Nhờ bảo tồn và phát triển giống ớt A Riêu mọc hoang dại, nhiều hộ dân Cơ Tu ở xã Mà Cooih (Đông Giang) có thêm nguồn thu nhập khá.
Theo đồng bào Cơ Tu ở xã Mà Cooih, trước đây ớt A Riêu được chim chào mào ăn và bài tiết hạt ra ngoài tự nhiên. Hạt giống gặp điều kiện thuận lợi mọc thành cây ở khắp cánh rừng.
Sau những lần đi nương rẫy, bà con hay thu hoạch quả về làm gia vị trong bữa cơm gia đình. Họ thấy khi ăn quả ớt cay giòn và mùi vị đặc trưng nên mang về ươm giống để trồng trong vườn nhà hoặc dưới những rẫy keo.
Đến mùa cây ớt ra hoa kết quả, bà con đợi quả già và hái để chế biến các món ớt muối, phơi khô dự trữ, dư thừa thì mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập. Cũng từ đây, ớt A Riêu bén duyên với đồng bào Cơ Tu và trở thành cây trồng giúp bà con thoát nghèo.
Ông Ating Banh (thôn Cutchrun, xã Mà Cooih) cho biết, năm 2022, gia đình ông chuyển đổi khoảng 1 sào đất rẫy trồng bắp sang giống ớt này. Sau 3 tháng ươm trồng và chăm sóc, cây ớt bắt đầu cho thu hoạch quả. Bình quân mỗi cây ớt ra khoảng 3 - 4 lạng quả.
Mỗi năm, cây ớt cho thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt hái cách nhau 15 ngày. Đến mùa thu hoạch, ông Banh mang gùi đi hái ớt xanh mang về bán cho HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih với giá khoảng 200 nghìn đồng/kg, còn quả ớt chín thì giữ lại làm giống để trồng vụ sau. Mỗi vụ ớt, gia đình ông thu được hơn 15 triệu đồng.
Theo ông Alăng Diên – Giám đốc HTX lâm nghiệp Mà Cooih, ớt A Riêu thích nghi với thổ nhưỡng ở địa phương nên cây phát triển tốt, quả đẹp, có mùi vị đặc trưng của núi rừng.
HTX đang liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến, HTX đã hỗ trợ 10 hộ dân với khoảng 10.000 cây giống và hướng dẫn họ gieo trồng, sau đó thu mua sản phẩm khi thu hoạch.
Ông Arất Bói – Chủ tịch UBND xã Mà Cooih cho biết, toàn xã có 640 hộ dân, trong đó 247 hộ nghèo, đều trồng ớt. Cạnh đó, muối ớt A Riêu đã trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh.
“Trước đây, nguồn thu nhập chính của đồng bào Cơ Tu từ cây sắn, ngô, chuối, gỗ keo..., giờ có thêm ớt A Rriêu giúp nhiều hộ xóa đói giảm nghèo. Mỗi năm huyện hỗ trợ xã 200 triệu đồng mua cây giống cung cấp cho người dân trồng” - ông Bói cho biết.
Hiện nay, ớt A Riêu không chỉ được trồng ở xã Mà Cooih mà còn được phát triển rộng rãi ở huyện Đông Giang. Cạnh đó, ớt A Riêu còn được nhiều lần tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài tỉnh, ngày càng được người tiêu dùng biết đến.