Người dân huyện Đông Giang đã chú trọng nuôi trồng, khai thác, chế biến nông - lâm sản đặc trưng của địa phương thành sản phẩm hàng hóa, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống.
Biến đồi trồng keo thành nơi trồng chè dây Ra Zéh là xu hướng đã và đang được người dân xã Ba, xã Tư lựa chọn thực hiện. Không như trước đây phải khoanh nuôi dưới tán rừng nhỏ lẻ, nay người dân đã áp dụng đề tài “Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm cây chè dây (Ra zéh) trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang” vào trồng trọt.
Qua đó góp phần phát triển nguồn nguyên liệu, đảm bảo cho chế biến và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường. Nếu chăm sóc tốt, mỗi héc ta có thể cho thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Tại Đông Giang, một trong những chuỗi liên kết sản xuất đang cho thấy hiệu quả đó là nuôi heo đen địa phương.
Ông A Lăng Tư trú thôn A Roong (xã Mà Cooih) cho biết, gia đình từng được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ 10 con heo nái, thuộc giống heo cỏ địa phương và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thả nuôi, cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh.
Hộ này làm trang trại, thả heo nuôi với nguồn thức ăn sẵn có như chuối cây, sắn trồng tại chỗ… Nguồn heo nái giống vừa nêu mỗi năm sinh sản khoảng 40 con heo con; giá bán 1,5-2 triệu đồng/con.
Những năm qua, việc ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, kêu gọi đầu tư để phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của Đông Giang đã gặt hái nhiều thành quả. Đông Giang có 23 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao là chè dây Ra zéh và ớt muối A Riêu.
Theo ông Đinh Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ớt A Riêu là nông sản hữu cơ hoàn toàn tự nhiên đã góp phần nâng cao sinh kế, phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học. Ớt được gieo trồng phổ biến tại nhiều xã và hiện đã nhân giống được 12ha với khoảng 100 hộ dân tham gia.