Sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập (28/3/1930), chỉ một tuần sau đó, ngày 5/4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của phủ Điện Bàn ra đời và sau đó gần 4 tháng Phủ ủy Điện Bàn được thành lập.
Các tổ chức đảng được kịp thời thành lập là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn. Hòa cùng phong trào cách mạng của tỉnh, Phủ ủy Điện Bàn đã lãnh đạo quân và dân lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương.
Chi bộ Đảng đầu tiên
Ngày 28/3/1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam thành lập. Sau khi thành lập, Tỉnh ủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh để lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng, xây dựng, củng cố các tổ chức của Đảng.
Tỉnh ủy phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách từng địa phương để tuyên truyền, kết nạp đảng viên và thành lập tổ chức đảng ở các phủ, huyện trong tỉnh. Đồng chí Phạm Thâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy được phân công phụ trách xây dượng cơ sở cách mạng, phát triển đảng viên ở Điện Bàn, Quế Sơn và Duy Xuyên.
Tại Điện Bàn, trên cơ sở Chi bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng phủ Điện Bàn, ngày 5/4/1930, đồng chí Phạm Thâm đã tuyên bố thành lập Chi bộ Bất Nhị - Chi bộ Đảng đầu tiên ở phủ Điện Bàn.
Đây là một trong những Chi bộ Đảng ra đời sớm so với các địa phương khác trong tỉnh. Bí thư Chi bộ là đồng chí Nguyễn Thành, người làng Bất Nhị thuộc tổng Hạ Nông (nay thuộc xã Điện Phước).
Lúc bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Quảng Nam đã nổ ra cùng nhịp với phong trào chung của cả nước, được mở đầu bằng đợt đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động (1/5/1930). Đảng bộ chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh.
Ở Điện Bàn, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ Bất Nhị đã vạch ra kế hoạch, chỉ đạo và bất chấp hiểm nguy, bí mật trong đêm thực hiện treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi.
Đúng như kế hoạch, sáng ngày 1/5/1930 cờ đỏ búa liềm hiên ngang tung bay trước dinh Tổng đốc Quảng Nam, trước phủ đường và cây Cốc (Lục Giáp), cánh đồng Hà Thanh, ở Cầu Mống. Cùng với cờ đỏ búa liềm, truyền đơn, khẩu hiệu đấu tranh được rải khắp nơi.
Việc cờ Đảng, truyền đơn cách mạng xuất hiện nhiều nơi trong phủ đã gây tiếng vang lớn, tạo được sự chú ý của các tầng lớp nhân dân. Mọi người bàn tán xôn xao, nói với nhau về tài “xuất quỷ nhập thần” của cộng sản. Đây là thắng lợi lớn của ta trong đợt đấu tranh chính trị đầu năm 1930, mở màn cho cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Gương kiên trung Bí thư Phủ ủy
Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo hưởng ứng các phong trào đấu tranh dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ Bất Nhị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh, qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng.
Kết quả, từ tháng 4/1930 đến tháng 7/1930, ở phủ Điện Bàn đã phát triển được 5 Chi bộ Đảng, với 22 đảng viên. Theo Chỉ thị của Tỉnh ủy, tháng 7/1930, Phủ ủy Điện Bàn được thành lập, Ban Chấp hành gồm các đồng chí Phạm Lang, Nguyễn Thành và Nguyễn Tụy. Đồng chí Nguyễn Thành được cử làm Bí thư đầu tiên của Phủ ủy Điện Bàn.
Như vậy, chỉ một tuần sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, Chi bộ Đảng đầu tiên của phủ Điện Bàn được thành lập và chỉ gần 4 tháng sau, Phủ ủy Điện Bàn được thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn.
Trong lúc phong trào cách mạng trong tỉnh, cũng như ở phủ Điện Bàn đang phát triển mạnh mẽ, thì cuối tháng 10/1930, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam đứng chân tại Hội An. Các đồng chí trong Tỉnh ủy bị bắt. Như các địa phương khác, Phủ ủy Điện Bàn cũng bị bể vỡ, hầu hết đồng chí trong Phủ ủy cũng bị bắt, trong đó có đồng chí Nguyễn Thành - Bí thư Phủ ủy.
Đồng chí Nguyễn Thành bị giam tại nhà lao Hội An. Biết đồng chí là lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng ở phủ Điện Bàn, bọn mật thám, tay sai ra sức mua chuộc, dụ dỗ nhưng không thành. Biết không thể lung lay được ý chí người cộng sản kiên trung ấy, bọn chúng chuyển sang tra tấn, những tên tay sai khát máu nhất được cử đến để khai thác.
Bọn chúng dùng các hình thức tra tấn rất dã man như bắt mang gông tạ, bắt quỳ trên sạn, cùm chéo, đánh bằng roi mây, đuôi cá đuối... Những trận đòn cứ liên tiếp trút xuống tấm thân gầy mòn chỉ còn da bọc xương, nhưng đồng chí Nguyễn Thành vẫn không hé một lời, giữ vững khí phách của người cộng sản.
Nhưng rồi, trong tổ chức có người không chịu nỗi sự tra tấn dã man của kẻ thù đã phản bội, khai báo. Khi biết được các tổ chức đảng do Nguyễn Thành lãnh đạo, địch càng ra sức tra tấn dã man hơn. Đứng trước tình thế đó, đồng chí Nguyễn Thành đã quyết định tuẫn tiết để bảo vệ bí mật các tổ chức đảng còn chưa bị vỡ. Đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Đồng chí Nguyễn Thành là tấm gương người cộng sản kiên trung, sự hy sinh của đồng chí đã góp phần làm rạng danh quê hương Điện Bàn anh hùng.