quảng cáo trên mạng xã hội.
Ngành công nghiệp làm đẹp của Nhật Bản dự kiến tăng trưởng 5% đến 7% hằng năm cho đến năm 2028 với mua sắm trực tuyến dự kiến chiếm 21% thị trường, theo GlobalData. Do đó, các nhà sản xuất đang chịu áp lực phải áp dụng các công nghệ chống hàng giả.
Dù bao bì thông minh có lợi ích riêng, chi phí cao lại là rào cản đối với thương hiệu nhỏ hơn. Trong khi các công nghệ đơn giản như mã QR có giá cả phải chăng, các tùy chọn tiên tiến hơn như NFC và blockchain cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng.
Để vượt qua thách thức trên, ông Ahmad Khan cho rằng các thương hiệu nhỏ hơn nên tập trung vào giải pháp thay thế có chi phí thấp như xác minh trang web, hoặc hợp tác với nhà cung cấp công nghệ để chia sẻ chi phí.