Du lịch

Mâm cơm đầu thu ở Mù Cang Chải

LÊ NGỌC 03/10/2024 12:22

(VHQN) - Mù Cang Chải – đoạn “Mũi Giày” trong truyền thuyết. Gần 10 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bức tranh mùa thu tuyệt đẹp ở nơi này.

dji_0053.jpg
Mùa thu ở Mù Cang Chải.

Lần đầu tiên tôi cảm nhận mùa trôi qua những thay đổi rất nhỏ của thiên nhiên. Lần đầu tiên tôi thưởng thức những món ăn đặc sắc được chế biến giản dị bởi người Mèo ở thung sâu.

Mùa hương sắc

Mùa thu năm đó, chúng tôi trên chiếc xe bán tải đời cũ, khởi hành từ TP.Hồ Chí Minh, qua các tỉnh miền Trung, ra đến Hà Nội, từ đó, tiếp tục di chuyển về phía Tây Bắc.

Điểm dừng chân đầu tiên của cả nhóm là Mù Cang Chải - nơi ruộng bậc thang đang chuyển dần từ màu từ xanh lá non sang màu vàng óng ả. Điểm nhấn trên bức tranh phong cảnh mùa thu tuyệt đẹp ấy chính là sắc màu rực rỡ từ trang phục của những phụ nữ vùng cao đang gặt lúa trong niềm hân hoan.

Mùi lúa thơm quyện với hương gió đặc trưng từ cây cỏ của vùng núi cao làm trái tim đập rộn ràng. Ngang qua Tú Lệ, tôi còn được nghe hương cốm - thức quà của mùa thu - dịu dàng len lỏi trong hơi thở núi đồi.

Đến Mù Cang Chải, cả nhóm ngủ qua đêm tại căn nhà sàn mang tên Dò Gừ - của hai vợ chồng người H’mông mở ra để đón tiếp du khách. Chị Gừ chủ nhà là một phụ nữ tháo vát với cách phát âm tiếng Kinh lơ lớ rất dễ thương.

Căn nhà của chị giống như bao căn nhà sàn khác: bên dưới là bếp và khoảng trống dùng để kê mấy bộ bàn ghế, bên trên là mặt sàn rộng đủ làm chỗ ngủ cho khoảng 20 người. Chúng tôi xếp dọn đồ đạc xong liền được chị chiêu đãi một mâm cơm nóng hổi đầy đủ rau, thịt.

dji_0014.00_04_11_27.still016_1(1).jpg
Mâm cơm của người H’mông.

Chị nấu ăn rất ngon, nên tôi ngỏ lời ngày hôm sau theo chị vào bếp học nấu vài món của người bản địa. Ẩm thực mùa thu ở Mù Cang Chải không quá phong phú vì người ở đây vốn đơn giản chuyện cái ăn cái mặc. Quan niệm ẩm thực cơ bản của những nơi điều kiện vật chất thiếu thốn chính là mùa nào thức nấy.

Bà con vùng cao thường đi rừng hái các loại rau dại. Tại nhà, họ trồng rau cải xanh có vị đắng nhẫn. Dân miền xuôi thường gọi là cải mèo vì Mèo là cách gọi khác khi nhắc đến dân tộc H’mông.

Mùa thu còn là mùa những dây bí ngô sai quả phủ kín các mái nhà. Đó cũng là một điểm thú vị của nhà cửa ở vùng cao. Người ta thường làm giàn cho bí leo từ mặt đất lên mái nhà. Dưới mái hiên nhà còn có giàn bắp treo lủng lẳng trông rất vui mắt.

Màu cam của bí đỏ lẫn với màu vàng sẫm của bắp. Màu nâu của những mái nhà đang dần phai đi vì sương gió. Màu xanh của núi đồi và màu vàng dịu của ruộng lúa tạo nên khung cảnh nên thơ...

Tò mò, chúng tôi xin vào thăm nhà một người dân nọ. Căn nhà lụp xụp hơn tôi hình dung. Bên dưới mái nhà phủ kín giàn bí đỏ nên thơ kia là chuồng lợn, chuồng gà và không gian sinh hoạt của gia đình.

Kỷ niệm trong gian bếp

Chị Gừ hướng dẫn chúng tôi nấu món gà băm xào ớt, gà xóc muối, và pá dù - món ăn rất giống thịt heo cuộn lá lốt. Sẽ không có gì đặc biệt khác với món ăn miền xuôi nếu không có thêm lá dù - một loại lá rừng với hương thơm đặc trưng.

44162508_1036094426569030_6726969403256078336_o.jpg
Tác giả (bìa phải) trong trang phục của người H’mông.

Vị cay nồng của những món ăn trong tiết trời mùa thu trên vùng núi cao se lạnh làm bừng lên cảm giác như được nhận vòng ôm siết chặt từ một người bạn mới quen. Mùa thu Mù Cang Chải đã yêu chiều tôi đến thế!

Chúng tôi nấu ăn trong gian bếp tối nhưng những lời chuyện trò lại sáng hơn cả vệt nắng trải trên đồng lúa ngoài kia. Sau khi làm xong món chính, tôi hỏi chị: “Nấu canh thì mình cần gì?”, ý muốn biết cách nấu canh của chị có khác gì so với cách thông thường không. Chị hồn nhiên đáp: “Nấu canh thì cần cái nồi!” khiến cả bọn bật cười khanh khách.

Bát canh bí đỏ cũng không giống với bất kỳ bát canh nào tôi từng thưởng thức. Dù mùa thu, đi từ Đông sang Tây, nơi nào cũng đầy bí đỏ. Từng miếng bí có vị béo, bùi, và ngọt lừ. Đĩa rau bí luộc có vị đậm đà do thời tiết ở đây khắc nghiệt hơn nên từng cọng rau chính là sự chắt chiu của những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của đất trời ban tặng.

Trong lúc chúng tôi chuẩn bị bữa trưa, đứa bé con của chị khi ấy tầm 4 tuổi cứ chạy quanh dưới chân mẹ, thi thoảng sà vào lòng mẹ. Còn có cả một con mèo mướp thích ngồi bên cạnh bếp củi, quan sát và lắng nghe câu chuyện giữa chúng tôi một cách chăm chú và tận hưởng bầu không khí thân tình này.

Nó gần như là kỷ niệm đẹp nhất về mùa thu chúng tôi từng có. Tương tự, khung cảnh mùa thu trôi qua ô cửa kính xe chỉ có thể xảy ra một lần duy nhất, không bao giờ có thể gặp lại dẫu chúng tôi có trở lại trên cùng một tuyến đường.

Những ngày miền non cao Tây Bắc oằn mình với thiên tai, tôi liên hệ với chị Gừ. Chị nói, Mù Cang Chải đoạn chúng tôi lưu lại không thiệt hại nhiều.

Và tôi lan man nghĩ, đời người trải qua không biết bao cơn dông bão. Nhưng lần nào, niềm tin rằng rồi sẽ ổn đưa chúng ta đi qua những cơn bão. Giữa những khó khăn, chúng ta thấy sự hiện diện của tình thân.

Hai chữ “tình thân” này không chỉ giới hạn trong phạm vi giữa những người thật gần bên cạnh, mà là thứ tình thân giữa con người và con người, bất kể lạ hay quen.

Tôi quay quắt nhớ đến từng vùng miền mình từng đi qua, cùng ghi dấu tuổi thanh xuân rực rỡ. Biển mây, đồi núi, thác, suối, những con đường ôm quanh núi… Tôi mong gặp lại nơi đó an lành - như mùa thu Mù Cang Chải trong ký ức, thêm nhiều lần nữa trong đời!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mâm cơm đầu thu ở Mù Cang Chải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO