Theo bước chân người Quảng

Mang ơn quê nhà

PHẠM TIỂU VŨ 27/04/2025 09:00

“Ông ở làng mô?”, “Nhà mình có gần cầu Vĩnh Điện không?” - “Nhà tui ở sát chợ La Tháp”.

Thị trấn Ái Nghĩa hôm nay. Ảnh: CÔNG TÚ
Thị trấn Ái Nghĩa hôm nay. Ảnh: CÔNG TÚ

Cái cách người Quảng nhận nhau không bằng số nhà, số phường, mà bằng tên làng, tên xã đã nói lên tất cả.

Biết ơn tên làng

Tôi là người của làng Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Một cái tên thân thương chưa bao giờ rời khỏi ký ức, dù có đôi lần bị lặng đi giữa những cái tên khác được nhắc đến nhiều hơn.

Làng Ái Nghĩa, không biết có từ bao giờ và cũng không nhớ chính xác mình yêu làng từ khi nào. Có thể từ lần đầu tiên mẹ dắt tôi tập đi trên sân, từ những buổi tan trường lội bộ trên con đường đất lầy lội sau cơn mưa, hay từ những chiều thấy dáng mẹ lom khom dưới bếp nhóm lửa, khói bốc lên thơm mùi rơm rạ lẫn với tiếng gà chiều gọi nhau về chuồng.

Ở đó, tôi học được bài học đầu đời về sự nhẫn nại, về nghĩa tình, về cách người Quảng sống: mộc mạc, bền gan, không nói nhiều nhưng làm đến nơi đến chốn.

Tôi biết ơn tên làng tên xã của quê hương không chỉ vì đó là nơi tôi sinh ra, mà còn là nơi ông bà cha mẹ tôi từng sống, nơi bao thế hệ trong gia đình tôi đã gắn bó.

Làng Ái Nghĩa nép bên sông Vu Gia, dòng sông mang phù sa và cũng từng mang theo bao mùa lũ dữ. Nhưng cũng chính dòng sông ấy đã tưới tắm những thửa ruộng bội thu, nơi mẹ tôi rửa cải gánh đi bán chợ chiều.

Kề bên làng Ái Nghĩa là làng Phiếm Ái, một cái tên thiêng liêng trong ký ức tôi, không chỉ bởi gần gũi về địa lý mà còn chung một mạch văn hóa.

Nơi đây từng là điểm xuất phát cho phong trào “Trung Kỳ dân biến” năm 1908 khi các lý trưởng, sĩ phu của làng họp bàn xin giảm sưu thuế. Dù cuộc khởi xướng ấy bị đàn áp, nhưng tinh thần không khuất phục của cha ông vẫn cháy âm ỉ trong lòng người Quảng.

Và tôi lớn lên cùng với niềm tự hào lặng lẽ khi được ở sát nơi đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước từ thế hệ ông cha. Một cái làng hiền hòa nhưng không chịu khuất phục, nơi tinh thần dám đứng dậy vì lẽ phải đã âm thầm thấm vào lòng người Quảng suốt bao thế hệ.

Tôi biết ơn làng mình vì mọi điều vừa thiêng liêng vừa gần gũi đó. Mỗi tiếng gọi, mỗi con đường đất, mỗi giọt mưa đầu mùa thấm vào áo cũng như ngấm sâu vào máu thịt tôi. Mỗi lần trở về quê, đi ngang chợ cũ hay thấy sông Vu Gia đang vào mùa nước lũ đỏ ngầu, tôi vẫn cảm thấy lòng mình chùng lại, như thể thời gian cũng biết khựng lại một nhịp để chờ tôi hồi tưởng.

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

Tôi biết ơn cả những món ăn dân dã của quê nhà, tưởng chừng đơn sơ mà làm nên bản sắc: chén mắm cái dằm ớt trái, tô mỳ Quảng dân dã, lát thịt heo cuốn bánh tráng với rau vườn, cá chuồn kho mít non, cá nục cuốn bánh tráng sắn.

Những món ăn ấy không chỉ là vị giác, mà còn là ký ức, là cách người Quảng giữ gìn căn cốt văn hóa giữa muôn vàn biến động. Mỗi lần đưa mắm cái chấm miếng rau luộc quê nhà, tôi như được trở lại những bữa cơm chiều giản dị thuở thiếu thời. Những mùi vị ấy không cần tô vẽ, bởi bản thân nó đã đầy đủ để lưu giữ một phần hồn quê.

Tôi biết ơn những câu ca dao đã nuôi tôi lớn lên qua lời hát ru của bà của mẹ: “Dù xa chỗ ngõ cũng xa/Dù gần Vĩnh Điện La Qua cũng gần”.

Câu ca dao ấy tôi ngỡ như viết riêng cho những đứa con xa quê như tôi. Nó không chỉ nhắc đến một tên làng tên xã cụ thể mà gợi lên cả một cách sống đậm nghĩa tình của người dân xứ Quảng. Gần hay xa không phải chuyện địa lý, mà là chuyện lòng. Nếu còn thương, còn nhớ, còn giữ nghĩa tình thì mọi địa danh đều gần, mọi khoảng cách đều thu ngắn.

Có lẽ mỗi người Quảng xa quê đều từng thấy mình trong câu ca: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say”.

Cái thấm của đất xứ Quảng không cần cơn mưa lớn, chỉ chút ẩm thôi cũng đủ lan ra sâu lắng. Cái say của rượu không cần uống cạn, chỉ nhấp môi đã đủ lâng lâng. Cũng như người Quảng, không cần phô trương, không cần ồn ào, nhưng một khi đã thương, đã nghĩa thì sâu sắc đến tận đáy lòng.

Rồi từ làng mình, tôi nhớ đến những tên làng khác trên đất Quảng. Những cái tên nghe một lần đã khó quên, bởi nó gợi ký ức, gợi hình ảnh và bao câu chuyện, Tí Sé, Dùi Chiêng, La Qua, Đại Bình, Thanh Chiêm, Cẩm Lý...

Cảm ơn quê hương

Tôi biết ơn làng Kim Bồng, nơi những người thợ mộc vẫn miệt mài dựng cột gỗ cho phố cổ. Những lần về thăm quê tôi đứng lặng nơi làng gốm Thanh Hà hơn 500 năm tuổi mà ngỡ như đang nhìn thấy thời gian được vo tròn trong từng dáng bình đất.

Mỗi tên làng của quê hương đều gắn với nét văn hóa rất riêng. “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều”. Từ một nơi rất xa tôi vẫn nghe nhịp chiêng vọng ngân vang từ làng đúc đồng Phước Kiều, tiếng trống dập dồn từ làng trống Lâm Yên dường như không bao giờ dứt…

Tất cả tên làng ấy, dù chỉ đi qua hay chỉ nghe kể, đều cho tôi một cảm giác thân quen. Như thể chỉ cần nghe đến, tôi đã hiểu rằng ở đó có cùng một dòng máu: bền gan, trọng nghĩa, cần cù, ít lời nhưng đậm tình. Mỗi địa danh là một mảnh ghép của ký ức chung, nơi văn hóa và con người quyện lại thành bản sắc không thể nhầm lẫn.

Tôi biết ơn quê hương Quảng Nam không chỉ vì là nơi sinh ra tôi, mà vì nơi ấy đã trao cho tôi một dáng hình, một giọng nói, một cách nghĩ. Và quan trọng nhất, một nhân cách đậm đà chất Quảng. Cái chất mà dù tôi đi đâu, sống ở nơi nào cũng không thể phai mờ, như mùi mắm cái dằm ớt trái vẫn còn vương nơi đầu lưỡi, như tiếng trống đình làng vẫn còn ngân trong giấc mơ. Cái chất ấy cho tôi lòng tự trọng, sự nghĩa khí, và cả một nỗi nhớ quê không thể gọi thành tên.

Với một người cầm bút, tôi không biết làm gì khác để giữ lại tên làng, tên xã ngoài cách tôi chọn viết. Tôi viết để nghe tiếng trống Lâm Yên vẫn còn vang lên mỗi mùa lễ hội, và chiêng Phước Kiều vẫn còn ngân theo thời gian. Tôi viết để không quên những điều tưởng chừng nhỏ bé là tên làng tên xã của quê mình, là dáng mẹ lom khom nhóm bếp dưới bầu trời mùa mưa, tiếng gà gọi nhau về chuồng, hay một con đường đất lầy lội in dấu chân trẻ nhỏ. Viết để giữ lại một vùng ký ức mà tôi tin rằng, không chỉ mình tôi, mà bất kỳ ai từng lớn lên từ làng quê Quảng Nam cũng mang theo trong tim.

Cảm ơn quê hương. Cảm ơn làng Ái Nghĩa, nơi tôi bắt đầu cuộc đời và cũng là nơi tôi sẽ luôn trở về, bằng bước chân hoặc bằng những trang viết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mang ơn quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO